(CATP) TPHCM là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước. Tình trạng vi phạm pháp luật môi trường trên địa bàn thành phố diễn biến khá phức tạp, tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về...
Để kịp thời xử lý các vi phạm, nhưng hạn chế gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), Báo CATP đã phỏng vấn đại tá Huỳnh Trí Thạnh - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) CATP về vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa đồng chí, thời gian qua tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Tại TPHCM, thực trạng này như thế nào?
| Đại tá Huỳnh Trí Thạnh: Trong các vi phạm về môi trường, nổi cộm nhất là xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề phổ biến của tất cả các DN trên địa bàn thành phố, từ sản xuất công nghiệp đến dịch vụ, thương mại, y tế... Không chỉ có DN tư nhân mà DN vốn FDI, DN Nhà nước cũng vi phạm. Một lĩnh vực có nhiều vi phạm nữa là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), do thành phố có dân số đông, nhu cầu sử dụng thực phẩm lớn. trong khi đó phần lớn các hộ sản xuất thực phẩm nhỏ, lẻ đều không tuân thủ đúng quy định về ATVSTP, sử dụng phụ gia bừa bãi... |
Đại tá Huỳnh Trí Thạnh - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường CATP
- Nguyên nhân của tình trạng trên, thưa đồng chí?
| Đại tá Huỳnh Trí Thạnh: Việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải đòi hỏi kinh phí và chi phí vận hành lớn nên nhiều DN vừa và nhỏ không đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, còn ý thức bảo vệ cộng đồng chưa cao nên tìm cách này, cách khác để tránh né, không xây dựng hệ thống xử lý chất thải, xây dựng nhưng không vận hành hoặc vận hành theo kiểu đối phó. Một nguyên nhân nữa là do quy hoạch. Thành phố có khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhưng chưa thu hút được DN vào trong đó. Để thu hút DN vào khu công nghiệp, thành phố cần có chính sách phù hợp. Ngoài ra còn một bất cập nữa là sự chồng chéo, cắt khúc trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực môi trường, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện... gây nhiều khó khăn cho DN cũng như lực lượng CSMT trong thực thi nhiệm vụ. Theo quy định, các tổ chức cá nhân hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nếu không có sẽ bị xử phạt. Như vậy, đây có phải là giấy phép “con” không? Có phải điều kiện để được phép kinh doanh không? Điều này chưa được quy định rõ ràng, gây ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật và cũng ảnh hưởng đến người kinh doanh khi mỗi nơi vận dụng một cách khác nhau. |
- Trước những khó khăn đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của CSMT làm sao để vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động?
| Đại tá Huỳnh Trí Thạnh: Trong quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng CSMT TPHCM kiên quyết với các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cũng nhận thức rõ điều kiện kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của DN, nên chúng tôi vừa đấu tranh, xử lý đúng pháp luật, vừa cố gắng hết sức tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất. Tùy từng trường hợp, chúng tôi luôn xem xét lỗi dẫn đến vi phạm do yếu tố chủ quan hay khách quan là chủ yếu để xử lý đúng luật, nhưng đảm bảo có tình, có lý. Có trường hợp vi phạm rõ ràng, số tiền phạt lớn, nhưng chúng tôi mạnh dạn báo cáo UBNDTP xem xét, cân nhắc nguyên nhân dẫn đến vi phạm do yếu tố khách quan nhiều hơn chủ quan, từ đó áp dụng phạt với tình tiết giảm nhẹ hoặc nhắc nhở mà không áp dụng hình thức phạt tiền. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, dùng thủ đoạn để đối phó hoặc tái phạm thì kiên quyết xử lý, không khoan nhượng. Chúng tôi luôn giáo dục, quản lý cán bộ, chiến sĩ chấp hành đúng quy trình trong kiểm tra, xử lý, không gây phiền hà, khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của DN. Đặc biệt là không để xảy chuyện để cán bộ, chiến sĩ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó dễ, vòi vĩnh DN. |
- Xin cảm ơn đồng chí.