Tiêu điểm:

Vụ cá chết dạt bờ miền Trung: Có nên phát triển bằng mọi giá?

Thứ Năm, 28/04/2016 10:26  | Kim Ngân

|

(CATP) Dù Ban giám đốc Formosa đã cúi đầu xin lỗi, nhưng câu nói “hớ” của giám đốc truyền thông tập đoàn này vẫn nêu lên một sự thật là chúng ta đang vì mục tiêu tăng trưởng mà quên đi, lờ đi các yếu tố về môi trường. Sự tăng trưởng ấy không bao giờ bền vững.

“Chọn gang, thép hay tôm, cá?”. Sau câu hỏi này, giám đốc đối ngoại của Formosa đã nhận vô số "gạch đá" từ báo chí và truyền thông mạng. Dễ hiểu thôi, vì nó không chỉ mang đến cho người Việt sự bực tức mà lớn hơn, là sự đau đớn. Nhưng câu hỏi đó cũng buộc chúng ta phải nhìn nhận lại công tác quản lý cấp phép đầu tư bấy lâu nay, và liệu có phải chúng ta đã, đang chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá?

Thực ra, Việt Nam chưa bao giờ chủ trương “phát triển bằng mọi giá”. Nhưng trên thực tế, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, khi thực hiện mục tiêu phát triển, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường. Điều này có thể phụ thuộc vào khả năng chuyên môn của người thẩm định.

Theo ông Hoàng, vấn đề môi trường không chỉ là vấn đề phát triển mà lớn hơn, là thước đo “tuổi thọ” của một quốc gia. “Sự phát triển hay kết thúc của một nền văn minh hoàn toàn dựa vào vấn đề môi trường. Môi trường, đằng sau nó, linh hồn của nó, yêu cầu của nó chính là cuộc sống của nhân dân, và cuộc sống của nhân dân mới là mục tiêu của phát triển” - ông Hoàng nêu quan điểm.

Bên cạnh câu chuyện quản lý, nhiều người nêu câu hỏi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhưng bằng cái nhìn của nhà quản lý, ông Hoàng (từng là Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam - Đà Nẵng) lưu ý, quan trọng nhất vẫn là vai trò quản lý vĩ mô. Việc chỉ dựa vào “lòng tốt” của doanh nghiệp là không khả thi, theo ông Hoàng. Vị Phó ban Tuyên giáo cũng nhấn mạnh đến biện pháp quản lý Nhà nước với những giải pháp cụ thể, nhất là khi trách nhiệm xã hội và đạo đức của doanh nghiệp “có vấn đề”. Ông Hoàng tái khẳng định: “Không nên hy sinh môi trường để tiếp tục câu chuyện phát triển. Nếu có, thì phải có giải pháp xử lý vấn đề môi trường tương ứng”.

Cá chết trắng ven biển miềng Trung nhưng đến nay các cơ quan chức năng chưa đưa ra nguyên nhân cụ thể.
 

Chung quan điểm, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tây Ninh, khuyến cáo nếu chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà không chú ý đến yếu tố môi trường thì sự phát triển đó chỉ là ngắn hạn. “Thu được một đồng từ tăng trưởng hôm nay thì tương lai ta có thể mất tới 15 - 20 đồng cho xử lý các vấn đề môi trường” - ông Xuân cảnh báo. Đó là chưa kể đến các vấn đề xã hội khác như sức khỏe của người dân, ảnh hưởng tới du lịch hay hàng hóa Việt Nam sẽ nằm trong “hồ sơ đen” về môi trường.

Đã có tư duy rằng, phát triển kinh tế thường gắn với những hệ quả xấu về môi trường. Vậy có nên sẵn hy sinh hay chấp nhận những rủi ro về môi trường không? Còn nhớ, khi trả lời câu hỏi này, ông Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, từng nói: “Đất nước ta bây giờ chưa đến độ “đói ăn vụng, túng làm liều” nên cần phải tính đủ khả năng khống chế ô nhiễm thì làm, nếu không thì không nên làm”.

Còn ông Nguyễn Đình Xuân thì kiến nghị, giả sử có những dự án có ý nghĩa lớn về kinh tế, an ninh quốc phòng đồng thời cũng có rủi ro về môi trường thì phải cân nhắc xem lợi ích đó có bù đắp được những chi phí cần phải bỏ ra để giải quyết vấn đề môi trường hay không cũng như những giải pháp để giảm thiểu rủi ro đó.

Thường thì khi thẩm định, cấp phép đầu tư cho một dự án, người ta hay thổi phồng giá trị kinh tế của dự án đó lên cũng như khẳng định đã hạn chế thấp nhất những rủi ro về môi trường. Để ngăn ngừa chuyện này xảy ra, ông Xuân khuyến nghị, cần có cơ chế phản biện để đánh giá khách quan những lợi ích cũng như rủi ro của các dự án đầu tư, sau đó phải có chương trình quản lý, giám sát phù hợp, quy trách nhiệm rõ ràng cho người quản lý lẫn nhà đầu tư.

Gần đây, người ta nhắc lại quyết định của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi ông từng từ chối hai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có số vốn từ 1,2 - 1,4 tỷ USD/dự án vì ảnh hưởng đến môi trường. Ông Thanh, khi đó đã lý giải cho quyết định của mình rằng, thành phố (Đà Nẵng) đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ - công nghiệp. Các dự án công nghiệp phải đảm bảo tiêu chí công nghiệp “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường. Đây là chủ trương nhằm hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường” vào năm 2020.

Mong rằng, tỉnh nào, ngành nào cũng có trách nhiệm như cố Bí thư Đà Nẵng khi xét duyệt, thẩm định và cấp phép đầu tư các dự án công nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang