(CAO) Việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, theo Bộ Tài chính, cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng trên nhiều mặt, đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế.
Có 4 sắc thuế cơ cấu trong giá xăng có thể điều chỉnh, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT). Đề xuất giảm các loại thuế này, đặc biệt là thuế TTĐB, gần đây được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội kiến nghị khá nhiều.
Theo các ý kiến này, đây là giải pháp khả thi nhất trong điều kiện giá xăng liên tục lên cao như hiện nay. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng xăng, dầu cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng trên nhiều mặt, đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế.
Thuế TTĐB đánh vào những mặt hàng Nhà nước không khuyến khích dùng. Ảnh minh hoạ
Cụ thể về thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bộ Tài chính phân tích, thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền,...). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này.
Trong khi đó, so với nhiều nước, theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp, thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính thông tin, số thu thuế TTĐB đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng. Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110 USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 9.614 tỷ đồng (bình quân 1.373 tỷ đồng/tháng). Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.
Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 120 USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 10.488 tỷ đồng (bình quân 1.498 tỷ đồng/tháng). Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.991 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho hay, Luật thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1995. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo số liệu thống kê năm 2019 (giai đoạn trước dịch Covid-19) thì sản lượng tiêu thụ trong nước của mặt hàng xăng chiếm tỷ trọng khoảng 37% trong tổng sản lượng xăng, dầu.
Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB, do đó nếu thực hiện giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với xăng thì phải thực hiện điều chỉnh mức thuế TTĐB tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp.
Về thẩm quyền, Bộ Tài chính khẳng định, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay (kỳ họp gần nhất là tháng 10, 11/2022), trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.
Từ những lý do nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt chưa thực hiện điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng. Cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.