Sáng 29-6, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đến dự và chủ trì Hội nghị.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở Quý III, IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% thì đến 6 tháng đầu năm 2022 đã bật tăng 3,82%. Riêng quý II năm nay ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.
Tốc độ tăng trưởng của từng khu vực đạt kết quả đồng đều: Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,23% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế với mức tăng 4,04% so với cùng kỳ; Khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất 4,83% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,86%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 7,3%). Các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả. Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ gồm Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,51%; Ngành thông tin truyền thông tăng 8,18%; Ngành tài chính, ngân hàng tăng 9,91%; Ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46%; Ngành y tế tăng 6,85%.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022
Chỉ có 1 ngành giảm là kinh doanh bất động sản giảm 5,82%. Có 3/9 ngành có mức tăng trưởng dưới 6% là bán buôn, bán lẻ tăng 3,10% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08% so với cùng kỳ; giáo dục và đào tạo tăng 4,99% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 238.648,063 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa: 169.937,884 tỷ đồng, đạt 62,92% dự toán, tăng 21,02% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 68.700 tỷ đồng, đạt 58,97% dự toán, tăng 9,62% so cùng kỳ.
“Những kết quả trên cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch”, bà Lê Thị Huỳnh Mai nhận định.
Dù vậy, TP.HCM cũng nhận thấy một số tồn, thách thức tại cần khắc phục như tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng; chỉ số cải cách hành chính năm 2021 bị tụt xuống hạng 43 so với hạng 23 của năm 2020. Một số ngành chưa tận dụng hết dư địa để phát triển…
Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mai yêu cầu các Sở ngành tiếp tục đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp
Trên cơ sở kết quả đạt được, TP.HCM xác định 6 tháng cuối năm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tăng cường công tác điều trị, đặc biệt là các trường hợp nặng; tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 (mũi thứ 4) cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá kinh tế - xã hội TPHCM phục hồi khá nhanh, đồng bộ và chạm được trạng thái trước dịch. Tuy nhiên, điểm nghẽn giải quyết thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất khiến dòng vốn không chảy vào được các dự án để tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và thu ngân sách.
Vì vậy, TP xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 cần chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tập trung tháo gỡ vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. “Điều này không chỉ nhằm hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 đã đề ra mà còn có chuẩn bị nền tảng để tạo đà tốt hơn tăng tốc cho 2023, 2024”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.