Vùng áp thấp dự báo mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó thành bão

Thứ Ba, 28/06/2022 16:16

|

(CAO) Đây là vùng áp thấp đầu tiên của mùa mưa bão năm 2022, khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rất cao, với 80-90% và khoảng 50-70% áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão.

Trưởng phòng Dự báo khí hậu thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết trên Biển Đông đang có một vùng áp thấp hoạt động, dự báo sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó mạnh thành bão. Do tác động của hình thế thời tiết này, nhiều nơi trên đất liền sẽ có mưa dông.

Cụ thể, sáng (28/6) vùng áp thấp đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, đang có xu hướng mạnh lên. Dự báo khoảng đêm 28 và ngày 29/6, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Vùng áp thấp này có xu hướng dịch chuyển về phía Tây và Tây Bắc, do đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Bắc và giữa biển Đông của Việt Nam.

Vùng áp thấp dự báo sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó thành bão. Nguồn: TTDBKTTVQG

Theo Trưởng phòng Dự báo khí hậu, đây là vùng áp thấp đầu tiên của mùa mưa bão năm 2022, khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rất cao, với 80-90%. Thông tin cơ quan khí tượng mới thu thập được đã ra nhận định, khoảng 50-70% áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão.

Về tác động của áp thấp nhiệt đới, trên biển sẽ gây ra gió mạnh trên khắp khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa). Theo diễn biến, cường độ mạnh lên từ vùng áp thấp lên áp thấp nhiệt đới và áp thấp lên thành bão sẽ tăng dần cấp độ gió ở các vùng biển Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa).

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 336/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) được xác định từ vĩ tuyến 14-17 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115 độ Kinh Đông (khu vực nguy hiểm được điều chỉnh theo diễn biến của vùng áp thấp tại các bản tin của cơ quan dự báo).

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...

Trong thời gian có bão, ngư dân và thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết.

Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới, tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, ngư dân cần kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang