Bộ trưởng Tô Lâm: Tham mưu tốt cho Bộ Chính trị đảm bảo an ninh kinh tế

Thứ Sáu, 29/12/2017 11:33  | Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày 29/12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Trong năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, lực lượng Công an đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển đất nước.

Nêu những thành tựu nổi bật lực lượng Công an đã đóng góp vào kết quả chung của Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng Công an đã thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về các vấn đề cơ bản chiến lược về ổn định chính trị và phát triển kinh tế, mở rộng hoạt động đối ngoại. Đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 12 về đảm bảo an ninh kinh tế, là một kết quả tham mưu có hiệu quả tốt.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại hội nghị (ảnh chụp qua màn hình)

Tham mưu Chính phủ chỉ đạo phát triển kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, xử lý nợ xấu, sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đảm bảo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Đã triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an ninh an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là năm APEC và đỉnh cao là tuần lễ cấp cao APEC đã được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đồng thời tập trung chỉ đạo, đảm bảo an ninh kinh tế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tạo môi trường rất thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế trong môi trường chung.

“Đạt được những thành quả kinh tế như thế là có sự đóng góp của lực lượng Công an trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội”- Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo môi trường an ninh an toàn lành mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân để phục vụ phát triển kinh tế. Tình hình tội phạm đã được kiềm chế, so với năm 2016 thì tỷ lệ phạm pháp, tội phạm đã giảm 3%. Việc điều tra khám phá các vụ án hình sự đạt tỷ lệ cao (trên 80%). Các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra đều vượt, trong đó chỉ tiêu phòng chống tội phạm vượt 10%.

Đã tập trung triển khai quyết liệt công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường; đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy tố xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triệt phá nhiều tụ điểm đường dây buôn lậu lớn, qua đó làm giảm tình trạng thẩm lậu hàng hóa vào nội địa; mở cao điểm xử lý vi phạm pháp luật tội phạm về môi trường, khoáng sản, nhất là trên lĩnh vực khai thác cát, đá, sỏi; vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; phát hiện, xử lý 17.159 vụ xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế (nhiều hơn 336 vụ so với năm 2016).

Ngoài ra, đã phát hiện, xử lý 185 vụ về tham nhũng, chức vụ, hơn 3.945 vụ buôn lậu (tăng hơn 626 vụ so với năm 2016), 604 vụ trốn thuế, hơn 19.397 vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 1.700 vụ)…

Đồng thời, lực lượng Công an cũng chủ động tham mưu phối hợp giải quyết ổn định các vụ khiếu kiện, đình công, lãn công; tăng cường các biện pháp PCCC, cứu hộ cứu nạn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, qua đó tạo môi trường ổn định an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đã giải quyết trên 4.000 vụ khiếu kiện với 18.000 lượt người khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương, chủ yếu là vấn đề đất đai, chính sách và môi trường.

Công tác PCCC giảm thiệt hại về người và tài sản cho người dân và doanh nghiệp. Phối hợp xử lý trên 20.000 vụ vi phạm quy định về PCCC và số tiền phạt PCCC khoảng 54 tỷ đồng, nhưng so với con số thiệt hại thực sự do cháy gây ra thì chưa thấm gì.

Bộ Công an đã đơn giản hóa 114 thủ tục hành chính, kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ 27 thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chung của người dân và doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt các địa phương phối hợp với lực lượng Công an triển khai các nhiệm vụ.

Cụ thể, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an sẽ ban hành Nghị quyết về công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội năm 2018, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương sớm làm việc với Công an các tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo công tác an ninh trật tự trên địa bàn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị 28 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới.

Tăng cường đối thoại với nhân dân, tổ chức rà soát, phân tích từng vụ việc cụ thể, bức xúc, không để hình thành các điểm nóng. Nghiên cứu các nội dung nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài để có kế hoạch đối thoại, giải quyết dứt điểm, hài hòa các lợi ích của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, có giải pháp đồng bộ chặt chẽ thấu đáo, thận trọng khi giải quyết việc cưỡng chế, chuẩn bị kỹ phương án giải phóng mặt bằng, nhất là các địa phương phục vụ phát triển hạ tầng cũng như phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật Nhà nước, tăng cường nhận thức cho cán bộ, công chức về công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an khắc phục lỗ hổng về an ninh mạng…

Đề nghị các bộ ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và chấp hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: “Nếu không có ý thức chấp hành pháp luật thì ngành Công an cũng khó đạt được mục tiêu đề ra”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang