Hôm nay Tổng Bí thư dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ

Thứ Năm, 28/12/2017 08:39

|

Sáng nay (28/12), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ bắt đầu Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo. Đây được xem là cuộc họp Chính phủ lần đầu tiên đón Tổng Bí thư đến dự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo chương trình Hội nghị, dự kiến diễn ra từ ngày 28-29/12, sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sẽ trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Thường được đánh số 01, Nghị quyết này sẽ là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính Nhà nước trong năm 2018.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết trên tinh thần đổi mới cả về phương pháp, hình thức và nội dung; bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn (khoảng 15 trang); có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gắn với các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; giảm thiểu những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan, địa phương; đổng thời chú trọng công tác tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Tại Hội nghị, các địa phương và bộ, ngành sẽ tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, từ đó thống nhất, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe các báo cáo tóm tắt về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017...

Sự kiện Tổng Bí thư dự Hội nghị Chính phủ có ý nghĩa lớn

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định đây là sự kiện đặc biệt cho thấy sự nhất quán về quan điểm của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Chính phủ về cách thức tổ chức điều hành, phát triển nền kinh tế, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cũng là thể hiện sự ủng hộ của Tổng Bí thư, các cơ quan của Đảng với Chính phủ.

Mặt khác, việc Tổng Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị này cũng sẽ gửi thông điệp tới các tỉnh, thành phố trong bối cảnh có nhiều vụ việc vừa xảy ra tại các địa phương thu hút sự chú ý của người dân và dư luận.

Theo ông Huỳnh Thế Du (Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam), công cuộc phòng chống tham nhũng dưới sự quyết tâm và chỉ đạo của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem lại những chuyển biến hết sức tích cực thời gian qua. Ở góc độ Chính phủ, trong bối cảnh chịu rất nhiều ràng buộc và giới hạn cộng với tâm lý kém hồ hởi bao trùm, cách tiếp cận hành động của Thủ tướng là rất trúng.

Sau hơn một năm, mọi chuyện đã chuyển biến hết sức tích cực, được thể hiện ở việc tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay đều cán đích; ở sự đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế với sự thăng hạng ngoạn mục của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và dự báo tăng trưởng; và sự sôi động của thị trường chứng khoán.

“Có thể mỗi người có những đánh giá ở những góc độ khác nhau, và tính chính xác của số liệu thống kê nước ta vẫn là vấn đề muôn thuở. Tuy nhiên, sự ấm lên của nền kinh tế Việt Nam và những tín hiệu tích cực là khó có thể phủ nhận”, ông Du nhận định.

Ông Huỳnh Thế Du cho rằng, trong bối cảnh như vậy, việc Tổng Bí thư sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo cuộc họp cuối năm của Chính phủ với các địa phương cho thấy sự gắn kết, thống nhất. Sự kiện này cũng khẳng định mục tiêu của Đảng chống tham nhũng là để làm lành mạnh hệ thống nhằm đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế có tính bao trùm.

Cộng với sự ủng hộ và chung tay của các địa phương, doanh nghiệp và đông đảo trí thức cũng như người dân thì cơ hội tình hình chuyển biến theo hướng tích cực là rất lớn.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện nay không chỉ người dân và doanh nghiệp trong nước mà cả cộng đồng quốc tế cũng đang theo dõi sát các hoạt động của Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Các chủ trương, quyết định của Đảng trong thời gian qua vừa hỗ trợ, vừa đóng vai trò kim chỉ nam cho Chính phủ trong việc xây dựng một bộ máy liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.

Theo bà Phạm Chi Lan, việc xử lý một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, vừa qua đều gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Đây là việc làm rất cần thiết, rất ý nghĩa, tác động mạnh tới doanh nghiệp bởi môi trường kinh doanh lành mạnh là một trong những vấn đề quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay. Những quyết định của Đảng hỗ trợ trực tiếp việc xây dựng Chính phủ liêm chính.

“Vấn đề rất quan trọng khác là việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, tôi mong sẽ được làm mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất. Nếu giảm được đầu mối, giảm biên chế, cắt giảm chi tiêu… sẽ có tác động đồng bộ với các giải pháp của Chính phủ”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

Theo vị chuyên gia, hiện nay bộ máy đang trùng lặp rất nhiều về chức năng, nhiệm vụ, một việc giao nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, việc sắp xếp bộ máy phải đi cùng việc làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, từng cá nhân, từ đó sẽ nâng cao hiệu lực hiệu quả trong điều hành, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Bà Chi Lan cũng đề nghị trong thời gian tới, việc sắp xếp bộ máy sẽ tạo điều kiện cho việc tiến tới xử lý cả các cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc năng lực hạn chế, chứ không chỉ là cán bộ tham nhũng, như thế sẽ có tác động mạnh hơn, tốt hơn. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng có thể giúp theo dõi toàn bộ tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, ai chậm trễ sẽ bị xử lý ngay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang