Cần thay đổi cách truyền thông về Covid-19

Thứ Sáu, 16/07/2021 11:19

|

(CATP) Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong "cuộc chiến chống Covid-19". Truyền thông tốt giúp cho cơ quan chức năng ứng phó kịp thời với tình hình xã hội, dịch bệnh, làm cho người dân an tâm, hợp tác tích cực trong công tác chống dịch. Do vậy, cần phải thay đổi cách truyền thông, dựa trên cơ sở sự thật, lạc quan hơn để hỗ trợ tinh thần cho công tác chống dịch.

Nhanh, thuyết phục để người dân có thể chấp nhận

Bạn thử gọi điện thoại đi động của Mobifone đi, bạn nghĩ gì về đoạn nhạc chờ có lời: "Đề nghị người dân TPHCM nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội và chấp hành các biện pháp phòng chống dịch".

Đành rằng tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 hiện nay là rất cần thiết, đặc biệt trong khi TPHCM đang tiến hành giãn cách xã hội 15 ngày quyết liệt dập dịch, nhưng tại sao Mobifone hay các cơ quan chức năng khác không thể tìm một câu tuyên truyền khác thuyết phục hơn, dễ được người dân chấp nhận hơn là một câu mệnh lệnh như vậy?

"Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước" - đó là lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 6-7, khi TPHCM chuẩn bị giãn cách.

Lời kêu gọi này được người dân vui vẻ chấp thuận ngay, bởi tính thuyết phục "vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước".

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho đội ngũ phóng viên tại TPHCM

Trong thời đại 4.0, thông tin trên mạng xã hội rất nhanh và đủ loại. Để định hướng dư luận có lợi cho công tác phòng chống dịch đòi hỏi đội ngũ truyền thông, kể cả báo chí cũng phải làm khác đi, thuyết phục hơn. Truyền thông không tốt, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch. Cần rút kinh nghiệm để xử lý các cuộc khủng hoảng truyền thông mà có thể còn diễn ra trong mùa dịch này.

Ngay trong đợt TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, cũng có nhiều vấn đề truyền thông cần xử lý nhưng làm không kịp thời, hoặc làm chậm. Dù TPHCM tuyên bố đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm trong thời gian giãn cách, bà con chỉ nên mua lương thực đủ ăn, không tích trữ, tránh chen lấn nguy hiểm trong phòng dịch nhưng người dân vẫn ùn ùn kéo nhau đến siêu thị mua tích trữ vì sợ giá lương thực thực phẩm tăng cao. Cảnh tượng đó làm cho xã hội trở nên căng thẳng không đáng có. Nhưng người dân vẫn làm và họ có cái lý của mình bởi ngay trong ngày đầu tiên giãn cách và một vài ngày sau đó giá thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả tăng nhanh và nhiều siêu thị thiếu hàng.

Cả các vấn đề khác nữa, như việc ùn ứ ở 12 chốt phòng dịch tại các cửa ngõ vào TP, ùn ứ các chốt kiểm tra thực hiện giãn cách liên quận cũng chậm giải quyết, Hình ảnh báo chí đưa tin sáng 12-7 tại chốt trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) cho thấy không khác cảnh bà con chợ Bình Điền hôm nọ ùn ùn đi xét nghiệm Covid, cảnh tiêm ngừa Covid-19 ở Nhà thi đấu Phú Thọ.

Truyền thông dịch tễ trên cơ sở sự thật

Đây là công tác rất quan trọng để người dân hiểu được bản chất dịch Covid-19, virus SARS-CoV-2 là gì, cách lây truyền, cách phòng chống; cả tác dụng của vắc-xin. Hiểu bản chất của dịch Covid-19 người dân mới không sợ hãi thái quá, biết cách phòng chống, thậm chí sẽ phải sống chung với nó một cách khoa học, an toàn cho bản thân và xã hội.

Ngay cả vấn đề cách ly F1, báo chí lên tiếng liên tục và các nhà chuyên môn cũng đã thấy những bất cập của việc cách ly hàng vạn ca F1 trong các khu cách ly rất nguy hiểm. Do vậy, Bộ Y tế bắt đầu cho TPHCM cách ly các ca F1 tại nhà theo quy trình phòng dịch nghiêm ngặt. TP.Thủ Đức cũng cho các F1 cách ly tại các khách sạn. Đây là vấn đề không chỉ ở TPHCM mà cả nước trước sau gì cũng thực hiện như vậy khi mà các ca F1 tăng nhanh chóng, các khu cách ly quá tải, dễ lây nhiễm chéo.

Việc truyền thông về dịch Covid-19 cũng phải khoa học và hiệu quả hơn, tránh làm cho người dân sợ hãi nhưng cũng tránh những thông tin đưa ra mà người dân không tin.

Cuối cùng những ngày sau VTV cũng có thông tin khả dĩ là đưa thông tin tích cực trước, như đưa số lượng ca nhiễm đã điều trị hết bệnh, xuất viện, số lượng người đã được tiêm vắc-xin, rồi mới đưa thống kê các ca nhiễm. Đó là cách đưa thông tin tốt, định hướng được dư luận trên cơ sở sự thật, không phải né tránh.

Một vấn đề khác là các thông tin không chính xác, thiếu khoa học trên mạng về Covid-19, cũng cần có những thông bác bỏ hoặc định hướng cho người dân an tâm. Như chuyện tiêm vắc-xin, nhiều thông tin cho rằng khi tiêm xong không được... ăn trứng chẳng hạn, nó chẳng có tính khoa học nào cả. Hoặc như một bác sĩ viết rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn 90% so với virus gốc; lại khẳng định rằng 2 người đứng gần nhau vài giây cũng có thể bị nhiễm! Đây là những thông tin không có cơ sở khoa học, nhưng đa số công chúng nghĩ ông ta là bác sĩ nên tin đó là sự thật!

Ngay cả thông tin về những tai biến sau khi tiêm vắc-xin với những "tin đồn" thiếu khoa học vẫn nhan nhản trên mạng xã hội, gây bất lợi chiến dịch tiêm chủng, khi tiêm chủng được xem là chiến lược trong phòng chống Covid-19 trên toàn thế giới.

Thông tin về các ca tử vong vì Covid-19 cũng vậy, lúc đầu 1 người chết vì dịch đã làm cho xã hội hoang mang, nhưng sau đó có ngày 4 - 5 ca tử vong, cũng là chuyện bình thường. Nếu người dân biết rằng mỗi ngày ở TPHCM có khoảng 35 - 38 ca ung thư tử vong (tức khoảng 13.000 - 14.000 ca mỗi năm, chưa kể các loại bệnh khác) thì công chúng sẽ cảm thấy số lượng tử vong như vậy là tất yếu và chấp nhận được. Thực tế số ca tử vong vì Covid-19 ở nước ta chỉ chiếm 0,41%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Truyền thông rất quan trọng trong "cuộc chiến chống Covid-19" và cũng là một thách thức lớn với đội ngũ truyền thông, nếu (giả định) trong những ngày tới số ca mắc Covid-19 vẫn tăng cao, sẽ phải truyền thông như thế nào? Truyền thông dịch tễ phải tôn trọng sự thật, thuyết phục được công chúng, để công chúng có cái nhìn tích cực, lạc quan để góp phần cho chiến dịch dập dịch của TPHCM trong những ngày tới, cũng như trên cả nước.

Nên thông tin về dịch Covid-19 như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đặt ra vấn đề ít ai bàn đến, đó là cách chuyển tải thông tin đến công chúng. Giới truyền thông hay nhấn mạnh đến những thông tin "tiêu cực" (số ca nhiễm, tử vong) nhưng không đặt chúng trong bối cảnh, và dễ gây hiểu lầm cũng như phản ứng phi lý trí.

Nhiều năm trước, hai nhà tâm lí học trứ danh Amos Tversky và Daniel Kahneman (sau này được giải Nobel kinh tế) làm một thí nghiệm để chỉ ra rằng cách truyền đạt thông tin về nguy cơ, rủi ro có thể thay đổi quyết định của người nhận thông tin.

Giáo sư Tversky và Kahneman đặt ra một tình huống giả định rằng có một trận dịch gọi là "Asian disease" sẽ gây tử vong cho 600 người, và để kiểm soát dịch người dân có 2 phương án:

• Phương án 1 là điều trị A sẽ cứu sống 200 người;

• Phương án 2 là điều trị B có xác suất cứu sống là 33% và xác suất thất bại là 67%.

Họ hỏi các tình nguyện viên trong cuộc thử nghiệm trên là chọn phương án nào.

Kết quả thật ngạc nhiên: 72% tình nguyện viên chọn Phương án 1.

Sau đó, Tversky và Kahneman làm thí nghiệm thứ hai, và họ đặt câu hỏi khác một chút:

• Phương án 1 với điều trị A sẽ chắc chắn dẫn đến 400 ca tử vong;

• Phương án 2 với điều trị B sẽ bảo đảm 33% không ai chết và 67% sẽ chết.

Kết quả cho thấy 78% tình nguyện viên chọn phương án 2.

Phương án 1 và Phương án 2 là như nhau, tức là đều cứu được 200 người. Nhưng cách đặt câu hỏi/vấn đề thì khác nhau về mặt toán học. Phương án 1 được mô tả bằng con số tuyệt đối, còn phương án 2 thì dùng tỉ lệ (xác suất) hay số tương đối. Thế nhưng phản ứng của chúng ta thì khác nhau! Đó là một phản ứng ... phí lí, họ chọn phương án tích cực.

Hai nhà khoa học trên gọi đó là "Framing Effect", tạm dịch là "hiệu ứng trình bày". Cách trình bày hay chuyển tải thông tin có ảnh hưởng đến hành vi, thậm chí quyết định của con người.

Thí nghiệm "Asian Disease" trên chỉ là một tình huống giả định, không có thật. Nhưng kết quả của nó có ý nghĩa trong thông tin về đại dịch Covid-19.

Nhưng trong thực tế thì tỉ lệ tử vong ở những người mắc Covid-19 tương đối thấp. Nhà thống kê học David Spiegelhalter đã làm một phân tích so sánh nguy cơ tử vong từ Covid-19 và tử vong "bình thường" (ý nói không có Covid-19 thì người ta vẫn chết do các bệnh khác, kể cả cúm mùa). Ông kết luận rằng tính theo tuổi, nguy cơ tử vong ở người nhiễm Covid-19 rất giống với xu hướng chung trong dân số, thậm chí thấp hơn.

Giáo sư Spiegelhalter kết luận một cách ví von rằng nguy cơ bị nhiễm và tử vong từ Covid-19 trong 16 tuần lúc đại dịch tương đương với dân số "bình thường" tuổi 55 bị mất 5 tuần tuổi thọ.

Trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, nếu theo "Hiệu ứng trình bày", chúng ta nên trình bày thông tin về nhiễm Covid-19 như thế nào đến công chúng?

Hiện Bộ Y tế vẫn thông báo số ca nhiễm hàng ngày cho công chúng biết. Đó là một sự minh bạch mà các chính phủ nước ngoài vẫn hay làm.

Vấn đề là con số ca nhiễm mỗi ngày không phản ảnh đúng thực trạng. Con số ca phát hiện chỉ là bề nổi, vì còn nhiều ca chưa được phát hiện trong cộng đồng vì không có triệu chứng hay chưa được xét nghiệm.

Tuy nhiên, công bố con số ca nhiễm có lợi điểm là thể hiện sự minh bạch của Nhà nước đối với người dân. Lợi điểm khác là công chúng biết được tình hình dịch bệnh. Cái lợi thứ ba là nhà chức trách có lí do tiếp tục lockdown.

Nhưng cái bất lợi của con số đó là công chúng không biết rằng 80% các ca đó là nhẹ và có thể tự bình phục. Vì không biết con số này, nên công chúng hoang mang. Nếu một người bình thường đọc con số (ví dụ) "700 ca nhiễm hôm nay" họ sẽ chẳng làm gì được, mà chỉ thờ dài nghĩ "nguy rồi", tức là gây ra tâm lý tiêu cực. Con số đó chỉ có ý nghĩa với nhà chức trách, chớ không có ý nghĩa với người dân thường.

Tôi đề nghị thay đổi cách chuyển tải thông tin đến công chúng. Vẫn thu thập số ca nhiễm hay dương tính mỗi ngày, nhưng cho mục đích nghiên cứu hơn là cho công chúng. Thay vào đó, nên ứng dụng "Hiệu ứng trình bày" qua cung cấp thông tin về số ca được tiêm vaccine mỗi ngày, tỉ lệ ca nhẹ, số người hồi phục... Những thông tin như thế có thể hỗ trợ tinh thần cho cộng đồng trong nỗ lực chống dịch.

GS.NGUYỄN VĂN TUẤN

Bình luận (0)

Lên đầu trang