Thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

ĐBQH đề nghị bổ sung nghỉ hưởng chế độ BHXH khi đi khám và điều trị hiếm muộn

Thứ Hai, 27/05/2024 12:35  | Thanh Hòa

|

(CAO) Đây là dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội hóa cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rất rộng.

Sáng nay, ngày 27/5, tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều đề nghị cụ thể, xác đáng.

Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng BHXH bắt buộc

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Kim Yến quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động (có nội dung thỏa thuận bằng tên gọi khác) và có nội dung thể hiện bằng việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, quy định tại a khoản 1 của Điều 3 của dự thảo luật.

Đại biểu Trần Thị Kim Yến

Theo đại biểu, nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 13). Tuy nhiên, xét về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động. Vì vậy, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động, phải có sự điều chỉnh kịp thời. Việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm cần phải được xác định và căn cứ trên hợp đồng lao động hợp pháp. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới có thể thực hiện tốt.

“Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này sẽ mở đường và gián tiếp thừa nhận các loại hình hợp đồng có tên gọi khác này, tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách này để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động”- đại biểu Trần Thị Kim Yến chỉ rõ.

Đại biểu cũng đề nghị, nếu phát hiện ra loại hình hợp đồng lao động này, cần thiết phải điều chỉnh về hình thức và nội dung, từ đó sẽ xác định rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.

Theo đại biểu Trần Thị Kim Yến, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật BHXH, đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia BHXH bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường

Dự thảo luật cũng bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu Trần Thị Kim Yến cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, theo đại biểu, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang BHXH bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng BHXH tự nguyện.

Đại biểu Yến cũng đề xuất bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan BHXH, bởi trên thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, khi tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật BHXH, việc tiếp cận thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu dữ liệu liên quan đến BHXH rất khó khăn.

Đại biểu còn đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, bởi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh; tức là bổ sung vào nghỉ hưởng chế độ BHXH khi đi khám và điều trị hiếm muộn…

Hai phương án về điều kiện hưởng BHXH một lần đều vẫn còn hạn chế

Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh quan tâm tới quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần-nội dung được rất nhiều đại biểu nêu ý kiến. Chung quan điểm với một số đại biểu phát biểu trước đó, đại biểu cho rằng, cả hai phương án nêu ra tại dự thảo Luật đều có những hạn chế, chưa phải là những phương án tối ưu.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh

“Không nên chọn Phương án 2 vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của người lao động. Tuy nhiên, Phương án 1 thì cũng vẫn còn có những băn khoăn, bởi vì những người đóng BHXH sau ngày Luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH một lần”- Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh phân tích.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cả hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là phương án tối ưu.

“Nếu chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn, kể cả việc tham gia BHXH trước hay sau khi Luật này có hiệu lực”-Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói.

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất chính sách để có thể hạn chế người lao động rút BHXH một lần, đó là giao cho BHXH phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp; mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút BHXH một lần.

Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số quy định của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết, tại Điều 47 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau có những từ ngữ vẫn chưa rõ ràng như: nghỉ 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục, 07 ngày đối với người chưa hồi phục sau thời gian phẫu thuật,…

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh đánh giá, quy định này vẫn còn mơ hồ, nên để cho các nhà chuyên môn có quyết định theo từng trường hợp cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức

Tại Điều 53, đối với việc khám thai, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên chia ra thành 02 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý và tại Điều 54, chưa có cơ sở phân chia tuổi thai. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại 02 Điều này.

Và tại mục 1, khoản c, Điều 74 quy định đối tượng được rút BHXH một lần là người đang mắc một trong những bệnh: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này vì có một số bệnh có thể điều trị được dứt điểm và người lao động có thể quay lại lao động bình thường.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng cho biết, những khái niệm trên chưa cập nhật kiến thức y khoa, nếu đưa vào Luật là không phù hợp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này và đối với từng trường hợp nên xác định khả năng lao động và khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa xác định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang