Cấp bách cải cách tiền lương

Thứ Tư, 04/10/2023 09:39

|

(CATP) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc thực hiện chế độ tiền lương mới là công việc cần thiết và đúng đắn. Chính phủ sẽ trình Trung ương (TW), Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ ngày 01/7/2024.

Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương

Phát biểu khai mạc Hội nghị TW 8 ngày 02/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội... để hội nghị nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định. Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xác định mục tiêu tổng quát, quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.

Nghị quyết 27 TW đã đặt mục tiêu cải cách tiền lương (CCTL) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN) từ 01/7/2021. Hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đến nay chưa được thực hiện.

Mới đây Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Quốc hội về lộ trình và phương án CCTL. Hiện ngân sách đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị CCTL trong ba năm tới, từ 2024 đến 2026.

Để chuẩn bị cho lộ trình CCTL, từ đầu năm 2023, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức TW sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm, để trả lương theo vị trí công tác. Đồng thời xây dựng lộ trình CCTL từ năm 2024.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 (6/2023), Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện CCTL, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6, dự kiến diễn ra tháng 10/2023.

Lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí làm việc Ảnh: TTXVN

Lộ trình cải cách tiền lương từ Nghị quyết 27

Nước ta đã có 4 lần CCTL vào các năm 1960, 1985, 1993, 2003. Nghị quyết số 27-NQ/TW (Nghị quyết 27) của Ban Chấp hành TW Đảng ban hành ngày 21/5/2018 là một nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN.

Nghị quyết nêu rõ: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Nghị quyết chỉ rõ, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập khi tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của NLĐ. Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ...

Chính vì vậy CCTL là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...; thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Nghị quyết số 27 có những điểm đổi mới rất nổi bật: Tiếp tục tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng; từ năm 2021, lương Nhà nước bằng lương DN; đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của CBCC cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN; đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của CBCC bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực DN. Điểm nổi bật quan trọng là xây dựng 5 bảng lương mới theo chức vụ, vị trí việc làm; bổ sung tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương...

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đồng ý sẽ đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động trong năm 2024 Ảnh: TTXVN

Lộ trình CCTL theo Nghị quyết 27 là vậy nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên lộ trình CCTL đã bị trì hoãn nhiều năm, chỉ thực hiện việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng - tương đương với 20,8%, nhằm giảm bớt khó khăn cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công.

Thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024

Ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý CBCC, trong đó có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 27 của TW. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Đồng thời, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho CCTL.

Chính phủ sẽ trình TW, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ ngày 01/7/2024.

Nêu một số nguyên nhân về công tác quản lý CB, báo cáo chỉ ra những tồn tại như chưa có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ. Đổi mới cơ chế quản lý CC theo vị trí việc làm còn chậm, chưa đồng bộ. Trong số các nguyên nhân chủ quan, báo cáo đánh giá tiền lương và thu nhập của CBCC còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ CBCC tâm huyết, toàn tâm toàn ý cống hiến trong quá trình thực thi công vụ...

Trong báo cáo này, Bộ Nội vụ cho biết dự kiến đến quý IV/2023, Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm của CC trong cơ quan, tổ chức hành chính, hướng đến trả lương, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, quy hoạch CBCC vị trí việc làm.

Từ năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020 quy định về vị trí việc làm và biên chế CC để làm căn cứ xác định vị trí việc làm, biên chế CC và cơ cấu ngạch CC. Trên cơ sở này, Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm theo quy định của Chính phủ đã ban hành. Theo Bộ Nội vụ, có 861 vị trí việc làm CBCC, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm CC nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm CC nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. CBCC cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí CB chuyên trách, 6 vị trí CC xã. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công CC nghiệp vụ chuyên ngành.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, đề cập thực trạng lương CCVC không đủ sống, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhận xét: Một sinh viên mới ra trường có mức lương khoảng hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, lương trung bình một CC nước ta khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mức lương này cách khá xa so với các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan 56,7 triệu đồng, Malaysia 29 triệu và Campuchia 17 triệu.

Cũng tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) phát biểu, nguyên tắc trả lương phải bảo đảm người đi làm ngoài nuôi mình cần nuôi được gần thêm một người để họ còn nuôi con, cha mẹ mình. Ý kiến đó rất đáng suy nghĩ và hy vọng với việc thực hiện quyết liệt cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 với những phương pháp mới, đặc biệt trả lương theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm (theo cách mô tả công việc) theo quy định của Chính phủ, tiền lương CCCCVC sẽ được nâng lên phù hợp. Một khi lương CBCCVC được trả đúng, đủ, lương trở thành nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương, cũng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ.

Lương tối thiểu Việt Nam xếp thứ 159/167 quốc gia

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua qua 8 lần điều chỉnh, với mức tăng như sau: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% từ tháng 7/2022 đến nay.

Hiện lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Dữ liệu từ Picodi công bố mới đây, Việt Nam đứng thứ 159/167 quốc gia được khảo sát với mức lương tối thiểu 162 USD/tháng. Lương tối thiểu được hiểu là một mức thu nhập cơ bản cho NLĐ tại một quốc gia/vùng lãnh thổ. Về mặt lý thuyết, mức lương này đủ để bảo đảm các nhu cầu tối thiểu như thực phẩm và nhà ở cho NLĐ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang