(CAO) Theo kết quả kiểm tra, cây rừng bị chết tại Khu du lịch Khai Long không liên quan đến Công ty Công Lý.
Ngày 22-2, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký báo cáo kết quả kiểm tra thông tin cây rừng bị chết tại Khu du lịch Khai Long (thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) do Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng - Du lịch Công Lý (gọi tắt Công ty Công Lý) làm chủ đầu tư.
Một góc khu du lịch Khai Long
Theo đó, UBND tỉnh cho Công ty Công Lý thuê 324.959,3m2 đất và 193.418,2m2 rừng phòng hộ rất xung yếu tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, trước đây thuộc Khoảnh 91, Tiểu khu 085, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi (Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 21/5/2015 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển và cho Công Lý thuê.
Trong đó, đã có 40.600m2 được Công ty Công Lý trồng rừng thay thế và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác; diện tích còn lại Công ty Công Lý trực tiếp quản lý bảo vệ rừng kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái theo Dự án Điểm du lịch Khai Long, đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư tại Văn bản số 3510/UBND ngày 16/12/2005. Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư số 6110100032 ngày 10/03/2008; hiện nay, Công ty Công Lý đang triển khai các hạng mục công trình đầu tư khu du lịch theo dự án được phê duyệt.
Ngày 11-1-2017, Công ty Công Lý có Tờ trình số 04/TTr-CL về việc xin chủ trương kiểm đếm lại cây mắm và trồng lại cây đước, đồng thời xin khai thác và sử dụng toàn bộ cây mắm và trồng lại cây đước trên toàn bộ diện tích rừng xin thuê; cây rừng trong khu vực có mật độ thấp và tình trạng sâu bọ trên cây mắm phát sinh rất nhiều, ảnh hưởng đến khách tham quan, du lịch, vấn đề này, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu, có ý kiến tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Hiện mật độ cây rừng bình quân: 2.880 cây/ha; trữ lượng rừng bình quân: 61,94 m3/ha, chủ yếu là cây mắm (trên 90%). Trong khu vực này, diện tích cây mắm có khả năng chết từng vệt, từng đám, chiếm tỷ lệ khoảng 60% so với tổng diện tích cây rừng trong khu vực kiếm tra; thời điểm cây rừng có dấu hiệu bị chết khoảng từ tháng 10-2016 đến thời điểm kiểm tra.
UBND tỉnh Cà Mau xác định, nguyên nhân mắm chết: bị ngập úng, theo quy luật tự nhiên “mắm trước, đước sau”, sau khi cây mắm phát triển, dần dần đất bồi tụ cao, ổn định, khi đó cây mắm dần dần bị đào thải và hình thành cây rừng khác thay thế, chủ yếu là cây đước.
Thời điểm cuối năm 2016 và đầu năm 2017, lượng mưa lớn kéo dài, triều cường trên các tuyến sông, rạch lên cao, nên hệ thống cống của khu du lịch thoát nước không triệt để, làm ứ đọng lượng nước lâu ngày trong khu vực dự án, dẫn đến cây rừng chết cục bộ theo từng vệt, từng đám.
Ông Tô Hoài Dân đang trả lời phỏng vấn
Dự án du lịch - dịch vụ Khai Long đang triển khai thi công các hạng mục công trình dự án, trong đó có nhiều phân khu nhỏ độc lập nằm bên trong hệ thống đường nội bộ, đồng thời đây là khu vực cuối triều, nên nước khu vực bên trong không thoát nước ra được triệt để; thêm vào đó, ở thời điểm cuối năm 2016, lượng mưa nhiều, làm tích trữ nước mưa, dẫn đến cây mắm bị ngập úng và chết.
Công ty Công Lý chưa thường xuyên theo dõi, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng hiện tượng cây rừng chết để có biện pháp hỗ trợ, khắc phục. Tuy nhiên, qua phân tích các nguyên nhân nói trên, chưa có cơ sở để khẳng định Công ty Công Lý có hành vi cố ý gây chết cây rừng.