Trình Quốc hội ban hành chính sách đặc thù cho TP.HCM

Thứ Hai, 20/02/2017 23:31  | Trà My

|

(CAO) Chiều 20-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP.HCM.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, sau hơn 12 năm thực hiện, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò của TP.HCM là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước. Việc Chính phủ xây dựng Nghị định mới quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM là hoàn toàn cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Tại buổi thảo luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề xuất một số vấn đề cụ thể như: Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu Ngân sách Trung ương (NSTW) tương ứng một phần không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia; được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTW trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước…

Ngoài ra còn cần có cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu, cho TP được tiếp cận nguồn thu tái cấp vốn của Ngân hàng Thế giới... Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TP phát triển, vấn đề quan trọng nhất là làm rõ chính sách tự chủ cho địa phương và quyền tự điều chỉnh, đặc biệt là về ngân sách, nhưng nếu như dự thảo này thì TP vẫn không có sự tự chủ.

Còn Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “TP luôn muốn tăng thu cho Ngân sách Trung ương, nếu TP được thưởng 30% thì NSTW cũng được tăng thêm 70%” và đề nghị việc thưởng này không phụ thuộc vào ngân sách chung cả nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại phiên họp

“TP muốn phát triển phải được chủ động hơn trong thu chi tài chính. Có sự tự chủ không phải để thành vương quốc riêng mà để đóng góp ngân sách nhiều hơn” - Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị mức dư nợ vay của ngân sách TP được phép quá đến 90% vì TP có khả năng trả nợ.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thì nhất trí với dự thảo, nhưng cũng băn khoăn dự thảo có tính đến phân cấp phân quyền gì cho TP, thí điểm những vấn đề gì theo quy định Hiến pháp không và đề nghị phải có những chính sách cụ thể để TP có động lực phát triển.

Đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đa số các Ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù mới ban hành thì phải nổi trội hơn, có bước đột phá hơn so với quy định cũ để TP.HCM thực sự là “vùng động lực”, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi thảo luận

Theo đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.HCM về thẩm quyền tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng khoán chi hành chính; thẩm quyền về nhân sự theo hướng lựa chọn nhân tài; cần tăng thêm cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn thành phố, phân chia tỷ lệ phần lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp nhà nước trung ương đại diện chủ sở hữu, thẩm quyền về huy động vốn đầu tư theo hướng trao cho địa phương có toàn quyền quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan trung ương. Cho phép thành phố tiếp cận các nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước thông qua các định chế tài chính ở địa phương…

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đồng ý với đề nghị của TP.HCM về mức thưởng vượt ngân sách (30%). Tuy nhiên, với phần hỗ trợ có mục tiêu thì ghi rõ “không quá 70%”; về mức vay, đồng ý nếu TP thấy 60% không đủ cho TP phát triển thì tăng lên 70% so với mức TP được hưởng. Về các đề nghị khác, UBTVQH sẽ giao cho Chính phủ trình Quốc hội quyết định trước khi ban hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang