(CAO) Đây là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 7, sáng 20-2-2017 khi thảo luận về Bộ luật hình sự năm 2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giao cho Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trực tiếp chỉ đạo, mời các chuyên gia, kể cả những người đã về hưu từ Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Công an, các Học viện, nhà trường để tập trung nghiên cứu thật kĩ rồi nêu ý kiến về việc sửa đổi Bộ Luật hình sự 2015 theo quan điểm là không ngại tốn kém, vấn đề là chất lượng luật, làm sao đáp ứng được yêu cầu công tác phòng chống tội phạm.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: “Việc sửa đổi lần này cũng chỉ tập trung vào các lỗi kỹ thuật hay những vấn đề có ý kiến khác nhau, còn việc thay đổi chính sách hình sự lớn tôi đề nghị cân nhắc”.
Đại diện các bộ ngành tại phiên họp
Trước đó, góp ý vào dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng còn nhiều điều băn khoăn. Về ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Bộ Luật hình sự 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và phù hợp với xu hướng chung của quốc tế và cũng được Quốc hội khóa VIII thảo luận kỹ, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định, do đó đề nghị giữ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và không mở rộng trách nhiệm hình sự với các pháp nhân khác.
Còn một số ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền, Phó Chủ tịch Quốc hộ Uông Chu Lưu cho biết, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến, nếu không quy định trách nhiệm hình sự thì có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Do vậy, đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản, sau đó xin ý kiến của Bộ Chính trị để quyết định.
Về quy định phải chứng minh được thiệt hại mới xử lý trách nhiệm hình sự trong tội an toàn thực phẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Có những câu chuyện không chứng minh được thiệt hại trong an toàn thực phẩm, ví dụ như formoldehyd trong bánh phở ở Hà Nội thời gian qua, vì ăn cái này vào sẽ gây bệnh từ từ, cả làng, cả nước cùng ăn, nhưng vì không chứng minh được gây tổn hại sức khỏe là bao nhiêu nên đã không xử lý hình sự được.
“Hay việc quy định bao nhiêu phần trăm sức khỏe cũng gây nên khoảng trống trong quy định pháp luật, theo tôi chỉ nên quy định phần trệt chứ ko nên quy định phần trần” - ông Bình đề nghị.
Các đại biểu cũng đề nghị phải nêu rõ các định mức, định lượng về ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,… ngay trong luật để dễ dàng trong việc áp dụng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì phân trần: “Luật thì do Uỷ ban Tư pháp báo cáo theo Luật thôi chứ thực ra là ý kiến của liên ngành. Đây là luật khó, rất phức tạp, chúng tôi rất tích cực, ăn cơ quan, ngủ cơ quan”.
Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường, bà Nga đề nghị phải có ý kiến trực tiếp của Chính phủ, nếu không quy định có định lượng có thể lại rơi vào tình trạng hình sự hóa tràn lan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
“Nếu có sử dụng sabutamol mà bị xử lý hình sự ngay chẳng hạn thì sẽ xử lý rất nhiều, và chủ yếu là nông dân. Ví dụ như vụ Lai Châu gây chết người vừa rồi là xử lý được ngay vì đã gây hậu quả. Còn định lượng về phóng xạ mà có quy định phóng ra từ 2-4m như đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ thì tất cả các cơ sở y tế của chúng ta đều bị xử lý hình sự hết” - bà Nga nêu ví dụ.
Về một số quy định còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ tiếp tục thảo luận, xin ý kiến các chuyên gia trong các lĩnh vực. Còn quy định về hàm lượng ma túy, ông Lưu cho biết chúng ta đã bàn rất nhiều lần, liên ngành đã thống nhất, chỉ có một cơ quan không đồng ý, hiện nay chúng ta đã thống nhất là chỉ giám định trong một số trường hợp cụ thể.
“Về điều 292, khi đưa ra, cộng đồng khởi nghiệp đề nghị bỏ, hôm nay liên ngành thống nhất là bỏ. Tội về an toàn thực phẩm đề nghị nghiên cứu thật kỹ, một phần phải nghiêm, nhưng cũng phải đảm bảo là tránh xử lý tràn lan hoặc không xử lý được; đề nghị đã xử lý hành chính rồi mà vẫn vi phạm thì xử lý hình sự ngay” - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.