(CAO) Chiều 21-2, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cùng lãnh đạo Thành uỷ có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến năm 2016, TP có 10 cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính, đảm toàn bộ chi phí hoạt động; 72 cơ sở y tế công lập tự chủ một phần chi phí; còn 12 cơ sở y tế công lập do nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên.
Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành uỷ về những thuận lợi và khó khăn trong việc tự chủ tài chính, ông Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện Q.2 cho biết, cái khó trong việc tự chủ là đầu tư trang thiết bị và đào tạo nhân lực từ đầu, nếu là tốt thì tự chủ là đúng hướng. Theo ông Khanh, trong một năm thực hiện tự chủ, doanh thu bệnh viện tăng 32%, số bệnh nhân đến tăng 30%.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nói rằng, khó khăn khi thực hiện tự chủ là giá dịch vụ y tế vẫn chưa tính đủ 7 thành phần, chưa bao gồm lương nhân viên y tế; cơ sở vật chất trong ngành y tế còn khó khăn.
Sau khi nghe trăn trở của các bệnh viện, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị rà soát lại quy hoạch về phát triển y tế gắn với tái cơ cấu nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.... Từ đó, tổ chức bệnh viện theo mô hình hiện đại, phù hợp với mục tiêu của ngành y tế.
“Để làm tốt mục tiêu chăm lo sức khỏe người dân được tốt hơn, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh tự chủ tài chính cho các cơ sở y tế”, Bí thư Đinh La Thăng nói.
“Các bệnh viện muốn tự chủ theo mô hình doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư công nghệ, hiện đại hóa công tác khám chữa bệnh, nhưng cũng phải đảm bảo chăm sóc người dân. Ngành y tế, bệnh viện phải lấy người bệnh làm trung tâm”, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ đề nghị ngành y tế có những biện pháp sử dụng hiệu quả các trang thiết bị từ các nguồn lực xã hội, trong đó có các bệnh viện tư nhân để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.