Bí thư Đinh La Thăng kết luận buổi làm việc
Đó là đề nghị của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Đảng uỷ Khối các trường Đại học - Cao đẳng và Trung cấp Chuyên nghiệp (ĐH-CĐ-TCCN) diễn ra sáng 21-2.
Đến dự có Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Thân Thị Thư, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cùng Bí thư Đảng uỷ Khối các trường ĐH-CĐ-TCCC, GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế TP.HCM và đại diện các trường ĐH, CĐ, TCCN trực thuộc...
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng uỷ Khối các trường ĐH-CĐ-TCCN Nguyễn Đông Phong cho biết, những năm qua, Đảng uỷ Khối chủ động, nhanh nhạy trong việc đề ra các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các trường trực thuộc, giúp các cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị;
Các trường có nhiều đối mới, nâng cao chất lượng giáo dục, tích cực đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, tập trung thực hiện các giải pháp có tính đột phá; giảm tải chương trình, tăng cường tổ chức cho học sinh, sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn...
Cũng trong phần trình bày của mình, GS TS Nguyễn Đông Phong đề xuất nghiên cứu chọn những trường ĐH có chất lượng tốt, có uy tín để đầu tư trọng điểm, tạo điều kiện phát triển đạt chuẩn khu vực và quốc tế để xếp hạng đánh giá cao trên thế giới.
(CAO) “Tại sao không quản lý hộ khẩu các loại tội phạm mà yêu cầu hộ khẩu người giỏi? Hiện, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, đặc biệt là giáo viên công nghệ thông tin, nhạc… tại TP.HCM rất ít, phải có chính sách hợp lý để tuyển người tài”.
Bí thư Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Vậy đó là trường gì, ngành gì? Trong 5 hay 10 năm, trường đó, ngành đó sẽ ngang tầm với khu vực hay thế giới? Phải có định hướng rõ ràng để cân đối nguồn lực, đưa vào kế hoạch”. Trả lời Bí thư Thành uỷ, ông Nguyễn Đông Phong cho biết là các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, cơ khí, xây dựng…
GS TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM nói rằng:” Trong bối cảnh hiện nay, làm giáo dục rất khó... Chính vì vậy, các trường trong Đảng uỷ Khối rất mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc, hỗ trợ hơn nữa của Thành uỷ, lãnh đạo TP”.
Trong phần nêu ý kiến của mình, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM đặt vấn đề, nếu trường là trường trọng điểm thì sẽ được nhà nước đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện phát triển.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, vấn đề ở chỗ các trường cần đưa ra cơ chế gì để đưa ra sản phẩm mang tầm quốc tế. Nếu đào tạo như quốc tế thì thu như quốc tế, còn các đối tượng khác thì như thị trường. Kinh tế thị trường là trường nào của nấy, nếu cứ đi vào vòng luẩn quẩn sẽ bế tắc.
“Thế tại sao ĐH Tôn Đức Thắng được phép tự chủ hoàn toàn, không cần tiền nhưng vẫn luôn có sáng chế, phát minh được cấp bằng sáng chế của Mỹ, 97% sinh viên của họ được doanh nghiệp nhận?”, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.
Sau khi nghe thêm nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các trường trong Khối, Bí thư Thành uỷ TP.HCM kết luận, Đảng uỷ Khối các trường ĐH-CĐ-TCCN phải nâng cao vai trò, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước với sự phát triển của các trường; đặc biệt là đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...
“Tôi đề nghị tăng cường, quảng bá, nâng cao nhận thức cho lớp trẻ, hướng sinh viên vào học ở các trường Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật... Có chương trình, có kế hoạch nuôi dưỡng kỹ năng Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật từ nhỏ, bắt đầu từ các cấp và tiến tới đại học. Phải thay đổi căn bản cách học tập, phải giảng dạy ngay từ nhà trường và đặt chỉ tiêu giám sát cụ thể, có thế mới hội nhập được. Hội nhập mà đào tạo theo kiểu cũ thì sinh viên ra trường không làm được”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị các trường trong Khối tập trung đẩy mạnh tự chủ tài chính, tự chủ các lĩnh vực khác, thực hiện xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất; còn đối với nội dung đào tạo phải đảm bảo đúng Chủ trương, đường lối của Đảng.
Đối với các gia đình chính sách, gia đình có công, nhà nghèo thì hỗ trơ, còn các đối tượng khác thì phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Mục đích là tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hội nhập quốc tế. Sản phẩm đào tạo của trường phải ngang với với các trường khác trong khu vực, thế giới.