Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú

Thứ Ba, 01/08/2017 18:10  | Thanh Hoà

|

(CAO) Trao đổi với báo chí về việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng điều này thể hiện công tác phòng chống tham nhũng đã bước đầu hiệu quả. Cùng với việc đầu thú, nếu Trịnh Xuân Thanh thành khẩn khai báo sẽ được xem xét khoan hồng.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trước cơ quan pháp luật là một sự việc đáng chú ý trong giai đoạn hiện nay, khi mà chúng ta đang quyết liệt thực hiện phòng chống tham nhũng.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, hiện dư luận đánh giá công tác phòng chống tham nhũng bước đầu có kết quả, tiếp tục mở ra hướng đi tháo gỡ bế tắc lâu nay khi giải quyết các vụ có liên quan đến cán bộ cấp cao. Ô

ng Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú thể hiện rõ quyết tâm của chúng ta khi thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư kiên quyết đưa Trịnh Xuân Thanh ra xử lý trước pháp luật; bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sẽ giảm bớt công việc cho các cơ quan pháp luật.

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng đây là tín hiệu tốt, cơ quan pháp luật đã làm việc có hiệu quả và Trịnh Xuân Thanh đã thừa nhận trách nhiệm của mình mới ra đầu thú.

“Căn cứ vào tính chất mức độ hành vi của Trịnh Xuân Thanh và những cá nhân liên quan, cơ quan pháp luật sẽ xem xét điều tra để làm rõ vấn đề, để quyết định mức độ trách nhiệm đến đâu" - ông Nhưỡng đánh giá và giải thích cơ quan pháp luật sẽ làm rõ trách nhiệm của Trịnh Xuân Thanh tại Tổng Công ty xây dựng dầu khí Việt Nam (PVC); những việc khác có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh; các cá nhân có liên quan sự vụ tham nhũng.

Cho rằng việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú được coi là chưa từng có trong tiền lệ, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu đã đầu thú và thành khẩn khai báo, căn cứ theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì Trịnh Xuân Thanh cũng sẽ được xem xét khoan hồng.

Diễn biến vụ Trịnh Xuân Thanh tới khi đầu thú cơ quan công an
 
Ông Bùi Văn Xuyền

Còn ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đánh giá, việc một cán bộ cấp cao như thế bỏ trốn phải phát lệnh truy nã cũng là việc làm thường xuyên, bình thường của các quốc gia để huy động sự phối hợp của quốc tế vào công tác truy bắt.

Về vấn đề dư luận những ngày qua đặt ra việc Trịnh Xuân Thanh “đi không ai biết, về không ai hay”, ông Xuyền cho rằng, những thắc mắc đó cũng dễ hiểu, tuy nhiên việc truy bắt một đối tượng truy nã không phải là dễ dàng, bởi không thể lúc nào cũng giám sát 24/24, cũng không phải chỉ theo dõi riêng một đối tượng đó, vả lại đâu phải cứ theo dõi mà đã phát hiện được.

“Tội phạm bỏ trốn thì ra lệnh truy nã, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, đó là chuyện bình thường, nhưng cũng không có nghĩa là đã đưa lên phương tiện đại chúng là cơ quan chức năng biết được đối tượng trốn ở đâu, đi về thế nào, nếu biết được người ta đã bắt” - đại biểu Xuyền cho biết và khẳng định, cũng qua các phương tiện thông tin đại chúng nên bản thân đối tượng cũng biết mình bị truy nã và họ chủ động ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, đó cũng là câu chuyện bình thường chứ không có gì phải suy đoán này nọ.

Trịnh Xuân Thanh

Ngoài việc cho rằng, Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sẽ được giảm nhẹ khi cơ quan tố tụng tiến hành xét xử, ông Xuyền cho rằng đây cũng là một thành công, một tín hiệu tốt về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

“Ở Trung Quốc, họ còn phải cử lực lượng nghiệp vụ ra nước ngoài để bắt đối tượng, nhưng còn mình thì chưa cần dùng đến việc đó, mới chỉ qua công tác thông tin tuyên truyền, qua các động thái, biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng mà đối tượng đã cảm hóa, quay về đầu thú nhận tội, hối cải, sau này có thể tự nguyện bồi thường hoàn trả tài sản tham nhũng. Tôi cho đây là thành công của cơ quan chức năng và công tác phòng chống tham nhũng” - ĐBQH Bùi Văn Xuyền đánh giá.

Ngày 31-7-2017, Trịnh Xuân Thanh SN 1966, trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội); bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.

Cùng ngày, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo thống nhất 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2017. Trong đó, Ban Chỉ đạo theo dõi đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Trước đó, ngày 17-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan tố tụng tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang