Dự án Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi:

Làm rõ nội dung của nguyên tắc “suy đoán vô tội”

Thứ Năm, 13/08/2015 18:01  | Hải Triều

|

(CAO) Chiều 13-8, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Dự luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và trình tại phiên họp Thường vụ lần này sau khi tiếp thu, chỉnh sửa.

Có hai nguyên tắc quan trọng được các đại biểu đề cập đến nhiều là nguyên tắc “suy đoán vô tội” và “bảo đảm tranh tụng trong xét xử” (Điều 13, Điều 26).

Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật tố tụng hình sự

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, đa số ĐBQH đều cho rằng nội dung của hai nguyên tắc này trong dự thảo còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp. Vì thế, để làm rõ hơn nội dung các nguyên tắc này, đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, Thường trực UBTP đã chỉnh lý theo hướng cụ thể hơn.

Theo đó, nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13) được hiểu là “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.

Cơ bản tán thành với chỉnh sửa của Ủy ban Tư pháp nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý lưu ý quy định vẫn chưa làm rõ được thế nào là nguyên tắc suy đoán vô tội. “Quan điểm của người tiến hành tố tụng phải xuất phát từ suy nghĩ ban đầu là người đó không có tội, sau đó mới đến các việc khác. Phải quy định khi điều tra, điều tra viên phải chú ý đến những tình tiết ngoại phạm của người đó, bảo đảm xuất phát từ vô tội, phải chú ý đến những tình tiết chứng minh họ không phạm tội" - ông Lý yêu cầu và cho rằng, nếu việc phá án không tuân theo nguyên tắc này thường dẫn đến oan sai.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại buổi thảo luận

Trao đổi thêm về nguyên tắc trên, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, cách đặt vấn đề của phía Viện còn đặt ra nguyên tắc xử lý có lợi cho đương sự, tức là nếu không đủ kết tội nặng thì phải kết tội nhẹ, trong trường hợp này không phải người ta không có tội mà là không đủ căn cứ để kết tội như truy tố. Ở chiều ngược lại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo lại cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội nêu như Ủy ban Tư pháp là hợp lý. “Anh Lý nói đúng một phần, vì khi điều tra, cơ quan điều tra tìm chứng cứ gỡ tội nhưng trong quy định cơ quan điều tra cũng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm và phải đưa ra các bằng chứng” - ông Thảo lập luận.

Một trong những nội dung còn gây tranh cãi từ phiên thảo luận tại Quốc hội là nội dung bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 188). Trước những luồng ý kiến khác nhau về việc này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo và trong điều kiện nước ta hiện nay việc trang bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra là khả thi.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, Thường trực UBTP đã chỉnh lý dự thảo theo hướng: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”. Chưa tán thành với giải trình trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo kiến nghị nên hạn chế việc ghi âm, ghi hình vì mở rộng thì khó khả thi.

Tuy nhiên, không tán thành quan điểm này, Phó Trưởng ban Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba yêu cầu phải thực hiện việc này trong quá trình tố tụng. Trường hợp do trở ngại khách quan không thực hiện ghi âm ghi hình được thì phải có mặt của luật sư hoặc kiểm sát viên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang