Tới dự buổi lễ Vinh danh các nhà báo có đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT), Chủ Tịch nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; đồng chí Đỗ Bá Tỵ, UVTƯ Đảng, Phó chủ Tịch Quốc Hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, UVBCT, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Trương Thị Mai, UVBCT, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc Phòng cùng đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương.
Chủ Tịch nước Trần Đại Quang phát buổi tại buổi lễ.
Giải báo chí Quốc gia năm nay đã thu hút hơn 1660 tác phẩm tham dự từ khắp mọi miền tổ quốc, cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt số lượng các cấp Hội nhà báo các tỉnh, thành phố tham dự cao nhất, với 61/63 Hội nhà báo tỉnh, TP có tác phẩm dự giải, điều này đã chứng tỏ hiệu quả và sức hút của giải đối với Hội viên.
Hội đồng sơ khảo đã chọn ra được 142 tác phẩm trình Hội đồng Trung khảo. Hội đồng chung khảo đã chấm quyết định trao 8 giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải khuyến khích và cả ở 4 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Những tác phẩm đoạt giải năm nay đều có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện. Nhiều tác phẩm có tính chiến đấu cao, sáng tạo trong cách thể hiện và áp dụng được những công nghệ kĩ thuật cao, công cụ hỗ trợ hiện đại vào quy trình làm báo…
Thay mặt Đảng, Nhà nước đồng chí Trần Đại Quang đã ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích xuất sắc, những đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo trong cả nước đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng rằng: “Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao và được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, ủng hộ thì những người làm báo hôm nay và những cây bút trong tương lai sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa".
Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới nhiệm vụ đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam là rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Chính vì vậy đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, sức hấp dẫn quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xu thế hội nhập quốc tế.
Báo chí cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.
Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần sáng tạo, ý chí vươn lên, tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng khắp. Tích cực phát hiện, góp phần đấu tranh ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội. Chủ động tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác kịp thời các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho rằng, cùng với việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, báo chí cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là diễn đàn rộng rãi để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát, phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin đối ngoại, coi trọng tuyên truyền đối ngoại về chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với đồng bào ta ở nước ngoài…