Kỷ niệm 40 năm Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019):

Nhiệm vụ đặc biệt của trinh sát đặc nhiệm Quân khu 7

Thứ Bảy, 05/01/2019 10:42  | CAO

|

(CAO) Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, trước hành động phản bội dân tộc, thực hiện chính sách diệt chủng ở trong nước và đưa quân tiến công xâm lược Việt Nam của tập đoàn Pol pot - Ieng Sary, nhiều cán bộ quân sự và đơn vị vũ trang tách ra khỏi tổ chức quân đội Pol Pot, hoặc rút vào rừng sâu lập căn cứ phản kháng, hoặc tìm cách trốn sang Việt Nam.

Nắm rõ tình hình, được sự chấp thuận của cấp trên, trong khoảng thời gian gần 4 tháng cuối năm 1978, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã chỉ đạo Phòng Quân báo tổ chức 8 đội trinh sát đặc nhiệm tìm cách liên lạc với các cá nhân và đơn vị vũ trang ly khai, đưa họ thoát khỏi địa bàn kiểm soát của quân đội Khmer Đỏ, xây dựng lực lượng vũ trang yêu nước chân chính, trở về giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng.

Trong thành tựu cuộc cách mạng tháng giêng năm 1979 của nhân dân Campuchia, có sự đóng góp thầm lặng của những chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm Quân khu 7, sự đóng góp chưa được nói đến nhiều trong suốt 40 năm qua.

Tình cảm của nhân dân Campuchia với quân tình nguyện Việt Nam Ảnh: Tư liệu

Trước yêu cầu chính đáng của một số cán bộ yêu nước Campuchia về việc muốn xây dựng lực lượng vũ trang trên đất Việt Nam để khi có điều kiện sẽ trở về giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng, thực hiện sự chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 7-9-1977, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ra Quyết định số 113/QĐ-77 thành lập một đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp đón, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ yêu nước Campuchia về nơi ăn ở. Đơn vị lấy phiên hiệu Đoàn 977, có tổ chức tương đương cấp tiểu đoàn, trực thuộc Cục Chính trị Quân khu 7.

Tiếp đó, Quân khu 7 nhận được Chỉ thị "Về một số công việc cần làm ngay ở biên giới phía Tây Nam Việt Nam" của Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngày 21-10-1977) về việc "tạo điều kiện gây dựng lực lượng cho cách mạng Campuchia". Ngày 25-5-1978, trung tướng Trần Văn Quang thay mặt Quân ủy Trung ương truyền đạt chủ trương của Quân ủy cho Quân khu 7: "Nhiệm vụ giúp Bạn của Quân khu là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cho Bạn, yêu cầu nhanh nhưng phải bảo đảm thật chắc về mặt chính trị và bảo đảm được bí mật".

Một trong những giải pháp thực hiện nhiệm vụ nêu trên là tìm cách móc nối với lực lượng ly khai trong quân đội Pol Pot, tổ chức thành lực lượng nổi dậy của bạn. Được Quân ủy Trung ương chấp thuận, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo Phòng Quân báo Quân khu tổ chức các đội trinh sát đặc nhiệm luồn sâu.

Về lực lượng, tổ chức thành từng đội, thành phần mỗi đội gồm cán bộ quân báo, cán bộ trinh sát, chiến sĩ thông tin vô tuyến điện, cán bộ người Campuchia thuộc quân đội Khmer Đỏ ly khai chạy sang lánh nạn hoặc nguyên là cán bộ chiến sĩ người Khmer gia nhập Quân giải phóng miền Nam từ những năm 1970 - 1973.

Đối tượng liên lạc dự kiến là các nhóm ly khai thuộc vùng 20 (Krek) và vùng 21 (Memot), nơi Pol Pot vừa thực hiện cuộc thanh trừng đẫm máu tại quân khu Tây Nam, quân khu Bắc, quân khu Đông (quân khu 203), buộc nhiều sĩ quan, binh lính yêu nước phải chạy vào rừng, thành lập đơn vị ly khai.

Các đội trinh sát đặc nhiệm tổ chức hoạt động thành 4 đợt

Đợt thứ nhất (từ 23-3 đến 24-4-1978): Phòng Quân báo tổ chức một đội đi trinh sát thử nghiệm, lấy mật danh "Chim Én". Đội Chim Én có 12 cán bộ chiến sĩ, do Miahun (người Campuchia) làm đội trưởng, Nhữ Xuân Say làm chính trị viên, Triệu Xuân Hòa làm đội phó. Địa bàn hoạt động của đội trải dài dọc khu vực đông - tây đường Krabao - bắc Mimot, cách biên giới khoảng 20km. Sau hơn một tháng tìm kiếm không tìm được lực lượng ly khai.

Đợt thứ hai (từ 30-5 đến 18-7-1978): Có 3 đội trinh sát đặc nhiệm luồn sâu mang mật danh "Chim Én", "Bồ Câu", "Chim Ưng" và 1 đội vận tải hậu cần đi sau. Cả 3 đội trinh sát đều chưa gặp được lực lượng ly khai. Riêng đội Chim Ưng trên đường hành quân hai lần chạm địch buộc phải nổ súng chiến đấu, 2 chiến sĩ hy sinh, 3 người bị thương.

Nhân dân thủ đô Phnom Penh tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước Ảnh: Tư liệu

Đợt thứ ba (từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9-1978): Có 2 đội trinh sát đặc nhiệm, lấy mật danh "Bồ Câu" và "Chim Én". Đội Bồ Câu do Triệu Xuân Hòa làm đội trưởng, Huyền làm chính trị viên; hoạt động tại khu vực nam Đầm Be. Đội còn có thêm nhiệm vụ bảo vệ một phái viên trực tiếp mang thư của Tư lệnh Quân khu 7 gửi Tư lệnh kiêm Bí thư quân khu 203 (quân khu Đông) Khmer Đỏ. Đội Chim Én do Nhữ Xuân Say làm đội trưởng, Ba Điền làm chính trị viên, Nguyễn Văn Dương làm đội phó; hoạt động tại khu vực từ bắc Phlu đến nam sông Chlong.

Ngày 7-9-1978, đội Chim Én bắt liên lạc được với một đơn vị ly khai thuộc Vùng 21 - Quân khu Đông quân đội Pol Pot, kết thúc giai đoạn kéo dài nhiều tháng thực hiện nhiệm vụ quốc tế tìm kiếm móc nối lực lượng ly khai quân đội Khmer Đỏ.

Đợt thứ tư (tháng 11-1978): Sau khi đội Chim Én móc nối được với lực lượng ly khai Quân khu 203, nhiều đơn vị vũ trang Khmer Đỏ ly khai tiếp tục liên lạc được với bộ đội Việt Nam để hoặc nhận vũ khí trang bị hoặc sang Việt Nam huấn luyện quân sự. Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tiếp tục cử 2 đội vượt biên giới đón cán bộ Khmer Đỏ ly khai. Tháng 10-1978, một đội bắt liên lạc được với cánh ly khai Vùng 22 tại Koncheimeas do ông Chea Sim chỉ huy. Tháng 11-1978, một đội khác bắt liên lạc được với cánh ly khai Quân khu Đông tại tây Memot do ông Heng Samrin chỉ huy.

Đến cuối tháng 11-1978, nhiệm vụ tìm kiếm liên lạc với các đơn vị Khmer Đỏ ly khai của lực lượng trinh sát đặc nhiệm Quân khu 7 kết thúc. Lịch sử lực lượng vũ trang yêu nước chân chính Campuchia bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn phát triển lực lượng, trở về thực hiện cuộc tổng tiến công giải phóng Phnom Penh và toàn bộ đất nước Campuchia khỏi ách thống trị của tập đoàn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary.

Đại tá, PGS, TS HỒ SƠN ĐÀI

(nguyên Trưởng phòng khoa học quân sự Quân khu 7)

Bình luận (0)

Lên đầu trang