Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ

Thứ Hai, 29/05/2017 23:23  | Ngọc Sơn

|

(CAO) Sáng 29-05-2017, Quốc hội làm việc dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong phiên làm việc này, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị cần rà soát lại các quy định về phạm vi tài sản công và phân loại tài sản công trong dự thảo để bảo đảm tránh xung đột pháp luật với các Luật chuyên ngành khác có liên quan nhất là Luật doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định - Huỳnh Cao Nhất phát biểu

Theo ông Tuấn: Điều 3, Khoản 1, định nghĩa về tài sản công và Điều 4 Khoản 4 phân loại tài sản công có quy định về tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Ông Tuấn cũng cho rằng quy định này có phần mâu thuẫn với Điều 36 của Luật doanh nghiệp 2014. Theo đó tài sản góp vốn và doanh nghiệp kể cả tài sản có nguồn gốc ngân sách đề phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Về mặt pháp lý, là tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có bao gồm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp hay không và nếu có thì xử lý mâu thuẫn với Điều 36 của Luật doanh nghiệp như thế nào.

Vấn đề nữa mà ĐB Tuấn đề cập là cần cân nhắc quy định cho phép các cơ quan nhà nước được sử dụng khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng và mục đích cho thuê khai thác theo Điều 35 của dự thảo. Bởi Tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là các tài sản phục vụ công tác quản lý của nhà nước.

Vì vậy, cần phải bảo đảm việc quản lý, sử dụng tiết kiệm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức không được cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị. Việc quy định theo hướng cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp kinh phí theo Quy định tại Điều 35, Khoản 4 là mâu thuẫn với các nguyên tắc quản lý sử dụng tài sản công được quy định tại Điều 7, Khoản 4 của dự thảo.

Việc cho thuê khai thác vận hành tại cơ quan Nhà nước hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành theo quy định tại Điều 36, Khoản 1, Điểm c của dự thảo không phù hợp với mọi cơ quan Nhà nước trước yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác hiện nay.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh - Bình Định lại quan tâm tới việc giám sát tài sản công. Theo ông, Khoản 3 Điều 9 quy định các hình thức công khai tài sản công gồm đăng tải trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các cuộc họp các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

Theo tôi quy định như trên chưa cho thấy rõ việc giám sát thường xuyên của người dân đối với tài sản công. Vì vậy, tôi đề nghị cụ thể thêm một hình thức công khai, đó là công khai trên chính tài sản công đó như đất lâm trường, trụ sở cơ quan, nhà công vụ, xe công,... đang là những tài sản công mà trong thời gian vừa qua xã hội đã phản ánh nhiều về việc quản lý, sử dụng tài sản công thiếu chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - Đỗ Thị Lan phát biểu

Để đảm bảo tính bảo mật, tính khả thi, luật sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể thông tin nào cần thiết công khai đối với từng loại tài sản công và chỉ thực hiện đối với các loại tài sản công phát sinh mới, tài sản công đã được giao cho đối tượng sử dụng mới, tài sản công khi được sửa chữa lớn và tài sản công đang bị phản ánh tiêu cực trong quản lý và sử dụng.

ĐB Trần Văn Minh - Quảng Ninh đề nghị phải đưa việc quản lý đất đai vào thêm trong luật này: về nguyên tắc quản lý, sử dụng đất đai tại Điều 113 hiện nay vẫn đang xảy ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai như đất đai ở nông, lâm trường, công ty nông nghiệp, đất Quốc phòng,... Do vậy ngoài các quy định quản lý sử dụng đất đai theo Luật đất đai, cần bổ sung trong luật này, nội dung có tính nguyên tắc nhằm tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công và đất đai.

Khi tiến hành rà soát lại việc sử dụng quy hoạch đất của các tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu phát hiện việc sử dụng không đúng mục đích và sử dụng không hiệu quả vượt quá nhu cầu hoặc chưa sử dụng thì kiên quyết thực hiện thu hồi giao cho cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý sử dụng đất có hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang - Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu

Với phân tích như trên tôi đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm vào Khoản 1 Điều 113 về nguyên tắc quản lý sử dụng đất đai thêm một nguyên tắc là trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, vượt quá nhu cầu hoặc chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả thì thu hồi giao cho các cơ quan quản lý sử dụng hiệu quả hơn.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận thảo luận đối với Điều 11 về các hành vi cấm. Ông Cương cho rằng: trong tình hình thực tế, những vi phạm diễn ra rất nhiều. Ví dụ, chuyện lợi dụng, lạm dụng xe công. Bây giờ cứ lợi dụng, lạm dụng xe công một cách cứng nhắc thì tôi thấy rất nhiều vi phạm.

Có trường hợp đi công tác nhưng rồi ghé về thăm quê hay như đi làm hằng ngày rồi khi về ghé đi thăm bệnh nhân người nhà ở bệnh viện, nếu xét cho cùng thì đấy là vi phạm và lạm dụng xe công. Tuy nhiên, có đến mức phải xử lý không vì nếu như quy định một cách cứng nhắc trong luật như vậy thì phải xử lý. Ví dụ, Khoản 2 và Khoản 5 quy định về việc cho thuê cũng như sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ.

Ông Cương cho rằng: Khoản 4 việc sử dụng xe ô tô và tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn, không đúng định mức chế độ này đúng rồi. Tuy nhiên, không phù hợp với thực tế ở chỗ việc nhận, vì từ hành vi nhận như đại biểu Ngõ Duy Hiểu phát biểu, từ hành vi nhận mới dẫn đến việc sử dụng được, trong thực tế vừa rồi rất nhiều địa phương nhận xe của doanh nghiệp mà Thủ tướng đã có chỉ đạo cấm nhận xe của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, đây là quy định lẽ ra Chính phủ phải tiếp thu ngay ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc cấm nhận và sử dụng do doanh nghiệp biếu, tặng, cần quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến Điều 35, trước hết phải cân nhắc các quy định này. Đây cũng là một hành vi quy định cấm, bởi vì quy định nó phải là những hành vi như thế này, phải như thế kia. Thực chất là khi không thực hiện những việc đó thì đó là hành vi cấm.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng - Nguyễn Bá Sơn phát biểu ý kiến

Khoản 1, Điều 35 quy định việc bố trí, sử dụng tài sản công phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, đúng định mức chế độ. Tôi nghĩ cần phải làm rõ ở đây việc thế nào là đúng định mức. Ví dụ, bây giờ giao một xe cũ cho một cá nhân nào đó mà tiêu chuẩn của đối tượng được sử dụng xe con. Phó Chủ nhiệm hay Thứ trưởng tiêu chuẩn là 900 triệu, có khi anh lại cho người ta sử dụng một xe cũ, chỉ trị giá có 100 - 200 triệu thì có đúng hay không.

Ông Cương khẳng định, khi đã quy định là phải đúng thì tất cả phải đúng, kể cả giao dưới cũng không được, tức là trần ở trên anh quy định là 900 triệu hoặc Bộ trưởng là 1 tỷ 100 hay 1 tỷ 200, nếu ở dưới mức đấy là không được, không được giao dưới. Tôi nghĩ rằng nếu mình chỉ quy định thế này thì rất khó thực hiện.

Trong luật sử dụng rất nhiều từ công năng, thưa các quý vị rằng, công năng đấy tôi không có một khái niệm cụ thể thế nào là công năng nhưng tôi nghĩ rằng liên quan đến Điều 35 và cũng như Khoản 4 quy định việc sử dụng công năng, tôi nghĩ cần phải xem xét lại Khoản 4 này, nếu như quy định thế này để xác định thế nào là hết công năng, thế nào là đã sử dụng đúng công năng và thế nào là chưa sử dụng đúng công năng thì rất khó để có thể phân biệt được. Chiều cùng ngày, các ĐB thảo luận tại hội trường về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Bình luận (0)

Lên đầu trang