(CAO) Với người dân xã Quang Thiện, những ngày này, họ dường như không ngủ, chỉ mong ngóng từng giây phút để được đón linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang về với đất mẹ xã Quang Thiện – nơi ông sinh ra và lớn lên.
Chiều 24-9, công tác chuẩn bị cho lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại quê nhà xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình vẫn đang được các cơ quan chức năng địa phương thực hiện gấp rút.
Với người dân xã Quang Thiện, những ngày này, họ dường như không ngủ, mong ngóng từng giây phút để được đón linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang về với đất mẹ xã Quang Thiện – nơi ông sinh ra và lớn lên.
Bà Quy cùng người dân địa phương buồn rầu khi hay tin người con ưu tú đất Quang Thiện từ trần.
Ông Cao Văn Tuần (ở xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết, ông sống ở xã Quang Thiện từ nhỏ nên biết rất rõ về hoàn cảnh gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Trong ký ức của ông Tuần, những thành viên trong gia đình Chủ tịch nước đều có nghị lực, khát vọng trong cuộc sống, lao động và học tập.
“Mẹ Chủ tịch nước là người tuyệt vời, bà ngày ngày buôn chuối để nuôi các con ăn học. Các anh em của ông Quang đều chịu khó, có ý chí, khát vọng và thành đạt khiến người dân nơi đây đều ngưỡng mộ, tự hào. Chủ tịch nước Trần Đại Quang thương dân, quý dân và gần gũi với dân.
Hôm nghe tin Chủ tịch nước từ trần, những người dân xã Quang Thiện trong đó có tôi, sửng sốt và đều rất buồn. Ít ngày trước vẫn thấy Chủ tịch nước miệt mài làm việc, tiếp các đoàn khách khác nhau, nghe tin ông mất, mấy ngày nay tôi buồn không nguôi”.
Ông Cao Văn Tuần nói rằng người dân địa phương luôn tự hào về gia đình cũng như Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Còn bà Trần Thị Quy – sinh sống cách nhà Chủ tịch nước Trần Đại Quang vài trăm mét cũng có chung cảm xúc khi nghe tin người con ưu tú xã Quang Thiện về với đất trời.
Bà Quy cho biết: “Chúng tôi buồn, thương tiếc bác. Mấy ngày nay mất ăn, mất ngủ, không buồn đi làm chỉ ngóng bác về. Dân làng nghe tin bác từ trần thương bác lắm. Bác giản dị, hiền hòa, thương dân yêu già mến trẻ. Bác quan tâm đến người dân, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để các cháu có điều kiện được học tập đầy đủ. Với người dân nơi đây, hình ảnh bác mãi là tấm gương để nhiều người học tập, noi theo”.
Ông Vũ Văn Thái dù mới chuyển về xã Quang Thiện sống được 30 năm cũng cảm nhận được sự gần gũi, đằm thắm, quý mến và tốt tính của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các thành viên trong gia đình ông dành cho người dân địa phương. “Chủ tịch nước gần gũi, dành tình cảm cho người già, trẻ nhỏ, những gia đình khó khăn, tạo điều kiện để người dân được ăn học vươn lên thoát nghèo”, ông Thái nói.
Trưa 25/9, Ninh Bình hoàn tất công tác chuẩn bị lễ tang Chủ tịch nước
Những ngày gần đây, Chính quyền và nhân dân xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại quê nhà.
Dự kiến trưa 25/9, mọi công tác chuẩn bị sẽ được hoàn tất.
Chiều 24/9, ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra đi đột ngột đã để lại lòng tiếc thương đối với nhân dân cả nước nói chung và Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình nói riêng.
Trước nguyện vọng của gia đình và được sự đồng ý của Bộ Chính trị về việc an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn), được Ban Lễ tang giao phó, những ngày qua chính quyền và nhân dân địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, xác định hướng tuyến giao thông, chuẩn bị mặt bằng khu an táng và các điều kiện để phục vụ cho nhân dân đến viếng một cách thuận lợi nhất.
Mặt khác, Ninh Bình là 1 trong 3 điểm cầu truyền hình trực tiếp trong các ngày diễn ra quốc tang, nên mọi công tác chuẩn bị càng được tập trung thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ông Đỗ Hùng Sơn còn cho biết khu đất an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang được chính quyền địa phương thực hiện theo đúng quy định của Kết luận 88-KL/TW ngày 18/2/2014 của Bộ Chính trị.