(CAO) Sáng 24-11-2021, tại Hội trường Công an TP.Thủ Đức, Công an TPHCM khai giảng lớp thứ nhất công tác bảo vệ hiện trường dành cho lực lượng công an xã, phường, thị trấn. Tham dự lớp tập huấn có Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP; Đại tá Lê Trung Thành - Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Trưởng ban tổ chức lớp tập huấn; Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng - Trưởng Công an TP.Thủ Đức cùng gần 70 cán bộ Công an thuộc các đơn vị tham dự tập huấn.
Bảo vệ hiện trường là một công tác rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của hoạt động khám nghiệm hiện trường, điều tra giải quyết vụ án hình sự. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều tra tại hiện trường là khai thác triệt để các thông tin từ hiện trường và phát hiện tất cả các dấu vết, vật chứng tồn tại ở hiện trường.
Kể từ khi xảy ra vụ việc, cho đến khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, bao giờ cũng phải trải qua một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian đó, sự tồn tại của các dấu vết, vật chứng, tử thi... ở hiện trường luôn tuân theo những quy luật của tự nhiên, vận động và biến đổi không ngừng.
Lực lượng Công an bảo vệ hiện trường một vụ án.
Bên cạnh đó, chúng còn có thể bị chi phối, tác động từ các yếu tố như con người, động vật, các hoạt động lao động, sản xuất... Tất cả các yếu tố trên, khi tác động tới hiện trường có thể làm thay đổi, xáo trộn hiện trường; mất mát, hư hỏng dấu vết, vật chứng.
Chính vì vậy, để công tác điều tra tại hiện trường nói chung, công tác khám nghiệm hiện trường nói riêng đạt kết quả cao đòi hỏi phải tiến hành công tác bảo vệ một cách nhanh chóng, nghiêm ngặt, khoa học, cẩn trọng và đúng yêu cầu nghiệp vụ.
Công an khám nghiệm hiện trường một vụ cháy.
Hằng năm, trên địa bàn TPHCM xảy ra hàng ngàn vụ việc có tính hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác bảo vệ hiện trường vẫn còn nhiều thiếu sót, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám nghiệm hiện trường, dẫn đến công tác điều tra chưa đạt hiệu quả cao.
Để công tác bảo vệ hiện trường thật sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ án hình sự, Công an TPHCM xây dựng kế hoạch tập huấn công tác bảo vệ hiện trường cho CBCS Công an phường, xã, thị trấn thuộc Công an TPHCM năm 2021.
Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn phát biểu tại buổi khai giảng lớp tập huấn.
Phát biểu tại buổi khai giảng, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn nhấn mạnh khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra ban đầu rất quan trọng để phục vụ điều tra khám phá vụ án. Mà muốn cho công tác khám nghiệm hiện trường tốt thì yêu cầu đầu tiên là chứng cứ phải được bảo vệ, nghĩa là công tác bảo vệ hiện trường phải được thực hiện tốt.
Do đó, để lớp tập huấn đạt hiệu quả cao, phục vụ tốt yêu cầu thực tiễn điều tra khám phá án, đồng chí Phó Giám đốc yêu cầu Ban tổ chức căn cứ mục tiêu, kế hoạch tập huấn giảng dạy nghiêm túc, khoa học đảm bảo các nội dung truyền đạt đến CBCS; các học viên phải tham gia đầy đủ, học tập với tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời, đảm bảo nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Hầu hết các vụ án xảy ra thì hiện trường đầu tiên là do người dân phát hiện. Do đó, Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng cũng đề nghị Ban tổ chức nên cô đọng tài liệu về công tác bảo vệ hiện trường để có thể tuyên truyền sâu rộng đến người dân nhằm hỗ trợ công tác điều tra khám phá án khi có vụ việc xảy ra.
Vừa qua, ngày 12-11-2021, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó Khoản 3, Điều 146 của Bộ luật này quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Điều này càng cho thấy trách nhiệm, vai trò quan trọng của lực lượng Công an cơ sở cũng như ý nghĩa của lớp tập huấn.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi khai giảng.
Được biết, khóa tập huấn được chia làm 7 lớp, mỗi lớp diễn ra trong 3 ngày. Các học viên sẽ được nghiên cứu các quy định của pháp luật về vị trí, ý nghĩa, nội dung công tác bảo vệ hiện trường; trách nhiệm của lực lượng Công an cơ sở trong công tác bảo vệ hiện trường; dụng cụ, các điều kiện vật chất dùng trong công tác bảo vệ hiện trường, cách thức bảo vệ hiện trường cũng như thực hành các tình huống cơ bản trong hoạt động bảo vệ hiện trường (hiện trường vụ việc có người chết, hiện trường vụ tai nạn giao thông, hiện trường vụ trộm, hiện trường nghi có vật liệu nổ, hiện trường vụ hủy hoại tài sản, hiện trường vụ cố ý gây thương tích, hiện trường vụ gây rối trật tự công cộng...).