Thu thập dữ liệu dân cư ở TP.HCM: Nhiều thông tin có thể bổ sung sau

Thứ Sáu, 20/04/2018 09:23  | Anh Thy

|

(CAO) Công an các địa phương trên địa bàn TP.HCM vẫn nhận được một số thắc mắc của người dân trong quá trình khai thông tin "Phiếu thu thập thông tin dân cư".

Mặc dù đã tổ chức tập huấn kỹ kết hợp với tuyền truyền bằng nhiều hình thức nhưng sau hai ngày triển khai công tác thu thập cơ sở dữ liệu dân cư (bắt đầu triển khai từ ngày 18-4), Công an các địa phương trên địa bàn TP.HCM vẫn nhận được một số thắc mắc của người dân trong quá trình khai thông tin "Phiếu thu thập thông tin dân cư".

Để giải đáp chính xác những thắc mắc này, phóng viên Báo Công an TP.HCM đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM để thông tin cho người dân nắm rõ kê khai thế nào cho đúng.

NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI DÂN CẦN BIẾT

Trung tá Huỳnh Thị Thu Trang – Phó trưởng Phòng PC64 cho biết, trước khi đi vào thực hiện, Công an TP.HCM đã triển khai tập huấn công tác thu thập cơ sở dữ liệu dân cư cho công an tất cả các quận, huyện. Sau đó, công an quận, huyện đã triển khai tập huấn về công an xã, phường, thị trấn. Việc tập huấn không dừng lại ở cấp lãnh đạo mà triển khai đến tận các công an viên, cộng tác viên. Tất cả các tình huống phát sinh đều đã được đề cập để có phương án giải quyết.

CATP-480-2018-4-20/thu-trang_715_486_525.jpg" style="width:100%;border: solid 1px #ffffff" title="" />
Trung tá Huỳnh Thị Thu Trang

Theo Trung tá Trang, qua hai ngày triển khai, những thắc mắc của người dân chủ yếu liên quan đến vấn đề ngày tháng năm sinh, tình trạng hôn nhân, địa giới hành chính và nhóm máu. Cụ thể, trường hợp thông tin thứ hai trong phiếu thu thập thông tin dân cư là ngày, tháng, năm sinh của người khai. Trường hợp này có thể căn cứ vào giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu để kê khai.

Một số trường hợp không có ngày, tháng, chỉ có năm sinh, người dân có thể đến Ủy ban phường, xã, thị trấn để điều chỉnh. Theo chỉ đạo của Ban 896 từ TW đến địa phương, việc điều chỉnh thông tin của người dân sẽ được tạo điều kiện giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Q.Bình Tân, TP.HCM là địa phương đã làm rất tốt việc này. Trường hợp thông tin thứ 3 là về nhóm máu. Khi khai trường hợp này, nếu người dân có giấy tờ của cơ quan y tế có thẩm quyền kết luận kết quả xét nghiệm nhóm máu thì kê khai còn không thì để trống bởi công an là cơ quan thu thập dữ liệu ban đầu về dữ liệu dân cư còn sau đó các bộ ngành liên quan sẽ bổ sung dữ liệu có tính chất chuyên ngành (ví dụ Bộ Y tế sẽ bổ sung dữ liệu về nhóm máu).

Trường hợp “Tình trạng hôn nhân” ở đây được quy định là có hay chưa có giấy đăng ký kết hôn. Đối với trường hợp hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận nhưng chưa có giấy đăng ký kết hôn thì không nhất thiết phải đăng ký rồi chờ có đăng ký kết hôn mới kê khai mà có thể đến UBND để đăng ký kết hôn và bổ sung sau.

Các trường thông tin liên quan đến địa giới hành chính như: Nơi đăng ký khai sinh, quê quán, Bộ Công an cũng như Công an TP đều có hướng dẫn cụ thể và nhất quán là khai theo địa giới hành chính hiện tại. Đồng chí Trang đưa ra ví dụ cụ thể: Tỉnh Bình Dương và Bình Phước trước đây là Sông Bé thì nơi sinh và quê quán của người khai hiện tại thuộc địa giới hành chính tỉnh nào, sẽ khai là tỉnh đó, không dựa theo địa giới hành chính cũ.

Trường thông tin “Số định danh cá nhân, số CMND”, với trẻ em sinh từ 1-1-2016 thì đã có số định danh trong giấy khai sinh. Với những người có thẻ căn cước thì khai theo thẻ căn cước, có CMND thì khai theo CMND.

TRIỂN KHAI NHANH, THU THẬP CHÍNH XÁC

Trung tá Trang cũng cho biết, việc thu thập cơ sở dữ liệu dân cư tại TP.HCM dự kiến hoàn tất trong tháng 10-2018. Với một thành phố đông dân như TP.HCM, thời gian ngắn như vậy đòi hỏi việc triển khai phải nhanh những vẫn phải đảm bảo tính chính xác.

Hiện, công an các địa phương đang sử dụng mẫu phiếu photo để phát cho người dân. Khi thu số phiếu này về, Trưởng Công an phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm và tập huấn thêm. Khi cán bộ nắm vững thì mới triển khai phiếu chính.

Cán bộ Công an hướng dẫn người dân kê khai thông tin

Những phiếu photo đã khai rồi, cán bộ sẽ tự ghi lại vào phiếu chính để không làm phiền đến người dân lần hai. Ngoài ra, với những trường hợp người không biết chữ, người già yếu, cán bộ đi thu thập dữ liệu dân cư sẽ có trách nhiệm kê khai giúp người dân.

Số dân cư thường trú vắng mặt tại địa phương nếu không quay về kê khai thì Cảnh sát khu vực sẽ dựa vào sổ sách đang quản lý để kê khai. Trường hợp sổ quản lý không thể hiện đầy đủ thông tin thì CSKV có trách nhiệm liên hệ bộ phận tàng thư QLHC công an quận, huyện để bổ sung hồ sơ.

Việc kê khai dữ liệu dân cư là cán bộ hướng dẫn khai trực tiếp chứ không có chuyện phát phiếu rồi đi về. Việc phát phiếu sẽ cả ban ngày và đêm để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Trung tá Trang nhấn mạnh, việc kê khai dữ liệu là quyền lợi của người dân vì người dân có quyền khai thác thông tin của cá nhân mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các lợi ích, quyền lợi hợp pháp khác.

Riêng đối công tác thu thập cơ sở dữ liệu đối với cư dân tạm trú để phục vụ cho CSDL dùng chung của TP.HCM, hiện CATP và sở ngành liên quan đã thiết kế xong mẫu thu thập dữ liệu dân cư tạm trú, đang làm thủ tục pháp lý để in ấn. Trước mắt Công an TP đã chỉ đạo cho công an các địa phương lập danh sách cư dân tạm trú, củng cố hồ sơ đang quản lý để khi có phiếu thì lập tức triển khai.
Mẫu phiếu kê khai thông tin
Tờ rơi tuyên truyền công tác triển khai đến người dân

Bình luận (0)

Lên đầu trang