Chiều 28/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Tại cuộc họp, liên quan đến các vi phạm trên mạng xã hội, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay, hiện nay các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube được sử dụng phổ biến và trở thành kênh liên lạc hữu ích trong giao tiếp, trao đổi thông tin.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại họp báo. Ảnh: Linh Nhi
Tuy nhiên, đây cũng là phương tiện để các đối tượng lợi dụng hoạt động và tổ chức các hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật; buôn bán hàng giả, hàng cấm… Đặc biệt có một số vụ án xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, các đối tượng hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn và có hành vi cố ý gây thương tích, giết người, gây rối nơi công cộng…
Trước thực trạng trên, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã tham mưu cho Bộ Công an đề xuất và thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao vào năm 2021.
Bên cạnh đó, Công an TP cũng chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị, Công an các quận - huyện, TP Thủ Đức nắm chắc tình hình trên không gian mạng; quan tâm, đẩy mạnh sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, cải cách hành chính, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm các vụ việc có tính chất phức tạp.
Công an TP cũng đã làm việc với Đại học Quốc gia TPHCM trong nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chủ động trong công tác nắm tình hình trên không gian mạng.
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ từ sạc xe đạp điện, xe máy điện
Tại cuộc họp, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM cho biết, thời gian vừa qua, trên toàn quốc đã xuất hiện những vụ cháy nổ liên quan đến việc sạc điện cho xe đạp điện, xe máy điện.
Theo Thượng tá Trưởng, hệ thống thiết bị sạc được bố trí trong các công trình thuộc hệ thống điện chung. Nhất là tại các tầng hầm các khu chung cư - nơi chứa rất nhiều phương tiện với lượng chất cháy nổ lớn, độ nguy hiểm cao. Vì vậy, việc lắp thêm trạm sạc cho các phương tiện nêu trên cần phải đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật theo quy chuẩn PCCC hiện hành; tại khu vực tầng hầm hoặc nơi đặt hệ thống sạc điện phải trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC theo quy định và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Về mặt pháp lý, Nghị định 136/2020/NĐ-CP nêu rõ, đối với công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định, khi lắp đặt mới hoặc cải tạo hệ thống, thiết bị PCCC thì phần lắp đặt mới hoặc cải tạo của hệ thống, thiết bị PCCC trong công trình phải được lập hồ sơ thiết kế cải tạo, bổ sung gửi cơ quan PCCC có thẩm quyền để thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu theo quy định.
Đối với trạm sạc được bố trí ngoài trời và các khu vực khác cũng được yêu cầu đảm bảo an toàn theo các quy định nêu trên.
Trên cơ sở đó, PC07 sẽ tiếp tục tham mưu Công an TP, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở để phát hiện kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn PCCC.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng tại buổi họp. Ảnh: Linh Nhi
Trước thông tin phản ánh về việc một số chung cư không đảm bảo yêu cầu về an toàn PCCC, Phó Trưởng phòng PC07 cho biết, cơ quan đã thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khi xảy ra sai phạm, trách nhiệm sẽ thuộc về chủ đầu tư của công trình.
Trả lời PV về việc giúp người dân an tâm khi ở tại các tòa cao ốc cao tầng trong khi các phương tiện chữa cháy không đáp ứng được về độ cao, ông Trưởng nhấn mạnh, thiết kế ngay từ ban đầu đã tính đến phương án cho việc đảm bảo an toàn cao nhất của các tòa nhà này bằng hệ thống báo cháy sớm, phát hiện kịp thời và sớm nhất có thể. Đồng thời, sự cố xảy ra khi còn rất nhỏ, hệ thống chữa cháy tự động kịp thời khắc phục. Sau đó, lực lượng cảnh sát PCCC có phương tiện chữa cháy, đưa nước lên tầng cao để xử lý sự cố.
Phòng PC07 cũng khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, khu vực hóa chất có nguy cơ gây cháy nổ, chủ động trang bị thiết bị PCCC để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn.
TPHCM sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Tiếp tục thông tin về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, chiều ngày 28/3/2022, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản số 1535/BYT-DP chỉ đạo về công tác này. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách; Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vắc xin; Loại vắc xin sử dụng đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này; Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học.
Phó Giám đốc HCDC cho biết thêm, tại TPHCM có khoảng 900.000 trẻ em độ tuổi từ 5 – dưới 12. Trong đó, khoảng 12.000 trẻ chưa đi học. Hiện nay, TP đã cơ bản chuẩn bị xong các công tác liên quan và đã sẵn sàng cho việc tiêm chủng lần này.
05 quyền lợi khi tham gia Chương trình bình ổn thị trường
Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, theo kế hoạch, hết tháng 3/2022, chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM sẽ kết thúc. Đầu tháng 4, TP dự kiến thực hiện chương trình bình ổn thị trường và điều chỉnh giá cả hàng hóa năm 2022. Trong đó, Sở Tài chính sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện.
Hiện tại, Sở Tài chính đang tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia đăng ký mặt hàng, giá cả. Theo ghi nhận đến ngày 28/3, giá của thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm mà các doanh nghiệp đăng kí có xu hướng tăng so với mặt bằng giá hiện nay. Mức tăng tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp, chủ yếu là thịt gia cầm (tăng từ 6 - 12%) và trứng gia cầm (tăng từ 6 - 8%). Riêng mặt hàng thịt gia súc tăng nhẹ (tăng từ 2 - 3,5%).
Trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp cùng hồ sơ liên quan về chi phí đầu vào, trong ngày mai (29/3), Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thống nhất giá mặt hàng trong năm 2022.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, khi tham gia chương trình bình ổn giá năm 2022, các doanh nghiệp sẽ được hưởng 05 quyền lợi cơ bản. Bao gồm: được sử dụng logo của chương trình để khai thác trong sản xuất, kinh doanh; được tạo mọi điều kiện thuận lợi tham gia các chương trình hỗ trợ chính thức của TP (chương trình kích cầu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc doanh nghiệp; chương trình tiếp cận gói tín dụng có mức lãi suất tốt hơn thông thường); được ưu tiên kết nối, đưa hàng hoá đến các hệ thống phân phối với mức chiết khấu tốt; được cung cấp danh sách các mặt bằng trống trên địa bàn TP để mở điểm bán; các xe tải chở hàng tham gia bình ổn thị trường được ưu tiên lưu thông trong giờ cao điểm;…
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sau khi Sở Tài chính chính thức công bố giá hàng hóa trong chương tình bình ổn thị trường, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp tham gia trên địa bàn TP.
Số ca bệnh nặng có dấu hiệu tăng
Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chiến dịch bảo vệ nhóm người nguy cơ cao dự kiến kết thúc vào ngày 31/3/2022. Tính đến 22/3, trên hệ thống ghi nhận được 240.858 người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi có bệnh nền); trong đó 41.926 người đã được tầm soát, qua đó phát hiện 1.478 người mắc COVID-19 và điều trị kịp thời với Monupiravir, 2.893 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca bệnh nặng (thở máy xâm lấn) có dấu hiệu tăng nhưng với những giải pháp hiệu quả, sự nỗ lực, quyết tâm của ngành y tế TP, số ca mắc mới và số ca tử vong trên địa bàn TP đang tiếp tục giảm.
Hiện TP đang điều trị 3.657 bệnh nhân (BN), trong đó: có 329 trẻ em dưới 16 tuổi, 79 BN nặng đang thở máy, 05 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 27/3: có 386 BN nhập viện, 378 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 337.627), 01 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.480 người).