Bộ Công an với vai trò nòng cốt, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sẽ có lộ trình thực hiện Đề án 06. Với mục đích phát huy cao nhất giá trị của dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp CCCD gắn chíp điện tử để phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.
Theo Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an. Đây là 2 dự án công nghệ thông tin loại A, tầm cỡ quốc gia chưa từng có tiền lệ với nhiều hạng mục công việc lớn, đòi hỏi đầu tư công sức, trí tuệ, nguồn lực của các đơn vị, địa phương.
Trong thời gian 2 năm triển khai thực hiện dự án, cũng là khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm trong hành động của toàn lực lượng Công an, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ không kể ngày nghỉ, ngày lễ với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau; xa làm ngày, gần làm đêm” vượt qua mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, khen ngợi, đánh giá cao.
Trên cơ sở đó, 2 dự án cơ bản hoàn thành và chính thức vận hành, đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2021.
Theo Trung tướng Tô Văn Huệ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên quốc gia được quản lý như các loại tài nguyên đặc biệt quan trọng khác, là cơ sở dữ liệu dùng chung được chia sẻ, sử dụng cho nhiều bộ, ngành, địa phương; dữ liệu đảm bảo giá trị pháp lý tương đương các văn bản giấy chứa thông tin được cơ quan có thẩm quyền cung cấp; chứa dữ liệu chủ của Chính phủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
Việc triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.
Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, giảm gian lận và lừa đảo trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, định danh và xác thực điện tử cũng rất có ý nghĩa với lĩnh vực thuế. Từ đây với mỗi mã số thuế cá nhân sẽ được gắn đúng cho công dân theo số định danh cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp sẽ được gắn đúng theo pháp nhân chịu trách nhiệm; qua đó làm giảm tối đa tình trạng trốn thuế, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Một lĩnh vực nữa sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái số này đó là bảo hiểm. Căn cứ theo từng số định danh cá nhân của công dân sẽ được cấp mã bảo hiểm xã hội, mã bảo hiểm y tế giúp thông tin minh bạch, xác định được đúng đối tượng được hưởng chính sách.
Theo Trung tướng Tô Văn Huệ: Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển (cụ thể là ứng dụng VNEID).
Khi công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ được hưởng những lợi ích như: Thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) các thông tin cá nhân sẽ được tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết; có thể cung cấp, chia sẻ, đảm bảo chính xác thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QRcode hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử; thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế,...); thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…).
Do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý nên không thể giả mạo, đảm bảo chính xác và duy nhất. Vì vậy, khi công dân thực hiện các giao dịch điện tử sẽ thuận tiện và an toàn. Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng định danh và xác thực điện tử, triển khai Đề án 06 thì việc đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử ngày càng cần thiết và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người dân.
Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết thêm, thực hiện Đề án 06 sẽ nghiên cứu triển khai từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở xác thực các thông tin và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD gắn chip hoặc ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) trong quá trình giao dịch, đi lại.
Trước mắt sẽ triển khai tích hợp một số giấy tờ cá nhân gồm: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...
Tiếp tục tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ CCCD gắn chip điện tử. Triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ CCCD đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay...
Theo Đề án 06, Bộ Công an được Chính phủ giao nhiệm vụ cung cấp 11 dịch vụ công. Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành tích hợp 6/11 dịch vụ công thiết yếu trên cổng dịch vụ công quốc gia, cụ thể gồm các dịch vụ sau: (1) Xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD; (2) Cấp lại, cấp đổi thẻ CCCD; (3) Khai báo tạm vắng; (4) Thông báo lưu trú. (5) Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đă đăng ký mẫu dấu; (6) Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với 5 đơn vị: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (tích hợp thẻ bảo hiểm y tế lên thẻ CCCD gắn chip); Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính (sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế); Bộ Giáo dục và Đào tạo (nộp hồ sơ đăng ký dự thi trực tuyến); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đăng ký hợp đồng mua bán điện); Bộ Y tế (dữ liệu tiêm chủng)…
Thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải (dự kiến 31/3/2022); cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp; cơ sở dữ liệu an sinh xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (dự kiến trong tháng 3/2022).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các tổ chức đoàn thể để đánh giá về hệ thống cơ sở dữ liệu và an ninh, an toàn thông tin nhằm thống nhất cơ chế, quy trình kết nối, chia sẻ, xác thực dữ liệu.
Dự kiến trước tháng 6/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quản lý đoàn viên của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Cơ sở dữ liệu quản lý hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
(CAO) Chiều ngày 08/3/2022, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và thành viên Đoàn công tác của Bộ Công an đã có buổi làm việc với TP. Hà Nội về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).