Bên cạnh đó, CD được cấp tài khoản ĐDĐT chứa nhiều thông tin như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm, mã số thuế cá nhân… để sau này giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người nước ngoài (NNN) sinh sống, làm việc tại TPHCM cũng có thể yêu cầu được cấp tài khoản ĐDĐT.
Cấp tài khoản định danh điện tử
Theo Công an TPHCM (CATP), CD cần nắm được quy trình đăng ký, xử lý, cấp tài khoản ĐDĐT một cách nhanh chóng, thuận tiện. Đó là khi đến trụ sở CA các quận, huyện, TP.Thủ Đức (TPHCM), một số điểm CA phường đang làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp hoặc các CD đã có thẻ CCCD gắn chíp rồi mà chưa có tài khoản ĐDĐT thì nên sớm yêu cầu được cấp tài khoản ĐDĐT.
Trường hợp đã có thẻ CCCD gắn chíp, CD đến yêu cầu cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài khoản ĐDĐT, lúc này xuất trình thẻ CCCD gắn chíp. Trường hợp CD có yêu cầu tích hợp các thông tin, như giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, mã số bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân... vào tài khoản ĐDĐT, CD chỉ cần xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh nội dung thông tin để tích hợp vào tài khoản ĐDĐT, nhằm sử dụng cho những giao dịch sau này.
Bên cạnh đó cũng xảy ra trường hợp khi khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư so sánh với thông tin truy xuất được từ thẻ CCCD gắn chíp mà người dân cung cấp để yêu cầu cấp tài khoản ĐDĐT mà không trùng khớp, người dân cần quay về nơi thường trú, hoặc tạm trú, để cập nhật thông tin đã thay đổi, sau đó mới xin cấp tài khoản ĐDĐT. Thêm việc quan trọng nữa CD cần lưu ý, đó là sau khi hoàn tất hồ sơ, cần kiểm tra thật kỹ các thông tin có chính xác với những gì mình đã đăng ký tích hợp vào tài khoản ĐDĐT chưa, sau đó mới ký vào phiếu đăng ký tài khoản ĐDĐT.
Người nước ngoài cũng được cấp tài khoản định danh điện tử
Tại TPHCM có rất nhiều NNN sinh sống và làm việc, do vậy đây là trường hợp mà theo CATP, về quy trình đăng ký, xử lý, cấp tài khoản ĐDĐT cho NNN cần lưu ý. Đối với trường hợp NNN có nhu cầu đăng ký tài khoản ĐDĐT, đề nghị được cấp TK này tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC).
Theo quy trình đăng ký, xử lý, cấp và quản lý tài khoản ĐDĐT, NNN nhập cảnh, cư trú hợp pháp liên tục tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên thì có điều kiện để yêu cầu được cấp tài khoản ĐDĐT. Ứng dụng VNeID là ứng dụng ĐDĐT quốc gia do Bộ CA xây dựng, quản lý để xử lý các yêu cầu đăng ký, cấp, quản lý ĐDĐT và xác thực điện tử. Mã OTP là loại mật khẩu sử dụng một lần và được coi là lớp bảo vệ thứ hai cho các tài khoản ĐDĐT.
Cùng với cấp CCCD gắn chíp, công dân còn được cấp tài khoản định danh điện tử
Theo đó, NNN đến Cơ quan QLXNC nộp hồ sơ và xuất trình các giấy tờ như hộ chiếu (HC, hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế), giấy cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Sau đó NNN được lập hồ sơ đăng ký tài khoản ĐDĐT trên phần mềm thu thập hồ sơ yêu cầu cấp định danh và xác thực điện tử, gồm số hiệu, ngày tháng năm sinh, loại giấy tờ và nơi cấp HC hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế để chứng minh thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Như vậy, đối với trường hợp NNN xin cấp tài khoản ĐDĐT, sau khi tiếp nhận hồ sơ, trường hợp thông tin đầy đủ theo yêu cầu, NNN được cấp tài khoản ĐDĐT (trường hợp thông tin không đầy đủ theo yêu cầu, NNN sẽ bị từ chối cấp tài khoản ĐDĐT). Hệ thống định danh và xác thực điện tử thực hiện ký số dữ liệu và trả kết quả mã số định danh cho NNN (là mã số do hệ thống định danh và xác thực điện tử sinh ra để NNN làm tên đăng nhập ứng dụng ĐDĐT) cho hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Hệ thống định danh và xác thực điện tử gửi thông tin TK gồm mã số định danh của NNN dùng làm tên đăng nhập, mật khẩu và mã OTP đến số điện thoại hoặc email của NNN đã đăng ký để đăng nhập ứng dụng VNeID. Ngoài ra, CATP cũng lưu ý về trường hợp NNN làm mất hoặc thay thế HC thì cần thông báo ngay cho Cơ quan QLXNC để cập nhật lại thông tin.
Quản lý tài khoản ĐDĐT, có thể khóa - mở tài khoản
Công an TPHCM cho biết, trong trường hợp CD và NNN đang sử dụng tài khoản ĐDĐT mà có yêu cầu khóa TK này thì CD đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận hồ sơ nơi đã đăng ký tài khoản ĐDĐT của cơ quan CA để yêu cầu khóa TK trên; còn đối với trường hợp là NNN thì đến Cơ quan QLXNC để yêu cầu khóa tài khoản ĐDĐT của mình.
Bên cạnh đó, CD và NNN cũng có thể đăng nhập sử dụng ứng dụng VNeID để khóa tài khoản ĐDĐT. Chưa hết, CD muốn khóa tài khoản ĐDĐT cũng có thể gọi điện đến Tổng đài tiếp nhận và yêu cầu giải quyết vướng mắc về tài khoản ĐDĐT tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (19000368) để yêu cầu khóa tài khoản ĐDĐT. Người nước ngoài thì gọi điện đến Tổng đài tiếp nhận và yêu cầu giải quyết vướng mắc về định danh xác thực điện tử tại Cục QLXNC để yêu cầu khóa tài khoản ĐDĐT.
Cũng có trường hợp khóa tài khoản ĐDĐT khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản đến cơ quan CA nơi đăng ký hồ sơ cấp tài khoản ĐDĐT (cấp huyện, tỉnh, hoặc Trung ương). Đối với trường hợp là NNN thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan chức năng có thẩm quyền gửi văn bản đến Cơ quan QLXNC khóa tài khoản ĐDĐT.
Ngoài ra, với trường hợp khóa tài khoản ĐDĐT khi thẻ CCCD hết hạn, đối với tài khoản ĐDĐT mức độ 1, khi thẻ CCCD hết hạn thì hệ thống định danh và xác thực điện tử gửi thông báo đến TK của CD đề nghị đi cấp đổi lại thẻ CCCD. Sau 30 ngày, CD không thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ CCCD thì tài khoản ĐDĐT sẽ bị khóa cho đến khi CD được phê duyệt cấp thẻ CCCD. Đối với tài khoản ĐDĐT mức độ 2, khi thẻ CCCD hết hạn, tài khoản ĐDĐT tự động chuyển về mức độ 1 và thực hiện thông báo tương tự như đã nêu tại tài khoản ĐDĐT mức độ 1.
Như vậy, trường hợp mở tài khoản ĐDĐT cũng được thực hiện các bước là CD đến cơ quan CA nơi tiếp nhận hồ sơ đã mở tài khoản ĐDĐT trước đây để yêu cầu mở tài khoản ĐDĐT, với NNN cũng đến Cơ quan QLXNC. Riêng trường hợp mở tài khoản ĐDĐT khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản đến cơ quan CA mà trước đây có văn bản yêu cầu đã khóa tài khoản ĐDĐT, hoặc NNN thì văn bản yêu cầu mở tài khoản ĐDĐT gửi đến Cơ quan QLXNC.