TPHCM: Đăng ký cấp hộ chiếu, biển số xe nhanh chóng, kịp thời

Thứ Ba, 23/08/2022 08:30

|

(CATP) Ngoài những ứng dụng nổi bật với thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, công dân (CD) còn được cấp thêm tài khoản (TK) định danh điện tử (ĐDĐT), giúp gia tăng rất nhiều tiện ích cho tất cả CD khi giao dịch dịch vụ hành chính công. 

Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) - Công an TPHCM, liên quan đến hướng dẫn đăng ký cấp hộ chiếu qua Cổng DVCTT mức độ 4, CD có thể sử dụng CCCD gắn chíp điện tử, thuê bao di động đăng ký chính chủ bằng CCCD gắn chíp và có khả năng thanh toán lệ phí trực tuyến qua hệ thống thanh toán điện tử của Chính phủ. Sau đó, CD có thể đăng ký cấp hộ chiếu bằng 5 bước rất đơn giản, thuận tiện.

Hướng dẫn đăng ký cấp hộ chiếu qua cổng dịch vụ công mức độ 4

Để CD thao tác nhanh chóng, Phòng QLXNC - Công an TPHCM đã hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện đối với CD, như các bước đăng ký TK: gồm bước 1 - Truy cập cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG): https://dichvucong.gov.vn; bước 2 - Chọn "Đăng ký”; bước 3 - Chọn phương thức đăng ký: CD chọn đăng ký bằng "Thuê bao di động"; bước 4 - Nhập số CCCD, họ tên, ngày sinh, số điện thoại (ĐT), email, mã xác thực - chọn "Đăng ký”; bước 5 - Nhập mã OTP được gửi vào số ĐT đăng ký; bước 6 - Nhập mật khẩu và xác nhận mật khẩu, chọn "Đăng ký”; bước 7 - Tạo TK thành công.

Sau khi đăng ký TK thành công, các bước đăng nhập sử dụng Cổng DVCQG để đăng ký cấp hộ chiếu gồm: Bước 1 - Truy cập Cổng DVCQG: https://dichvucong.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công (DVC) của Bộ Công an https://dichvucong.bocongan.gov.vn; bước 2 - Chọn "Đăng nhập"; bước 3 - Chọn "Tài khoản cấp bởi Cổng DVCQG"; bước 4 - Nhập "Tên đăng nhập", "Mật khẩu", "Mã xác thực" - chọn "Đăng nhập", nhập đầy đủ thông tin chọn "Đăng nhập"; bước 5 - Nhập mã OTP được gửi về ĐT- chọn "Xác nhận"; bước 6 - "Đăng nhập thành công"; bước 7 - Tìm kiếm và lựa chọn thủ tục cấp hộ chiếu thực hiện tại Công an TPHCM và bấm chọn "Nộp trực tuyến"; bước 8 - Chọn "Đồng ý” và tiếp tục; bước 9 - Kiểm tra đầy đủ thông tin, nhập mã xác nhận, tích chọn "Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên"; sau đó chọn "Nộp hồ sơ”; bước 10 - Nộp hồ sơ thành công và chờ phê duyệt của cơ quan QLXNC.

Công an TPHCM tiến hành cấp CCCD gắn chíp cho người dân

Liên quan đến việc thanh toán lệ phí trực tuyến và thời gian nhận kết quả, CD cũng cần chú ý, đó là khi hồ sơ được Cơ quan QLXNC kiểm tra, chấp thuận, CD sẽ nhận thông báo của Cổng DVC qua tin nhắn SMS hoặc thư điện tử (email) về việc tiếp nhận hồ sơ và mức lệ phí. Công dân tiến hành nộp lệ phí theo hướng dẫn trong tin nhắn SMS hoặc thư điện tử (Email). Còn đối với việc sử dụng "Đăng ký, cấp biển số xe lần đầu" trực tuyến trên Cổng DVCQG, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TPHCM cho biết, người dân cần đăng ký TK trên Cổng DVCQG tại địa chỉ "https://dichvucong.gov.vn"; sau khi có TK, người dân thực hiện theo trình tự các bước để khai báo, nộp hồ sơ đăng ký xe trực tuyến... đăng nhập vào Cổng DVCQG, chọn DVCTT và cơ quan thực hiện (ô tìm kiếm), chọn đăng ký cấp biển số xe lần đầu, chọn nộp trực tuyến, khai tờ khai đăng ký xe và nộp tờ khai thành công. Sau khi hoàn tất các bước trên, hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến số ĐT và người dân đến cơ quan đăng ký của CSGT, cung cấp mã hồ sơ cho cán bộ đăng ký xe để được giải quyết đăng ký, cấp biển số xe theo quy định.

Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin

Khi CD sử dụng CCCD gắn chíp, tài khoản ĐDĐT cũng như một khi đã thao tác sử dụng các DVCTT sẽ hoàn toàn yên tâm bởi tính bảo mật rất cao, không thể bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc truy cập trái phép.

Người dân cần khẩn trương làm CCCD gắn chíp để được hưởng các tiện ích

Để lý giải điều này, mà hiện một số người vẫn còn băn khoăn, như ứng dụng độc hại vô tình được cài trên ĐT của CD, thì dữ liệu cá nhân của CD được hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia (VNEID) có thể bị truy cập bất hợp pháp không? Công an TPHCM cho biết, các dữ liệu về ĐDĐT không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNEID của CD, nên các ứng dụng lạ khó thể truy cập vào để lấy cắp thông tin; chỉ khi CD đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và CD hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần). Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ, thẻ cứng vật lý. Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ, phải được CD "cho phép", tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.

Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công...) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của CD trong dịch vụ của mình cũng phải được sự đồng ý của CD. Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin của CD sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ) và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao, CD không nên cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin TK của mình, cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị đang sử dụng ứng dụng ĐDĐT.

Khi đã có CCCD gắn chíp, công dân nên thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm tải thủ tục hành chính trực tiếp

Như vậy, trong suốt quá trình giao dịch, việc dữ liệu cá nhân của CD được đảm bảo an toàn là vấn đề mà Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống ĐDĐT quốc gia. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến.

Do đó, CD có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia (VNEID) đảm bảo an toàn bảo mật thông tin. Ứng dụng ĐDĐT quốc gia có rất nhiều tính năng được cung cấp đến người dân. Công dân khi thực hiện các DVC (đã được tích hợp trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân có thể thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

Bên cạnh đó, CD cũng có thể thực hiện các giao dịch tài chính, như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền... Tất cả quy trình thực hiện giao dịch CD có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn và sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang