Sẽ "khai tử" sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy
Theo Luật Cư trú năm 2020, Cơ quan Nhà nước sẽ quản lý thông tin cư trú người dân bằng phương thức điện tử, hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử. Như vậy, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy mà bấy lâu nay tồn tại của người dân sẽ không còn giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022. Đây là điều rất quan trọng mà mỗi người dân cần phải nắm bắt.
Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy chính thức bị "khai tử", việc công dân cần khẩn trương nhanh chóng đi làm CCCD gắn chíp và đăng ký tài khoản định danh điện tử là vô cùng cần thiết. Theo Công an TPHCM, thời gian qua có nhiều trường hợp người dân đã thực hiện làm CCCD. Tuy nhiên, thời gian trả CCCD còn chậm, có thể là do "trục trặc" một số chuyện như khai báo thông tin chưa trùng khớp, hoặc thiếu sót... Bên cạnh đó cũng có những trường hợp đã được cấp CCCD gắn chíp, nhưng vì lý do gì đó bị thất lạc, bị mất, thì cần nhanh chóng đến khai báo với cơ quan công an để làm lại CCCD gắn chíp mới.
CBCS tận tình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đi lại làm CCCD gắn chíp
Để triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong thời gian qua TP.HCM đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định. Sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Về dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc. Các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ. Thúc đẩy xây dựng ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là tiền đề trong việc xây dựng chính phủ điện tử, nhằm bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội phát triển.
Theo Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH công an TP.HCM, kết quả công tác làm sạch dữ liệu, cấp CCCD gắn chip và dịch vụ công trực tuyến, đã tiếp nhận, giải quyết trên 332.000 hồ sơ (chiếm hơn 42% tổng số hồ sơ tiếp nhận) qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Riêng đối với lĩnh vực đăng ký xe từ ngày 21-5-2022, Công an TPHCM đã triển khai thực hiện tiếp nhận trên 8.400 hồ sơ (chiếm hơn 41% tổng số hồ sơ tiếp nhận) bằng hồ sơ trực tuyến đăng ký xe mô tô và ô tô. Về công tác tiếp nhận và trả thẻ CCCD gắn chip, tính đến nay Công an TPHCM tiếp nhận và trả hơn 4.600.000 thẻ, đang phân loại để trả cho công dân hơn 44.200 thẻ, hiện còn hơn 12.400 thẻ chưa trả đến công dân. Lý giải về số lượng thẻ tồn này, Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH cho biết là do nhiều trường hợp người dân tạm trú hiện vắng mặt tại địa phương, không rõ nơi ở hiện nay nên Công an địa phương gặp khó khăn trong việc liên hệ để trả thẻ cho công dân.
Tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội
Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích, minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan Nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính. Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia. Phải gắn kết với năng lực quản trị Nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội.
Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số. Khai thác ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.
Công an TPHCM cho biết, thẻ CCCD gắn chíp được gắn một con chíp có kích thước nhỏ, giống như thẻ ATM. Có mức độ bảo mật cao, được tích hợp công nghệ đặc biệt, áp dụng sinh trắc học để quản lý, nên không thể nào giả mạo. CCCD gắn chíp cũng có tích hợp đẩy đủ các thông tin, có thể tích hợp được hơn 30 loại giấy tờ khác nhau, như giấy phép lái xe, thẻ BHYT, sổ BHYT, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng... nên công dân chỉ cần dùng CCCD gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch, rút ngắn quy trình làm việc, tiết kiệm chi phí thực hiện. Do các loại giấy tờ đã được tích hợp lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia, nên hạn chế được việc giả mạo. Không cần phải có giấy tờ xác nhận của cơ quan Công an về tất cả các hồ sơ giấy tờ có liên quan đến số CMND cũ. Chíp trên thẻ CCCD gắn chíp không chứa điện, nên hoàn toàn không có chức năng định vị, không thể theo dõi để xác định vị trí của công dân (đây là vấn đề hiện nay một số công dân vẫn thắc mắc về chíp sẽ bị định vị). Với thuật toán mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban cơ yếu Chính phủ cũng như tiêu chuẩn bảo mật quốc tế ICAO. Dữ liệu công dân bên trong chíp khó có thể làm giả và thay đổi được sau khi phát hành thẻ.
CCCD gắn chíp hoàn toàn không định vị, không thể xác định vị trí công dân
Đảm bảo 100% công dân được cấp CCCD
Vừa qua, Công an TP.HCM đã phát động triển khai cao điểm đợt 3 cấp CCCD gắn chip. Qua đó nhằm tiếp tục tổ chức triển khai cấp CCCD gắn chip cho toàn bộ công dân trong độ tuổi chưa được cấp CCCD trên địa bàn TPHCM. Đồng thời tiếp tục làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" gắn với công tác quản lý cư trú, bổ sung dữ liệu công dân còn thiếu theo quy định của Luật CCCD, Luật Cư trú và số hóa hồ sơ cư trú. Cao điểm đợt 3 cấp CCCD gắn chip trên địa bàn TPHCM sẽ kéo dài từ nay đến ngày 31-8-2022.
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sắp bãi bỏ, công dân cần khẩn trương làm CCCD gắn chíp
Yêu cầu đặt ra trong cao điểm đợt này là đảm bảo thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip theo đúng quy định của pháp luật, đúng đối tượng, thời gian, phương án đề ra. Quá trình triển khai thực hiện phải đồng bộ, khẩn trương từ thành phố đến cấp phường, xã, giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể. Công an 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức phải xây dựng phương án, giải pháp, lộ trình, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể, phù hợp với đặc thù, đặc điểm từng địa bàn.
Công an TPHCM yêu cầu Ban Chỉ huy các đơn vị và CBCS tham gia thực hiện Đề án 06 phải xác định công tác cấp CCCD gắn chip là nội dung công tác có tính chiến lược, lâu dài, là cốt lõi trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH được phân công rà soát, phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và các đơn vị có liên quan tăng cường nguồn nhân lực, thiết bị hỗ trợ Công an cấp huyện, cấp phường, xã. Công an 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD chi tiết cho từng địa bàn, từng đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, rà soát từng khu phố, từng ô khu vực, đảm bảo người dân nào có tên trong danh sách 100% được thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp.
Theo Công an TPHCM, để không phải khó khăn khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy đã hết giá trị (tính đến hết ngày 31-12-2022), thì công dân đang sử dụng CMND loại 9 số, 12 số, CCCD mã vạch, công dân đủ 14 tuổi trở lên mà hiện nay chưa làm CCCD gắn chíp, phải khẩn trương làm CCCD gắn chíp. Đối với công dân đã làm CCCD gắn chíp từ lâu nay nhưng chưa nhận được thẻ CCCD gắn chíp, thì nhanh chóng liên hệ ngay với CSKV để đối chiếu thông tin dữ liệu cá nhân...