Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022):

Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân - trí - dũng trong Hồ sơ lửa

Thứ Tư, 20/07/2022 09:32

|

(CATP) Bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa (HSL) được Nhà xuất bản Công an nhân dân cấp giấy phép xuất bản và Sbooks phát hành, dự kiến ra mắt độc giả vào dịp 77 năm thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2022). Bộ HSL gồm 6 tập, 2.400 trang, hy vọng sẽ được công nhận là bộ tiểu thuyết hình sự dày nhất Việt Nam.

HSL là câu chuyện dài về cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an TPHCM nói chung, của Phòng Cảnh sát hình sự nói riêng, được thể hiện qua hàng loạt vụ án từ những ngày đầu đất nước thống nhất (1975 - 1985) đến giai đoạn đổi mới (1986 - 2006) và thời kỳ hội nhập phát triển (từ 2007 đến nay). Tội phạm ở mỗi thời kỳ đều mang dấu ấn lịch sử của nó và cuộc đấu tranh của lực lượng Công an TPHCM giải quyết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng qua hồ sơ và nhân chứng đã để lại những cảm xúc rất mãnh liệt cho người cầm bút như tôi.

Tôi đã nghiền ngẫm từng trang hồ sơ tài liệu, từng tấm ảnh hiện trường, từng khuôn mặt thủ phạm (khi được tiếp xúc, phỏng vấn họ trong các trại giam) bằng lý trí và tâm hồn phiêu lãng; bằng tâm lý căm ghét cái ác, thương cảm nạn nhân và lòng khâm phục những anh hùng nhân, trí, dũng trong lực lượng công an đã tận tụy chiến đấu, hy sinh vì nhân dân, vì chính nghĩa. HSL là tiểu thuyết chứ không phải sách sử của ngành công an dù được tổng hợp, phóng tác từ các vụ án có thật. Vì vậy, mỗi vụ án lớn, mỗi nhân vật chính - tà, mỗi biện pháp nghiệp vụ, mỗi thủ đoạn chống lại pháp luật... đều được xây dựng mang tính biểu tượng để chuyển tải thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm vào nhân vật.

Bộ tiểu thuyết hình sự HSL được tác giả ấp ủ, chuẩn bị tài liệu, cảm xúc hơn 20 năm và cặm cụi, miệt mài thêm gần 6 năm để viết thành 6 tập sách, 2.400 trang. 3/6 tập đó đã 2 lần được giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam. Tập 1 chuyển thể làm phim truyền hình 38 tập cũng mang tên "Mật danh Đ9" đã được chiếu trên hơn 20 kênh truyền hình suốt từ năm 2017 đến nay, được giải thưởng "Ngôi sao xanh" hạng mục Phim truyền hình yêu thích nhất... Các tập còn lại cũng đã được các hãng phim mua bản quyền chuyển thể làm phim truyền hình dài tập, nhưng do đại dịch Covid-19 nên các dự án này phải dừng lại...

Bắt đầu từ nhân vật "Chín Tàu Bay" - ông trùm của tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen trong tập đầu Mật danh Đ9 (giải C cuộc thi Cây bút vàng Bộ Công an 2018, không có giải A). Đây là nhân vật hư cấu từ một "ông trùm" giang hồ có thực, rất nổi tiếng suốt mấy chục năm ở Sài Gòn - TPHCM qua hai chế độ.

Ông ta có hàng trăm đàn em dao búa, có cả "đệ tử" là sếp cảnh sát biến chất của đội đặc nhiệm đang được các cấp trên dùng làm lực lượng chủ công trong chuyên án. Đây là cuộc đấu trí nghẹt thở giữa chính - tà và đại úy Thanh trí dũng song toàn, đã khơi gợi bản năng người cha của ông trùm, để ông ta phải "tâm phục, khẩu phục" nhận tội... Khó khăn hơn là lúc Thanh phải đọc lệnh bắt thượng tá Lợi - sếp trực tiếp đồng thời là thầy dạy "nghề" công an cho đội đặc nhiệm mà Thanh là thành viên. Đây là giây phút Thanh cùng đồng đội thể hiện cái tầm, cái tâm để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa "tôn sư trọng đạo"...

Một bìa sách của bộ Hồ sơ lửa

Trong phần 3 và 4 của HSL là Gia tộc tướng cướp và Phát súng chính nghĩa (giải C cuộc thi tiểu thuyết Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2017 - 2020, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức) còn xuất hiện một cảnh sát mang đủ trớ trêu của lịch sử. Đó là thượng úy, sau này là đại úy Hoàng Đức Định. Anh là con ruột tướng cướp Hai Cuộc khét tiếng tàn bạo chuyên cướp vàng trên các tàu vượt biên ở Cần Giờ những năm sau ngày 30-4-1975. Còn bà nội của Định là nữ tướng cướp Tám Lai gây kinh hoàng vùng sông nước Nhà Bè, Phú Hữu, Nhơn Trạch... trước 1975. Ông cố của Định là tướng cướp Mười Rắc chuyên cướp của nhà giàu, quan Tây thời Pháp thuộc. Nhưng Định lại được ông nội là đại tá công an, Anh hùng lực lượng vũ trang Út Liên nuôi dạy từ nhỏ và đưa vào ngành công an, làm trinh sát hình sự.

Định hăng say công tác, lập nhiều chiến công cho đến lúc biết mình là con cháu một gia tộc 4 đời làm tướng cướp. Anh suy sụp, đau khổ, xin ra khỏi ngành... Nhưng rồi được sự động viên, giải thích của ông nội, cấp trên, đồng đội, Định đã nổ "phát súng chính nghĩa" kết thúc cuộc đời hung bạo của tên cướp Chín Nắng cũng là chú ruột Định, để cứu đồng đội đang cực kỳ nguy hiểm dưới họng súng AK của hắn. Những nghịch cảnh và dằn vặt đã làm Định trưởng thành. Những chuyên án sau đó, Định càng trí, dũng, nhân văn, càng được cấp trên, đồng đội tin tưởng và người dân cảm mến, giúp đỡ để hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn, gian khổ hơn.

Thiếu tá Thanh - Đội phó đội đặc nhiệm, cấp trên trực tiếp của Định cũng là mẫu người hùng chiến trận, thông minh, quyết đoán nhưng dễ mềm lòng trước những "bông hoa"... nước mắt. Thanh từng yêu Đan Thi - nữ nghệ sĩ đang cặp bồ với ông trùm Chín Tàu Bay lẫn Đạt - vệ sĩ của ông ta. Đan Thi đã dẫn dắt Thanh vào những trận thư hùng sinh tử như lật bàn tay hoặc phải đối đầu với những ràng buộc trong quy định của ngành công an, những cách trở địa lý, nghề nghiệp. Nhưng Thanh vẫn cố vượt qua để có Đan Thi, để rồi phải thất vọng (tập 5B - Vỏ bọc thần thánh).

Thanh với Định còn có những nữ đồng đội vừa đẹp vừa gan dạ, vừa nhu mì lại vừa năng động, dũng mãnh trong chiến đấu với tội phạm. Đó là đại úy Hoa, thượng úy Thu. Hoa đổ vỡ hôn nhân, thầm yêu sếp Thanh cũng vừa ly dị vợ. Nhưng lúc đó Thanh chỉ mê Đan Thi - một đối tượng trong chuyên án Đ9 mà "quên" tình yêu của nữ đồng đội vừa xinh đẹp, đảm đang, vừa hợp với Thanh ở nhiều khía cạnh. Hoa mang mối tình đơn phương đó trong các chuyên án tiếp theo kéo dài nhiều năm.

Đến lúc Thanh bị thương nặng khó qua khỏi, Hoa đã khóc rất nhiều, nỗ lực rất nhiều để kịp đưa Thanh đến bệnh viện cấp cứu, chăm sóc tận tình cho Thanh. Đến lúc Thanh hồi phục, Hoa lẳng lặng "rút lui" và đau khổ nhìn Thanh "phiêu lưu" tình yêu với Đan Thi - kẻ bấp bênh giữa vai trò đồng phạm và nhân chứng trước tội ác của trùm giang hồ Chín Tàu Bay và quan tham Điểu Phi (tập 5B - Vỏ bọc thần thánh). Đến chuyên án cuối trong HSL (tập 6 - Hồng nhan sương khói), Hoa càng đẹp vì nỗ lực minh oan, cứu Sơn Cụt thoát án tử, giúp Sơn Cụt hạnh phúc với tình đầu là vũ nữ Saly...

Poster quảng cáo phim Mật danh Đ9

Trung úy Thu là nữ trinh sát của đội đặc nhiệm có phần mờ nhạt ở các chuyên án đầu, nhưng càng về sau càng nổi bật trong nhiều vụ án khác. Đến lúc cô được phân công bảo vệ nữ luật sư Kim Kiều (tập 5A - Lật án tử hình) Thu mới thể hiện hết sự dũng cảm, thông minh và ý chí sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Chính trong thử thách khắc nghiệt này, Thu đã gặp "một nửa" của mình, đó là chàng trinh sát tên Lộc của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an tăng cường cho chuyên án. Họ yêu nhau và phải cùng giải quyết cơn ghen manh động của một tiểu thư si tình Lộc. Cả Thu và Lộc cùng chọn "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn" để có cái kết nhân văn, giúp cô gái nhà giàu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các nhân vật là cấp chỉ huy trong các chuyên án lớn, như đại tá Minh - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, cùng các vị tướng lĩnh lãnh đạo Công an TPHCM, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM qua các thời kỳ, đều được khắc họa chân dung qua phong cách và quan điểm chỉ đạo xử lý các vụ án lớn, nhất là trong vụ án có các đối tượng giữ vai trò cốt cán trong các cơ quan bảo vệ pháp luật bị biến chất, sa ngã. Đây là những vụ án được dư luận trong nước đặc biệt quan tâm, báo đài nước ngoài đưa tin lệch lạc và thế lực thù địch vu cáo, xuyên tạc bản chất.

Cuộc đấu tranh truyền thông lúc này cũng phức tạp, khó khăn như điều tra làm rõ các vụ án đó. Các vị lãnh đạo đã yêu cầu lực lượng công an ngoài việc tuân thủ các quy định về pháp luật, nghiệp vụ; còn phải chú ý đến những ảnh hưởng chính trị, kinh tế, đối ngoại... trong điều tra, xử lý. Vì vậy trách nhiệm càng nặng nề hơn đối với lực lượng phá án.

Đại tá Minh với vai trò đầu tàu về kinh nghiệm, nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, còn phải là chỗ dựa về pháp lý, tâm lý cho cán bộ chiến sĩ (CBCS) Phòng Cảnh sát hình sự, nhất là với đội đặc nhiệm. Ông còn là người truyền đạt các mệnh lệnh, định hướng, chỉ đạo của các cấp trên cho CBCS và vận dụng các chỉ đạo, mệnh lệnh đó vào thực tế đấu tranh các chuyên án, gỡ các nút thắt, xử lý cương quyết khôn khéo những thế lực muốn bao che tội phạm hoặc làm lệch hướng điều tra... Đại tá Minh còn là vị thủ trưởng đầy nhân ái.

Đối với những người bị hoàn cảnh xô đẩy hoặc biết ăn năn hối cải, đại tá Minh luôn chỉ đạo cấp dưới tạo cơ hội cho hoàn lương, khắc phục hậu quả. Trong nhiệm vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu, ông gọi vui là "chuyên án bàn tay Phật" vừa minh oan Sơn Cụt không phạm tội giết người, vừa "ra về" để Thanh ở lại vun đắp cho mối tình Sơn Cụt với vũ nữ Saly. Nhờ những ân tình đó của cảnh sát, Sơn Cụt đã nỗ lực cải tạo tốt, lập được công trạng và được đặc xá trở về với vợ con.

Đại tá Minh là tấm gương liêm khiết, công bằng, nhân ái, khoan dung để CBCS cấp dưới noi theo. Đó cũng là cách toàn đơn vị thực hiện học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong công tác cảm hóa, giáo dục những người lầm lỡ. Đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu để bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ, làm tròn mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang