Covid-19: Áp lực - động lực - cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ Hai, 31/01/2022 19:12

|

(CAO) Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại TPHCM năm 2021 đã thể hiện rõ ràng những hạn chế, lúng túng và bất cập trong việc áp dụng công nghệ để đối phó với dịch bệnh. Dù TPHCM có năng lực công nghệ hàng đầu cả nước nhưng vẫn chưa triển khai hiệu quả sức mạnh của công nghệ trong giai đoạn cao điểm của dịch.

Những doanh nghiệp đã đầu tư chuyển đổi số sớm và có các kênh online đã nhanh chóng thích ứng trong giai đoạn giãn cách xã hội, có thể điều chỉnh mô hình kinh doanh để giữ doanh số, thậm chí tăng doanh thu. Trong khi các cửa hàng truyền thống không thể mở cửa hoặc sụt giảm mạnh doanh số. Phong trào chuyển đổi số và chuyển dịch qua kinh tế số đã diễn ra nhiều năm nhưng triển khai vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ và chưa đi vào chiều sâu. Nên đợt dịch Covid-19 năm 2021 vừa là Áp lực vừa và Động lực để Nhà nước và doanh nghiệp chuyển đổi số và áp dụng công nghệ.

Năm 2022, Covid-19 vẫn là rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, giãn cách xã hội vẫn là yêu cầu quan trọng trong giai đoạn bình thường mới. Nền kinh tế số không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và mở rộng kinh doanh. Các thay đổi mạnh mẽ của thị trường trong nước và thế giới trong và hậu Covid-19 cũng là Cơ hội để các doanh nghiệp mở ra các lĩnh vực kinh doanh mới trong môi trường số. Đây cũng là thị trường để ngành công nghệ Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Trần Hồng Phúc - Phó chủ tịch Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO); Giám đốc điều hành, TMA-Innovation

Sự thành công của các doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số đang là động lực lớn để các doanh nghiệp khác mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với nền kinh tế số và tận dụng các cơ hội mới khi thị trường chuyển dịch qua môi trường số. Theo dự báo của Google, kinh tế internet của Việt Nam có thể đạt 220 tỷ đôla Mỹ vào năm 2030. Các doanh nghiệp chậm chuyển đổi sẽ phải nhường thị phần cho các doanh nghiệp năng động hơn trong nền kinh tế số.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP của TPHCM năm 2025 và đến năm 2030 đạt 40%, trở thành đô thị thông minh và có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, TPHCM cần có các kế hoạch triển khai chi tiết và chương trình hỗ trợ mạnh mẽ. Việc thành lập các trung tâm kết nối công nghệ như Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số (DXCenter) sẽ phát triển hệ sinh thái công nghệ số, làm cầu nối giữa các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ số với các doanh nghiệp để thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số cho các ban ngành và các lĩnh vực.

Nhu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng là cơ hội lớn cho TPHCM nên có thêm nguồn lực để xây dựng chính phủ số, phát triển nền tảng công nghệ, đào tạo nhân lực, triển khai áp dụng công nghệ... để tạo đột phá về công nghệ cho thành phố. Với thị trường lớn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt và năng lực công nghệ hàng đầu cả nước với hàng ngàn doanh nghiệp số, TPHCM có nhiều điều kiện để trở thành đô thị thông minh và đi đầu về chuyển đổi số, trở thành hình mẫu cho các địa phương khác.

VNITO Tech Series: Kết nối cung cầu giải pháp công nghệ số

Sau 3 lần tổ chức thành công các hội nghị công nghệ Việt Nam năm 2015, 2017, 2019, từ năm 2021 Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO) phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) sẽ tổ chức Chuỗi Hội thảo Công nghệ số (VNITO Tech Series) thường xuyên hơn, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa các ngành, các lĩnh vực, làm cầu nối đưa các giải pháp công nghệ vào thực tế.

Với chủ đề “Công nghệ cho bất động sản thời kinh tế số”, các chuyên gia tại hội thảo đều nhìn nhận chuyển đổi số sẽ giúp lĩnh vực xây dựng và bất động sản hoạt động hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch và quản lý, tăng khả năng tiếp cận thị trường, phân tích dữ liệu và thúc đẩy hợp tác, kết nối, đồng thời mở ra các dịch vụ và cơ hội kinh doanh mới nên áp dụng công nghệ đang trở thành xu hướng của ngành bất động sản và xây dựng trong các năm tới.

Đại dịch Covid-19 đang đặt ra các thách thức mới cho các tòa nhà, văn phòng, khu dân cư về giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm soát, an toàn - an ninh. Công nghệ đang trở thành giải pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức mới này. Nếu các tòa nhà và khu dân cư đều áp dụng công nghệ thì đó sẽ là nền tảng để hiện thực mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.

Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter)

Năm 2021, UBND TPHCM thành lập Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các ban ngành và các lĩnh vực. Dù mới thành lập nhưng trung tâm đã có gần 10 nhóm chuyên gia và phối hợp tổ chức được nhiều sự kiện công nghệ số trong các lĩnh vực giáo dục, bất động sản, xây dựng, thành phố thông minh…

Các mục tiêu chính của trung tâm: Trở thành đối tác tin cậy của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong việc hoạch định và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Tập hợp các chuyên gia để tư vấn và đào tạo về chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Kết nối cung cầu về các giải pháp số, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm sản phẩm công nghệ số. Xây dựng hệ sinh thái công nghệ số cho các ngành, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ số. Xây dựng khu vực trải nghiệm công nghệ số.

Website Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM: https://dxcenter.org.vn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang