Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Đa số đại biểu tán thành nội dung thảo luận

Thứ Năm, 01/06/2017 21:49  | Ngọc Sơn

|

(CAO) Chiều 1-6, Quốc hội làm việc dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và thảo luận tại tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Mở đầu phiên làm việc chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Tờ trình được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày trước Quốc hội: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thực hiện trên địa bàn 6 xã, gồm các xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn, thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; vị trí Dự án cách TP.HCM 40km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Biên Hoà 30km về hướng Đông Nam; nằm bên cạnh Quốc lộ 51A và cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43km.

Mục tiêu đầu tư Dự án: Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Quy mô của Dự án: Đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Diện tích sử dụng đất của Dự án gồm 5.000ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050ha; diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200ha (diện tích này chưa bao gồm các khu tái định cư và nghĩa trang). Toàn bộ diện tích đất sử dụng của Dự án được tiến hành thu hồi một lần.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn: Khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Dự án sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tại Nghị quyết số 94/2015/QH13, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án. Đến nay, căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình triển khai thực hiện Dự án cho thấy cần thiết phải tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai Dự án.

Tại buổi thảo luận Tổ của Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ĐB Trần Hoàng Ngân nhất trí với phương án tách và cho rằng: Với báo cáo tiền khả thi CP trình Quốc hội khóa XIII thì sân bay này giai đoạn 1 đến năm 2025 mới có thể đưa vào sử dụng nhưng bản thân sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã quá tải. Vậy đoàn ĐB QH TPHCM đề nghị Bộ Giao thông Vận Tải kết hợp với các cơ quan phải làm sao mở rộng được công suất công năng của sân bay Tân Sơn Nhất mà theo công suất ban đầu chỉ có 25 triệu hành khách/năm mà hiện nay đã lên tới trên 32 triệu hành khách/năm (vào cuối năm 2016).

Do đó, chúng tôi có đề nghị vừa thông qua chủ trương này nhưng phải có cam kết làm sao để sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân cũng như trung truyển đoàn khách quốc tế để đảm đương được 40-50 triệu lượt hành khách\năm cho những năm tiếp theo. Và như vậy chúng ta thấy đến năm 2025 không biết có được như vậy hay không thì trong khi chờ đợi chúng ta phải đầu tư cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Điểm tiếp theo là dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa ra dự toán ban đầu là 336.630 tỷ đồng là quá lớn. Nên đề nhị Chính phủ phải chia ra nhiều giai đoạn và mỗi một giai đoạn như vậy thì mỗi khóa của QH quyết một giai đoạn đó. Vì quá trình xây dựng sân bay Long Thành này có thể kéo dài 15 năm và tầm nhìn trên 25 năm. Giai đoạn 1 khả năng đưa vào là năm 2025, giai đoạn 2 là 2035, giai đoạn 3 là sau 2035. Cho nên từng giai đoạn QH phải cho ý kiến. Quan điểm của tôi là tôi ủng hộ việc tách dự án thành phần ra khỏi tổng dự án vì giúp cho việc giải tỏa đền bù, bồi thường, tái định cư cho người dân, bởi một khi đã có quy hoạch rồi là người dân không làm gì hết mà chúng ta để 5 năm, 10 năm, 20 năm thì rất khó khăn cho người dân sống trên khu quy hoạch này.

ĐB Ngân đề nghị khi ban hành nghị quyết này cần cẩn thận ở điều 3.2 "Xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án". Như vậy phải thu hồi cùng một lúc 5.000ha cộng với 614ha để làm nghĩa trang, tái định cư. Mà thu hồi một lần là chúng ta cần 23.000 tỷ đồng trong khi nghị quyết 26 của QH chúng ta mới thông qua ở kỳ họp thứ 2 vừa rồi là kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là dành ngân sách 5.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành. Vậy với dự án này làm sao để đưa 5.000 tỷ đồng vào để có đất sạch năm 2020 để năm 2025 thi công. Như thế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình và việc xoay sở nguồn vốn.

Điểm tiếp đó là việc quản lý đất sạch: vừa qua chúng ta thấy khi giải phóng xong rồi việc quản đất đã bị buông lỏng lại bị dân lấn chiếm rồi lại tiếp tục đền bù lần hai. Điểm cuối cùng là đấu thầu đất sạch vì trong dự án 5000 ha thì trong đó 1200 ha là đất hạng mục phụ trợ và và có thể đấu giá để thu lại tiền vốn để tiếp tục tái đầu tư. "Vấn đề đấu thầu như thế nào cho đảm bảo, tôi đề nghị trong nghị quyết tới đây ghi chú rõ ở Điều 4 Nghị quyết 94 QH khóa XIII có đề nghị "CP triển thực hiện nghị quyết này và hàng năm phải báo cáo QH về tình hình triển khai thực hiện dự án" vì dự án này rất quan trọng" - ĐB Ngân nhấn mạnh.

ĐB Trần Anh Tuấn cũng tán thành việc tách ra từ chủ trương lớn. Việc tách ra như vậy phải đẩy nhanh việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư để tránh việc đội chi phí đền bù giải tỏa như trong Tờ trình của Chính phủ cũng như thẩm định của UBKT. Để yên tâm thông qua chủ trương cho dự án thành phần này thì ĐB Anh Tuấn vẫn bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi về vốn đầu tư cho dự án thành phần. Hiện nay toàn bộ chi phí đền bù, giải tỏa tái định cư lên tới trên 23.000 tỷ đồng nhưng vốn đầu tư trung hạn đến năm 2020 chỉ có 5.000 tỷ đồng thì song song đó là có các nguồn vốn, tổ hợp vốn, ngân sách Nhà nước, hỗ trợ chính thức là ODA, vốn cổ phần là các doanh nghiệp NN, ngành Hàng không...

ĐB Anh Tuấn đề nghị làm rõ cơ cấu vốn từng phần, để huy động được nguồn lực thực hiện tổng vốn. Ở điểm này CP cần phải làm rõ trước khi trình QH, trước khi bấm nút thông qua chủ trương này cần phải làm rõ chính sách khả thi của nguồn vốn. Làm rõ tính khả thi thông qua các tiêu chí về kinh tế, tài chính, xã hội, phải đảm bảo việc làm, nghề, chỗ ở phù hợp với điều kiện mới khi mà triển khai dự án đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó phải làm rõ tính khả thi về tài chính, kinh tế thì mới huy động được nguồn lực bên ngoài. Phải nhận diện rõ dòng tiền và phải tính chính xác tới các yêu tố về làm phát, môi trường rủi ro, môi trường kinh doanh...Theo ông Tuấn nếu càng làm rõ vấn đề này thì tính khả thi sẽ tăng lên và các ĐB sẽ yên tâm hơn.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng việc tách dự án là việc hoàn toàn phù hợp, hoàn toàn cần thiết để phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. Theo ĐB Tuyết công tác giải phóng, đền bù mặt bằng cần phải có một thời gian nhất định và có 2 giai đoạn là phải thực hiện thủ tục theo quy định có thẩm định, phê duyệt, kiểm kê... đã rất mất thời gian. Tiếp đó là thực hiện công tác bồi thường và giải quyết khiếu nại tố cáo sau giải phóng mặt bằng theo quy định. Mặc dù được người dân hết sức ủng hộ nhưng thực tế trong công tác giải phóng mặt bằng khi có giá và chính sách hỗ trợ đi kèm thì lúc đó mới biết người dân có chấp nhận được hay không.

Thực tế hiện nay người dân đã chịu đựng quy hoạch lâu quá rồi, không được xây dựng sửa chữa hay làm bất kỳ việc gì đều không được thì đương nhiên người dân mong muốn được bồi thường sớm để ổn định cuộc sống. Với số lượng hộ dân rất lớn bị ảnh hưởng thì cần có thời gian để thực hiện, nếu không triển khai trước công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì khi dự án được phê duyệt xong có kết quả đấu thầu các hạng mục, có kinh phí thì chúng ta lại không có đất để thực hiện. Và nếu dự án kéo dài thì sẽ dẫn đến lãng phí và nếu đây là dự án vay vốn thì lại bị đẩy thời gian trả nợ lên dài hơn và tiếp tục gây áp lực với nợ công của đất nước.

Lý do tiếp mà phải triển khai sớm cái dự án bồi thường để sớm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực có đất bị thu hồi. Về cơ sở pháp lý, ĐB Tuyết cho rằng có thể tách dự án này thành dự án thành phần như UBKT đã nêu mà không bị vướng các quy định khác. Bà Tuyết cũng đồng ý phương án triển khai đền bù giải phóng bồi thường một lần vì sẽ tạo được sự đồng nhất về chính sách về đơn giá bồi thường, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện. Với số lượng dân phải bồi thường lớn nếu tách ra thành nhiều phương án bồi thường khác nhau nếu có thay đổi về chính sách sẽ dẫn đến chênh lệch về giá cũng như chính sách đính kèm. Khi đó, dẫn đến việc khiếu nại kéo dài. ĐB Tuyết đề nghị khi QH thông qua thì Chính phủ phải triển khai ngay dự án nếu tiếp tục kéo dài thì giá bồi thường khi được phê duyệt đến lúc thẩm định bồi thường cho dân chênh lệch và lại dẫn đến khiếu kiện.

Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Bình luận (0)

Lên đầu trang