Đề xuất 4 chính sách lớn trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh

Thứ Hai, 17/04/2023 12:14  | Hải Triều

|

(CATP) Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối tuần qua đã thống nhất trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại kỳ họp thứ 5 (5-2023) theo trình tự rút gọn tại một kỳ họp.

Để bảo đảm tiến độ, UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo làm rõ những nội dung đã được các đại biểu cho ý kiến để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, khắc phục khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần mở cửa hội nhập và phát triển của đất nước.

Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cấp, trình báo mất và khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công. Luật ra đời cũng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để vừa thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Với luật này, theo Bộ trưởng, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ được đẩy mạnh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Trên tinh thần đó, dự luật được xây dựng với 4 chính sách lớn, cụ thể là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình đề nghị xây dựng luật

Ở chính sách này, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định hình thức nộp hồ sơ và trình tự, thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, trình báo mất hộ chiếu phổ thông và đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử. Đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thì bỏ quy định nộp bản chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục giấy khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi tại khoản 2 Điều 15 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định rõ người bị mất hộ chiếu nộp đơn trình báo mất hộ chiếu cho Công an cấp tỉnh hoặc Công an cấp huyện hoặc Công an cấp xã.

Chính sách tiếp theo là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với chính sách này, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm cả thông tin về "nơi sinh"; quy định việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận.

Dự luật cũng bổ sung chức vụ Phó Tùy viên Quốc phòng được cấp hộ chiếu ngoại giao; mở rộng diện đối tượng công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; quy định Bộ Công an chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

Chính sách nữa là hoàn thiện quy định của pháp luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú Việt Nam. Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định về giá trị, thời hạn thị thực điện tử theo hướng nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, bổ sung thị thực điện tử có giá trị nhiều lần.

Sửa đổi quy định về điều kiện cấp thị thực điện tử theo hướng mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và mở rộng điều kiện cấp; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Chính sách cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Với chính sách này, Chính phủ đề nghị điều chỉnh quy định về khai báo tạm trú và bổ sung trách nhiệm của người nước ngoài đối với việc khai báo tạm trú; bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (bên cạnh cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh) có liên quan đến hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) Lê Tấn Tới đánh giá, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Nhìn nhận về sự cần thiết ban hành Luật, ông Tới phản ánh, thường trực Ủy ban QP-AN cơ bản nhất trí như Tờ trình của Chính phủ. Cơ quan này cho rằng, sửa luật lần này nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Để hoàn thiện luật, thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ hơn các chủ trương, đường lối của Đảng cần thể chế hóa trong Luật, rà soát các quy định có liên quan đến chủ trương cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hai luật trên để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang