Đời thường của một nguyên Thủ tướng

Thứ Tư, 21/03/2018 08:06

|

(CAO) Năm 1940, khi cuộc Nam kỳ khởi nghĩa nổ ra ở Hóc Môn – Củ Chi, ông Phan Văn Khải mới 7 tuổi. Khởi nghĩa không thành, ngoại ông phải trốn tránh sự bắt bớ của giặc Pháp, ông đi đưa cơm tiếp tế và trở thành người liên lạc tin cẩn của ngoại và các đồng sự cách mạng.

14 tuổi, ông rời gia đình tham gia kháng chiến, lần lượt công tác trong các tổ chức Thiếu nhi Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc huyện Hóc Môn, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh Gia Định Ninh.

Năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1959 học Đại học Kinh tế ở Matxcơva - Liên Xô. Tháng 9/1997 ông trở thành Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2006, một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông xin nghỉ hưu để về quê nhà Củ Chi chăm lo phần mộ ông bà, trồng cây, làm vườn, sống phần tuổi già cùng con cháu.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với các em học sinh xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: ĐỨC HIỂN - PLO

Ngôi nhà hiện tại của ông được xây trên mảnh đất hương hỏa, nơi trước đây là khu vườn của ngoại ông – cụ Phan Văn Ngoan, một chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa. Một phần khu vườn là nhà thờ họ Phan, mới được xây dựng lại sau ngày ông nghỉ hưu.

Vườn trồng nhiều loại cây, có cây xoài truyền thống của xứ Củ Chi, có mít, sầu riêng… Nhiều loại cây từ các vùng đất nước khác nhau: cây sấu Hà Nội, cây lim Thanh Hóa, cây gió Quảng Bình… được ông đưa về trồng, như một sự nhắc nhớ về những nơi mà ông từng có dịp đặt chân đến trong những năm công tác.

Nhưng ấn tượng nhất là hàng cây cau đều tăm tắp dọc hai bên lối vào nhà, bên con đường ra vườn. Đó là giống cau Cuba cây lớn, thân thẳng tắp, bây giờ người ta trồng nhiều trong các khu khách sạn hay resort.

Hạt giống cau tự tay ông đưa về từ bên kia trái đất. Chuyện là đầu thập niên 2000, ông đi thăm Cuba, thấy các thành phố Cu Ba trồng loại cau cảnh đẹp rất đẹp, ông bèn hỏi xin Chủ tịch Fidel Castro một ít hạt giống. Chủ tịch Fidel cho ông hai quày trái, nặng trĩu.

Ông mang về TP.HCM trồng thử. Có người nói: Cây này ở xứ Cuba, trồng xứ mình không hợp, không lên được. Ông nói, ừ, thử xem. Ông đưa cho ông Bảy Thanh (đồng chí Võ Viết Thanh) mang hai quày trái đi ươm. Ông Bảy Thanh ươm lên cây, bới cây con đem cho bạn bè, trồng ở đâu nhiều lắm, chia lại cho ông một ít. Ông đem về Củ Chi trồng trong đất vườn. Cây ưa khí đất hay sao nên lớn nhanh, trồng cây nào phát triển cây đấy, không bệnh. Cây giống nhiều, trồng dọc lối đi không hết, thế là ông cho trồng ra mảnh đất nhiễm phèn còn bỏ hoang trước nhà, lạ kỳ, cây chịu đất lên tốt không khác những cây trồng trong đất vườn!

Mấy năm trước khi nghỉ hưu, ông mua thêm đám đất phèn xưa rày không ai canh tác. Nhiều người nói, đất phèn mà làm gì! Đám đất sập sệ, nổi váng vàng khè, cỏ còn không mọc được, từ hồi nào ông sinh ra đã bỏ hoang vậy rồi. Nhưng ông nghĩ, đất xấu cỡ nào cũng có cách cải tạo, sinh ra trong ruộng, chân lấm tay bùn thuở nhỏ, chẳng lẽ không biết cách xoay xở với đất đai!

Ông bèn cho đào mương dẫn nước, đào rãnh, xới đất, rửa phèn, cải tạo đám đất sập sệ nổi váng trong gần chục năm. Ông đem giống cây măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng miền Tây về trồng. Thấy ông Hai Khải làm ai cũng lắc đầu, đất Củ Chi bao đời chưa ai trồng măng cụt, bưởi, thấy nhà người ta không, toàn cây gì đâu đâu, còn lại cỏ mọc! Nhưng vườn của ông cây trái lên xanh, chuối, đu đủ cho thu hoạch quanh năm, măng cụt, thanh long cũng ra trái.

Ông bảo, trồng cây trái ăn chơi (khách tới nhà ông ra vườn hái thoải mái), ông kỳ công cải tạo đất, đưa giống lạ về trồng cốt để cho người nông dân thấy nếu mình sống chết với đất đai, biết cách làm ăn thì đất sẽ cho mình thành quả.

*

Họ Phan là họ ngoại của ông. Ông ngoại nuôi nấng, dạy dỗ ông từ tấm bé. Tên của ông - Phan Văn Khải là do ngoại đặt. Là một trong những thủ lĩnh của phong trào Thiên địa hội ở làng Tân Thông (Củ Chi) thập niên 1920, tham gia khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, tham gia phong trào Việt Minh chống Pháp, ngoại chính là người ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành tư tưởng, tính cách của ông thời trẻ.

Nhà nghèo, nhưng ngoại luôn cố gắng cho con cháu ăn học đàng hoàng: má ông học trường làng, biết chữ Quốc ngữ; bản thân ông cũng ‘tốt nghiệp’ sơ học trường làng ngay trước tháng Tám 1945. Năm 1948 ngoại động viên ông vào chiến khu kháng chiến, ông xa ngoại từ đó. 1954 ông tập kết ra Bắc, gần 20 năm sau, năm 1973 ông trở lại miền Nam với nhiệm vụ khảo sát kinh tế chuẩn bị chiến lược xây dựng miền Nam sau khi thống nhất đất nước, lúc này quê nhà còn cách trở trong ấp chiến lược.

Sau khi công việc đã ‘hòm hòm’, ông đạp xe theo giao liên đi từ Tân Biên (bắc Tây Ninh) qua sông Sài Gòn, tới Dầu Tiếng, về Thanh An nơi Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đóng. Nhờ ông Chín Lực (Trương Văn Tư) thu xếp, ông ở lại Phú Mỹ Hưng chờ cơ sở móc nối đưa má ông từ ấp chiến lược ra. Ông kể, sau 20 năm trở lại, ông không ngờ quê hương bị tàn phá đến như vậy. Những khu rừng xanh tốt, những làng mạc hồi chín năm đã biến mất. Mặt đất chồng chất hố bom, từ căn cứ Huyện ủy Củ Chi (Phú Mỹ Hưng) nhìn ra tới Trung Hòa thông thống, không có một cái cây nào.

Đúng ngày hẹn, ông đạp xe ra Bàu Dương, xã An Nhơn Tây để đón má. Đi qua đồng trống, cả vùng chỉ còn duy nhất một cây cao su. Ông đạp xe vượt qua hai người đàn bà đang cắm cúi đi bộ ngược lại, bất ngờ một người vùng ra, kêu: “Khải, mày gặp má sao không dừng xe lại!” Ông quay lại, giục cái xe, nhào tới ôm má mà chưa kịp nhìn rõ mặt.

Nhưng ông không bao giờ gặp lại được ngoại, vì ngoại ông đã mất trước đó. Em Tám của ông, sinh năm 1952, năm 1953 má bồng em vào căn cứ Tây Ninh thăm anh Hai, ông chỉ được gặp mặt em một lần duy nhất đó. Năm 1973 ông về thì em Tám đã thành liệt sĩ. Tám là bộ đội Tiểu đoàn 7 Củ Chi, hy sinh ngay trên quê hương anh dũng. Em trai thứ Sáu, tên là Nguyễn Văn Cảm, trung đội trưởng trung đội bảo vệ cơ quan Phân khu ủy I, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, cũng đã hy sinh, mà lúc đó má còn chưa hay tin.

*

Trong gia đình, ông là anh cả, gọi là Hai. Người ta gọi ông Sáu Khải, là gọi theo tên của vợ ông, bà Nguyễn Thị Sáu. Nhưng dân Củ Chi thì không quen cái tên đó. Họ gọi ông là anh Hai, bác Hai, ông Hai. Năm 1975 ông đưa gia đình về TP.Hồ Chí Minh, công tác trong Ủy ban thành phố, làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch thành phố. Thỉnh thoảng ông ra chợ để nắm giá cả, cuộc sống của nhân dân, dân Củ Chi bán rau, làm mướn thấy ông đi la cà trong chợ, kêu lên: Anh Hai! Khi ông làm Thủ tướng về quê, các bà, các má vẫn gọi: Hai, nghe cái này, nhớ cái này, Hai!

Ông kể một chuyện vui về cái tên. Một lần ông làm việc với tỉnh Quảng Ninh, tới vịnh Hạ Long, gặp các bà các chị bán hàng rong cho khách du lịch. Nghe có lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, các bà phấn khởi lắm. Các bà bắt tay ông, nói: Ông này lãnh đạo mà, tôi thấy suốt trên tivi. Hỏi: Thế các bà biết tôi tên gì không? Các bà tranh nhau nói: Ông Trần Đức Lương, ai không biết!

Ông cưới vợ năm 1956. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Sáu, là người bạn ở Văn phòng Tỉnh ủy Gia Định Ninh, cùng ông tập kết ra Bắc năm 1954. Khi ông về nghỉ hưu, bà đã lâm bệnh nặng, thời gian chủ yếu của bà là ở trong bệnh viện với các máy móc và sự chăm sóc y tế. Bà mất đầu năm 2012.

Ông bà có hai người con. Người con trai cả công tác trong ngành công an, nay đã nghỉ hưu. Con gái út sinh ra khỏe mạnh, xinh xắn, nhưng lên 4 tuổi thì phát bệnh động kinh. Căn bệnh đã tàn phá cơ thể và tinh thần cô trong suốt cuộc đời. Những năm đi học nước ngoài, ông sống kham khổ, không dám tiêu pha, có chút tiền nào đều dành mua thuốc gửi về cho con, nên tiếng là đi Liên Xô về nhưng ông không hề có ‘bàn là, thau nhôm’ như cách người ta vẫn nhìn về lưu học sinh Liên Xô thời ấy. Sau này, gánh nhiều trọng trách, nhưng cuộc đời không may mắn của con gái đã luôn khiến ông rầu lòng.

Một điều kỳ diệu với ông là con gái sau khi được mổ não đã bình phục được nhiều phần, lấy chồng, và dù sức khỏe yếu vẫn sinh được hai đứa con khỏe mạnh (sinh đôi), một trai một gái. Có cháu nội lại thêm cháu ngoại, ông như trẻ lại. Ông chăm lo cho các cháu, như muốn bù đắp thiệt thòi của con gái. Ông đặt tên cháu là Gia An, Quốc An với hàm ý mong nước yên, nhà yên.

Những năm về hưu, thời gian chủ yếu của ông là chăm vườn tược và chăm cháu. Các cháu không thiếu thốn vật chất, nhưng ông vẫn dạy cháu sống giản dị, tự lập, buổi chiều sau giờ học phải phụ quét sân, lau nhà, nhặt rau. Có điều kiện, ông đi vận động quỹ khuyến học cùng xã, huyện, vận động tiền để xây dựng trường tiểu học Tân Thông thành trường chuẩn quốc gia, lo chuyện đình miếu, họ tộc...

Nhiều người nói ông về hưu ‘ở ẩn’, không lên TV, không trả lời phỏng vấn, không thăm nơi này nơi nọ. Nhưng với ông thì ‘Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ/ Yên làng quê xin cống hiến lúc tuổi già’… Ông chỉ phấn khởi lên báo khi… xem cầu lông, đặc biệt những trận cầu có Nguyễn Tiến Minh thi đấu. Ông là Chủ tịch Liên đoàn cầu lông Việt Nam nhiệm kỳ 4 (2007-2011) và là Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ 5 (2011-2015).

Nghỉ chế độ, ông quay về làm nông dân, tự trồng rau ăn, tự nuôi cá, thả gà. Chân dung ông ngoại suốt đời đau đáu với đất đai, với làng quê trở về trong ông, da diết…

Bình luận (0)

Lên đầu trang