(CAO) Tôi có may mắn nhiều lần được tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong các chuyến công tác, cũng nhiều lần được theo lãnh đạo Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) báo cáo ông.
Lần đầu tiên tham gia tháp tùng ông là vào năm 1998 khi ông sang Kuala Lumpur, Malaysia để đưa Việt Nam chính thức gia nhập APEC. Trong một cuộc họp chuẩn bị, có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, ông đã căn dặn đây là cơ hội rất khó khăn mới có được để mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế nên phải nắm lấy thời cơ, không được bỏ lỡ.
Thủ tướng Phan Văn Khải gặp các thành viên tháp tùng dự Hội nghị Cấp cao APEC năm 2001. Ông Trương Quang Hoài Nam đứng cạnh (bên trái) Thủ tướng
Năm ấy, APEC chỉ kết nạp thêm 3 nước là Peru, Nga và Việt Nam rồi lại "đóng" cho đến nay. Bộ Thương mại được giao nhiệm vụ chuẩn bị Kế hoạch hành động quốc gia (Individual Action Plan - IAP) để thực hiện mục tiêu Bogor về tự do và mở cửa thương mại và đầu tư trong khu vực APEC.
Đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong thời điểm bấy giờ. Năm ấy, thật tự hào khi thấy hình ảnh của ông đứng chung với các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế APEC, mở ra một chương mới trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của nước ta. Bây giờ, ta thấy rất rõ việc tham gia APEC đã góp phần thúc đẩy rất nhiều mối quan hệ song phương, trong đó có việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các thành viên APEC; đồng thời có thể cùng một lúc quy tụ lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Australia... đến Việt Nam (năm 2006 và 2017) để bàn thảo về những chủ đề quan trọng cho hợp tác và phát triển...
Tháng 10 năm 2002, tại Los Cabos, Mexico, tôi được triệu tập để trực tiếp báo cáo ông về kết quả đàm phán ASEAN - Trung Quốc vừa kết thúc tại Singapore. Khỏi phải nói tôi đã hồi hộp như thế nào vì tuy là Trưởng đoàn đàm phán, tôi mới chỉ có 35 tuổi, cả tuổi đời và tuổi nghề còn tương đối ít. Nhưng, với sự hiền hậu và ân cần chỉ bảo của ông đối với một công chức nhỏ, tôi đã trình bày được hết các vấn đề phát sinh và sau đó hoàn thành nhiệm vụ.
Trong thời kỳ ông làm Thủ tướng, biết bao chính sách lớn đã được xây dựng, trong đó có Luật Cạnh tranh được giao cho Bộ Thương mại làm và tôi được giao làm Phó Trưởng ban soạn thảo kiêm Tổ trưởng Tổ biên tập. Thời ấy, “cạnh tranh” còn là điều "huý kị", cho dù đã được đưa vào các Nghị quyết của Trung ương. Dẫu Luật ấy còn một số khiếm khuyết và việc thực thi Luật chưa được tốt, nhưng nó cũng góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh khả dĩ hơn cho các doanh nghiệp.
Đôi khi, những việc nho nhỏ lại nhớ lâu. Tháp tùng ông trên chuyên cơ sang thăm chính thức Cu Ba, thỉnh thoảng ông lại đi xuống khoang sau thăm hỏi nhân viên cấp dưới. Tôi ngồi cùng với mấy nhà báo. Vì nhỏ tuổi nhất lại thỉnh thoảng làm phiên dịch hộ nên các nhà báo khá chiều, người thì cho ruốc ăn với mỳ tôm, người thì cho thuốc lá (hồi ấy chưa cấm hút thuốc lá trên chuyên cơ). Ông đi qua thấy vậy, bèn rút gói thuốc Malboro trắng đang hút cho luôn nhưng cũng nhắc: Hút ít thôi nhé.
Hôm nay, nghe tin ông từ trần, xin thành kính tưởng nhớ đến ông, vị Thủ tướng của Đổi mới và Phát triển.
Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ