Dự Luật BHXH (sửa đổi): Kỹ lưỡng, thận trọng để bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ

Thứ Hai, 27/05/2024 17:03  | Thanh Hòa

|

(CAO) Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến tâm huyết trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 27/5 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu rõ, Luật BHXH là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án Luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm. Qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập. Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật trước khi thông qua.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đánh giá cao Ban soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách liên quan dự án Luật sửa đổi lần này; thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo thẩm tra đã nêu ra, nhiều vấn đề cần phải được xử lý một cách thấu đáo. Tuy nhiên, đại biểu cũng đồng tình rằng đây là dự thảo Luật khó, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, nên cần phải rà soát rất kỹ từng nội dung chính sách. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, với các vấn đề đang tồn tại ở đây, nên cân nhắc tiếp tục nghiên cứu, trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, không nên vội vàng thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Quang cảnh phiên thảo luận

Lưu ý rằng theo Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh chênh lệch khá lớn giữa lương hưu của người nghỉ trước và sau ngày 1/7/2024, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị xem xét thông qua dự luật này tại kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định cũng như đánh giá tác động thực tế của các chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH cũng như các dự án luật liên quan đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng hưởng. Theo đại biểu, khi một đạo luật tốt sẽ tạo ra sự an tâm cho người dân, người lao động, tăng trưởng kinh tế, an toàn, cân đối và tăng trưởng của quỹ BHXH trong dài hạn và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.

Chung ý kiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cũng đề nghị: “Về thời điểm thông qua luật, tôi xin kiến nghị thống nhất với nhiều đại biểu nên thông qua sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương”.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 55 ý kiến ĐBQH phát biểu, trong đó có 2 ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, các đại biểu phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cụ thể, thể hiện trí tuệ và trách nhiệm cao. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực cả về nội dung mang tính quan điểm, nguyên tắc, cơ chế pháp lý cả về chi tiết, từng điều khoản, quy định cụ thể của dự thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận

Nhiều đại biểu góp ý cả về nội dung pháp lý và kỹ thuật lập pháp và cũng có nhiều đại biểu không chỉ góp ý để hoàn chỉnh dự thảo Luật mà còn góp ý nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện đồng bộ các chính sách, pháp luật có liên quan.

Để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt cho Cơ quan chủ trì hội thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị đại biểu Quốc hội để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án, làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.

Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội với chất lượng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo Luật hay không thông qua vào giai đoạn sau của Kỳ họp này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang