Không có doanh thu lấy đâu tiền nộp thuế
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả doanh nghiệp vừa thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Hiện tổng số DN là 760.000 doanh nghiệp, trong đó 93% là DN nhỏ, 4% là DN vừa và 3% là DN lớn. Số DN này có đóng góp lớn vào GDP, lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng DN nhỏ và vừa đang bị tác động tiêu cực bởi Covid-19, bị tổn thương nặng nề nhất không chỉ trên quy mô cục bộ, mà trên quy mô toàn cầu” – ông Thân phân tích.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân thảo luận tại Hội trường sáng 16/6
Tuy nhiên, với các tiêu chí trong Nghị quyết (giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ có doanh thu không quá 50 tỷ, số lượng lao động không quá 100 lao động, trong khi tiêu chí xác định của doanh nghiệp nhỏ là doanh thu không quá 100 tỷ và số lao động đóng bảo hiểm xã hội không quá 50 lao động), đại biểu Thân chỉ ra, như thế chỉ 50% số lượng doanh nghiệp nhỏ được hưởng lợi từ nghị quyết này.
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự. Theo ông Thân, nếu giảm thuế cho năm 2019 sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp.
“Năm 2020 này, doanh nghiệp còn giữ hoạt động được là tốt lắm rồi, lấy đâu ra có lãi. Giảm thuế cho những doanh nghiệp vẫn có lãi năm 2020 thì doanh nghiệp rất khó tiếp nhận được cái cái ưu đãi này. Tôi đề nghị chuyển ưu đãi giảm thuế cho năm 2019 sẽ có ý nghĩa thực tế hơn chất hơn.
Tương tự, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) kiến nghị nên mở rộng đối tượng thụ hưởng giảm thuế ra toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, lý do là loại hình doanh nghiệp này chiếm tới 97%, đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế.
Ông Hùng nhận định con số giảm thu ngân sách dự kiến nêu trong tờ trình (giảm trên 17.000 tỷ đồng nếu giảm tập trung cho doanh nghiệp nhỏ; giảm 22.000 tỷ đồng nếu giảm thêm cả cho doanh nghiệp vừa) chỉ là con số sơ bộ.
“Nếu năm 2020 doanh nghiệp không có doanh thu thì lấy đâu ra tiền để nộp thuế cho ngân sách mà giảm” – ông Hùng nói và cho rằng thực chất nếu giảm cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến nguồn thu ngân sách.
Kinh doanh có lãi năm nay đều là những DN “anh hùng”
Thừa nhận DN kinh doanh có lãi trong năm nay là rất khó, nên theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), chính sách mà Chính phủ đưa ra “mang tính chất động viên, chia sẻ với DN nhiều hơn”.
“Những DN nhỏ và có lãi năm nay đều là những DN “anh hùng” nên họ không khó khăn” – đại biểu Ngân lập luận và cho rằng việc giảm thuế là để động viên biểu dương những DN này.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường
Ông Ngân cũng cho rằng cần có thêm gói hỗ trợ khác như hỗ trợ quỹ tín dụng bảo lãnh DN nhỏ và vừa để tăng thêm vốn cho Quỹ bảo lãnh này, nhằm tăng khả năng bảo lãnh cho DN, giúp họ tiếp cận vốn vay từ phía NHTM cho các DN nhỏ.
Dẫn lại NQ 42 hướng dẫn DN có thể vay vốn từ NH chính sách xã hội lãi suất 0%, ông Ngân phản ánh, giờ chưa DN nào vay được do khó tiếp cận.
“Nên xem lại điều kiện, thủ tục đối tượng vay này” – ông Ngân yêu cầu.
Nêu số liệu DN tạm dừng hoạt động là 26.080 DN, đại biểu của TPHCM phân tích: “Ngừng nghĩa họ chưa bỏ cuộc, vẫn đang chờ cơ hội và kỳ vọng sự tiếp sức từ Chính phủ, nên Chính phủ cần quan tâm tới số DN này, có hỗ trợ với họ để có sức vượt qua khó khăn hiện nay”.
Vẫn theo ông Ngân, “liều lượng” hỗ trợ cũng nên tăng lên (ngoài chính sách thuế) để họ đủ sức vượt qua khó khăn trong các tháng tới, giúp họ giữ được thương hiệu của mình.
“DN đang khó khăn thì chúng ta cần nhiều giải pháp, chứ ko riêng gì thuế để giúp họ giữ thị trường, giữ thương hiệu” – ông Ngân lưu ý.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì góp ý, cần hiểu rằng hỗ trợ DN tức là hỗ trợ nền kinh tế, an sinh, việc làm, sinh kế người dân. “Khu vực DN nhỏ và vừa là khu vực tạo ra việc làm nhất” – ông Lộc nhìn nhận và cho rằng nên coi đây là giải pháp hỗ trợ an sinh chứ không đơn thuần giải pháp hỗ trợ kinh tế.
“Xác định như vậy thì sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho DN. Khu vực DN nhỏ và vừa rất dễ tổn thương, nhưng khôi phục mở rộng quy mô rất nhanh, nên “kích” vào khu vực này cũng hiệu quả nhất” – ông Lộc chỉ ra.
Vị Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, bên cạnh ban hành Nghị hỗ trợ DN nhỏ cũng cần có ngay phương án hỗ trợ các ngành kinh tế trọng điểm đang gặp khó khăn như du lịch, hàng không. “Điều này vô cùng bức thiết, nếu chúng ta muốn vực dậy ngành du lịch, hàng không, các dự án trọng điểm liên quan tới an ninh kinh tế, quốc phòng” – ông Lộc khuyến cáo.
Cũng theo ông Lộc, bất cứ sự chi tiêu nào của ngân sách cũng ko nên nghĩ là rút túi tiền của NN, chi cho DN là nhà nước mất đi. Việc này, như nhìn nhận của ông Lộc, là nuôi dưỡng nguồn thu cho tương lai, là thời gian có dư địa thực hiện chính sách tài khoá ngược, tăng nợ công, phục hồi kinh tế.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là một trong các giải pháp tài khoá Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong thời kỳ hiện nay.
“Ban soạn thảo sẽ tiếp thu theo hướng mở rộng đối tượng, tiêu chí là hướng tới DN vừa. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để tiếp thu, nhưng chọn tiêu chí làm sao để thực hiện thuận lợi, tránh rủi ro” – ông Dũng cam kết.