Hành trình về nguồn “Tháng Ba biên giới”: Hiểu hơn giá trị cuộc sống thanh bình

Thứ Sáu, 29/03/2019 21:34

|

(CAO) Tiếp tục Hành trình về nguồn “Tháng Ba biên giới”, ngày 29-3, đoàn TP.HCM do bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM dẫn đầu, đã đến Cao điểm 468 thăm chiến trường xưa tại khu vực biên giới xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang.

Tham gia đoàn có lãnh đạo Ban Tuyên giáo một số quận, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; lãnh đạo một số cơ quan báo chí, xuất bản, văn nghệ sĩ, cựu chiến binh TP, cùng các công dân trẻ, trí thức trẻ tiêu biểu của TP.HCM.

Tại Cao điểm 484, đoàn đã dâng hoa, dâng hương để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Các cựu chiến binh của TP.HCM từng chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc kể lại kỷ niệm tại hang Làng Lò.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ca sĩ Thế Vỹ (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP) xúc động chia sẻ: ​“Sự hy sinh của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ngày hôm nay, được về lại nơi ghi dấu những chiến tích oai hùng của người xưa, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào, biết ơn trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc.

Ca sĩ Thế Vỹ thay mặt các văn nghệ sĩ TP.HCM phát biểu cảm tưởng tại Nhà tưởng niệm Cao điểm 468

Hôm nay đây, chúng tôi rất tự hào khi được nghe lại câu chuyện về cuộc chiến đấu ngoan cường của dân tộc. Tham gia chuyến về nguồn hôm nay, được thắp từng nén hương thơm lên những phần mộ, được nghe kể chuyện về các anh, các chị, chúng tôi càng hiểu hơn về giá trị của cuộc sống thanh bình.

Giá trị ấy không phải đong đếm bằng vật chất cụ thể, mà đó là mồ hôi, nước mắt và cả sự sống của những người đi trước. Hiểu hơn về lịch sử, về sự hy sinh, mất mát, chúng tôi nguyện sẽ sống tốt, sống xứng đáng với tuổi xuân mà các anh, các chị đã dâng hiến cho quê hương”.

Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, văn nghệ sĩ, cựu chiến binh TP dâng hoa trước Đài hương Cao điểm 468

Cao điểm 468 là một trong những cao điểm diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nơi rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó còn hàng nghìn liệt sĩ vẫn nằm lại trên chiến trường xưa, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư đánh chuông trong lễ tưởng niệm trên Cao điểm 468

Đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Cao điểm 468 do Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu mặt trận Vị Xuyên đầu tư, xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp của các nhà hảo tâm trên cả nước nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở các cao điểm khu vực này như 772, 685, 300, 400... Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017.

Nhà tưởng niệm Cao điểm 468

*Cùng ngày, đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản, văn nghệ sĩ, cựu chiến binh TP.HCM đã tới thăm Hang Dơi và Hang Làng Lò - địa danh thuộc xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), là nơi tập trung quân, lương thảo và là nơi cứu thương cho bộ đội sau mỗi trận đánh.

Đoàn cũng đã đến thăm Cửa khẩu Thanh Thủy (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên), cửa khẩu quốc tế duy nhất tại Hà Giang. Tháng 2/2014 cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Thiên Bảo (Trung Quốc) được nâng cấp lên Cửa khẩu quốc tế trên cơ sở ban đầu là một cửa khẩu quốc gia.

Đoàn cũng đã đến thăm hỏi Đội tìm kiếm quy tập liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang – một đơn vị được thành lập để tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Với 18 cán bộ, chiến sĩ, chỉ từ tháng 9/2018, đến tháng 3/2019, đơn vị đã quy tập được 50 bộ hài cốt của các liệt sĩ.

Ngày mai (30/3), đoàn sẽ thăm các di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng tại tỉnh Cao Bằng là An toàn khu Việt Bắc, Cây đa Tân Trào, Đình Tân Trào, Nán Nà Lừa...

Đoàn đại biểu TP.HCM viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang