(CAO) Việt Nam đã trao công hàm phản đối Trung Quốc về việc nước này vừa có cuộc tập trận ở Hoàng Sa từ 22 - 24/3 cũng như công bố kế hoạch xây các đảo Duy Mộng, Phú Lâm và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 28-3, nói về việc Trung Quốc vừa có cuộc tập trận ở Hoàng Sa từ 22 - 24/3 cũng như công bố kế hoạch xây các đảo Duy Mộng, Phú Lâm và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trở thành thành phố hoặc căn cứ hậu cần quan trọng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Việc làm này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển của Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế, bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có các hành động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực”.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã gặp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về những sự việc này.
Tiếp tục các biện pháp bảo hộ ngoại giao, lãnh sự, pháp lý với công dân Đoàn Thị Hương
Nhận định về khả năng Đoàn Thị Hương được tha bổng vào phiên xử 1-4 tới cũng như các biện pháp bảo hộ công dân của Việt Nam đến thời điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ công dân đối với Đoàn Thị Hương và Việt Nam sẽ tiếp tục các biện pháp bảo hộ ngoại giao, lãnh sự, pháp lý ở mức cao nhất để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do.
Trước thông tin báo chí quốc tế tường thuật tại phiên tòa trước cũng như thông tin từ luật sư cho biết Đoàn Thị Hương đã bị sốc nặng sau khi công dân Indonesia Siti Aisyah được trả tự do, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao thường xuyên giữ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để cập nhật tình hình về Đoàn Thị Hương.
Đại sứ quán cũng đã 3 lần thăm lãnh sự với Đoàn Thị Hương kể từ ngày 11-3 để thăm hỏi, động viên và quan tâm đến sức khỏe của Hương trước phiên tòa. Hiện Đại sứ quán Việt Nam cũng đang làm thủ tục để có thể thăm lãnh sự Hương một lần nữa trước phiên tòa ngày 1-4 tới đây.
Trả lời câu hỏi liệu có đại diện cấp cao nào của Việt Nam tham dự phiên tòa quan trọng này không (khi tại phiên tòa trước của công dân Indonesia Siti Aisyah có sự tham dự của Bộ trưởng Tư pháp Indonesia), bà Hằng thông tin: Trong suốt hơn 20 phiên tòa xử công dân Đoàn Thị Hương đều có sự có mặt của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và sự có mặt của Đại sứ Việt Nam tại nước này.
“Để tiếp tục các nỗ lực bảo đảm cho Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do, Việt Nam sẽ tiếp tục các biện pháp bảo hộ ngoại giao, lãnh sự, pháp lý một cách cao nhất” - bà Hằng nói.