Hiện đại hóa lực lượng CAND đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ mới

Thứ Sáu, 19/08/2022 10:29

|

(CATP) Sau 77 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá theo mô hình SWOT (Strengths: Điểm mạnh; Weaknesses: Điểm yếu; Opportunities: Cơ hội; Threats: Thách thức), chúng ta càng thấy rõ hơn thời cơ và thách thức đối với Công an nhân dân Việt Nam.

Thuận lợi và thách thức

Về điểm mạnh của CAND Việt Nam: Trước hết là thành tựu về "đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội" có vai trò đặc biệt quan trọng của CAND Việt Nam; Lực lượng CAND đã được đầu tư, xây dựng theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại". Mô hình CANDVN ngày càng hoàn thiện, có nhiều ưu việt, ngày càng gần dân hơn theo hướng "tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, hiệu quả cao".

Trong 3 năm qua dư luận đặc biệt quan tâm tới cuộc cải cách chính trị, cải cách hành chính lực lượng Công an nhân dân do Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an đề xuất tiến hành. Bộ Công an đã giải thể 6 tổng cục, giảm gần 60 cục trong cơ quan bộ, giải thể 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh. Hàng nghìn đơn vị cấp phòng, đội được thu gọn từ Trung ương và địa phương. Cán bộ, nhân dân cả nước đều đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của lãnh đạo Ngành Công an. Bài học rút ra ở đây là nếu lãnh đạo công tác chính trị tốt, lãnh đạo, chỉ huy có bản lĩnh, chọn đột phá đúng, thì mọi việc dù khó đều được thực hiện thành công.

Tuy nhiên Bộ Công an hiện nay mới chỉ đảm nhiệm phần lớn công tác công an tại nội địa. Nhiều công tác công an đang được giao cho nhiều bộ, ngành thực hiện hoặc tham gia thực hiện như: bảo vệ an ninh, trật tự biên giới, an ninh, trật tự biển, cơ yếu, cứu hộ, cứu nạn; an ninh hàng không; điều tra hình sự; phòng, chống ma túy; phòng, chống buôn lậu; vệ sinh an toàn thực phẩm... Việc chia cắt như vậy đã làm tăng biên chế cán bộ nhà nước và giảm hiệu lực đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tác giả chụp ảnh kỷ niệm với Thống tướng Neth Savoeun, Tổng Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Campuchia và gia đình tại Lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho cán bộ cấp cao Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, Phnom Penh tháng 7 năm 2018

Mặc dầu đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư nhưng trang thiết bị, vũ khí, khí tài của CANDVN vẫn còn khiêm tốn, so với nhiều nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines.

Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu Xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025 xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hiện đại hóa một số lực lượng. Đến năm 2030 xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Chúng ta cần hướng tới mục tiêu đến năm 2045 xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tiên tiến.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng "thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng" (Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.280). Thế trận an ninh quốc gia Việt Nam cần phải được thiết lập xuyên suốt, không chia cắt từ bên ngoài biên giới quốc gia - tại biên giới quốc gia - trong nội địa - trên biển - trên không gian mạng.

Thứ hai, thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác công an, phân tích chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và chức năng chiến đấu trực tiếp theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Bộ Công an chủ yếu làm quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Trong giai đoạn trước mắt Bộ Công an trực tiếp đấu tranh đối với một số tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm nhưng về lâu dài các nhiệm vụ này cần chuyển giao cho công an địa phương. Bộ Công an chủ trì điều tra một số vụ án hình sự lớn, xuyên quốc gia, quốc tế theo hướng thành lập ban chuyên án do cán bộ Bộ Công an chủ trì, trưng tập cán bộ công an các địa phương tham gia. Khi vụ án kết thúc các thành viên lại trở về công tác tại địa phương; Tỉnh mạnh: Công an cấp tỉnh vừa làm quản lý nhà nước về an ninh trật tự và trực tiếp chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự; Huyện toàn diện: Công an cấp huyện chủ yếu làm chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự, đồng thời quản lý nhà nước về an ninh trật tự; Xã bám cơ sở: Công an cấp xã làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự.

Đoàn nhạc Cảnh sát nhân dân Việt Nam biểu diễn. Ảnh: MAI LOAN

Chuyên nghiệp hóa lực lượng CANDVN. Nghiên cứu, thành lập, triển khai mới một số lực lượng như: an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; cảnh sát du lịch; cảnh sát đô thị; cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kỹ thuật hóa và tin học hóa lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, an ninh xuất nhập cảnh, cảnh sát giao thông; củng cố các lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự bán chuyên trách ở cơ sở...

Thứ ba, đổi mới phương thức tuyển dụng cán bộ công an theo hướng cân bằng việc tuyển học sinh phổ thông vào học trường công an ở một số lĩnh vực công an truyền thống (như An ninh chính trị nội bộ, Cảnh sát hình sự, v.v...) và tuyển cán bộ đã tốt nghiệp đại học bên ngoài vào học thêm bằng thứ hai tại trường công an để bổ sung cho các lực lượng công an sử dụng nhiều kiến thức khoa học công nghệ như An ninh phi truyền thống, An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, An ninh tài chính, Kỹ thuật hình sự, Kỹ thuật nghiệp vụ, Bảo vệ kinh tế, Cảnh sát môi trường...

Về biên chế, phấn đấu có biên chế công an theo tỷ lệ 500 dân/1 công an ở mức trung bình của thế giới.

Đầu tư xây dựng một số trường công an trọng điểm có khuôn viên rộng từ 100 ha trở lên, có đầy đủ các khu huấn luyện thực hành và các công trình, trang thiết bị dạy học hiện đại của một trường công an thông minh. Tiến tới năm 2030 Việt Nam có trường công an thuộc nhóm đầu Đông Nam Á.

Phương tiện đặc chủng của Công an TPHCM nhằm đảm bảo an ninh trật tự

Thứ tư, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng như tình báo, an ninh, cảnh sát cơ động, các lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ thuật hình sự, cảnh sát giao thông, an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao... với các đề án. Phấn đấu đến năm 2030 CANDVN có một biên đội bay nhiều máy bay trực thăng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động đóng quân ở các miền đất nước. CATP Hà Nội, CATP Hồ Chí Minh mỗi thành phố có 1 biên đội máy bay trực thăng. Chỉ tiêu này mới bằng chỉ tiêu máy bay của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan năm 2000. Công an xã miền núi, biên giới được trang bị ngựa cảnh sát. Củng cố hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các hệ cơ sở dữ liệu khác; thiết lập các hệ thống camera giám sát an ninh CCTV và xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt đảm bảo an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc.

Thứ năm, xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh Việt Nam. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, mua bản quyền nước ngoài và huy động tiềm lực của một số doanh nghiệp lớn ngoài ngành để sản xuất vũ khí, khí tài công an ở trong nước. Trừ các thiết bị như máy bay hoặc một số trang thiết bị nghiệp vụ phức tạp phải mua của nước ngoài, CANDVN chỉ được trang bị tốt khi chúng ta tự sản xuất vũ khí, khí tài nghiệp vụ ở trong nước và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Nghị quyết Đại hội XIII đã và đang đi vào cuộc sống, khơi dậy khát vọng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Với nội lực đã có, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao cuộc cải cách, hiện đại hóa CANDVN nhất định sẽ thành công.

Bình luận (0)

Lên đầu trang