Hội thảo có sự tham gia của các đại diện trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân gồm: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban nguyên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an. Lãnh đạo một số đơn vị công an và các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực.
Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân cho biết, hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu rộng của các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến việc tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trung tướng Trần Vi Dân nhấn mạnh, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Tham gia hỗ trợ cùng lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự còn có các lực lượng khác như bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách. Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Do đó, trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và lực lượng Công an, sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân và ngày càng được củng cố, kiện toàn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đóng góp tích cực trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự cũng như việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa bản cơ sở.
Thời gian gần đây, trước bối cảnh của đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong suốt thời gian qua, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã và đang thực hiện có hiệu quả và là lực lượng tuyến đầu cùng tham gia hỗ trợ với lực lượng nòng cốt Y tế, Quân đội, Công an... trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trận tự, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và dự báo trong những năm tiếp theo còn nhiều phức tạp.
Trung tướng Trần Vi Dân phát biểu tại hội thảo.
Trong bối cảnh hiện nay có thể thấy, trên tất cả các địa bàn thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, ở tất cả các địa bàn có dân cư sinh sống, đâu đâu cũng cần và đều thấy các tổ, nhóm thuộc lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại các địa điểm, nơi giãn cách, nơi bị phong toả do dịch bệnh Covid-19 hoặc tham gia bảo vệ tại các “vùng xanh" để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh.
Các mô hình, hiệu quả hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Theo Trung tướng Trần Vi Dân, hội thảo tập trung vào năm mục tiêu trọng tâm gồm: xác định vị trí vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và sự cần thiết xây dựng dự án luật; hai là xác lập những luận cứ khoa học của việc xây dựng dự án luật; ba là phân tích, đánh giá về thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở hiện nay; bốn là làm rõ cơ sở thực tiễn của việc xây dựng dự án luật và năm là phân tích, đánh giá vấn đề củng cố, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.
“Kết quả hội thảo khoa học này sẽ góp phần cung cấp thêm những luận cứ hữu ích phục vụ cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền tham vấn trong quá trình xây dựng và ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở”, Trung tướng Trần Vi Dân nhấn mạnh.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở được xây dựng tập trung 3 lực lượng gồm công an xã, dân phòng và bảo vệ dân phố.
Để phát huy vai trò của ba lực lượng trên, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống, chính sách đối với lực lượng trên.
“Bên cạnh những đóng góp nhất định của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, theo tôi thực tế cho thấy còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, về hệ thống pháp lý đang làm những văn bản dưới luật; sau khi công an chính quy về xã, lực lượng công an xã bán chuyên trách ở một số địa phương còn gặp khó khăn; chất lượng hiệu quả hoạt động của bảo vệ dân phố cần được đánh giá, nhìn nhận lại…”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nói.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đưa một số giải pháp cụ thể, gồm: bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; hai là tiếp tục pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động của công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng; phải lắng nghe nhiều hơn tiếng nói cơ sở...
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an đề xuất sửa đổi tên đề án luật từ Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cở sở thành Luật bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an đóng góp ý kiến tại hội thảo sáng nay.
Lý giải cho ý kiến của mình, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc đổi tên này bao quát hơn, rộng hơn, bao hàm toàn bộ các vấn đề an ninh trật tự cơ sở và đáp ứng được mục tiêu mà luật hướng đến.
Phân tích về yếu tố lý luận và thực tiễn để xây dựng luật này, Thiếu tướng Lê Văn Cương dẫn chứng các điều 53, 78, 79 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, Thiếu tướng Lê Văn Cương viện dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định vai trò của mọi công dân trong việc giúp chính quyền bảo đảm an ninh trật tự.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần tổ chức thêm nhiều hội thảo, trong đó cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến của chính quyền, cấp ủy các xã, phường…