(CAO) Tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; đồng thời, khắc phục những chồng chéo, bất cập trong các quy phạm pháp luật nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển.
Sáng 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh, QH thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Toàn cảnh phiên họp
Các ĐBQH cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo Luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; đồng thời, khắc phục những chồng chéo, bất cập trong các quy phạm pháp luật nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận thấy, Luật hiện hành và dự thảo Luật chưa có các quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm, cơ chế của chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quy hoạch.
Do đó, ĐB đề nghị, xem xét bổ sung một khoản mới tại Điều 5 Luật hiện hành về hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm quy định rõ chính quyền địa phương cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch, có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

ĐB Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp
ĐB Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị xem xét bổ sung vào khoản 4 Điều 16 Luật hiện hành quy định về quy trình lập quy hoạch tỉnh; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã, yêu cầu UBND cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian dân cư, sản xuất, hạ tầng.
Còn ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) băn khoăn, Luật Quy hoạch sửa đổi “nhiều quá”, sửa liên tục. "Luật Quy hoạch được quan tâm và sửa rất nhiều nhưng vẫn rối, cơ sở rất khó triển khai thực hiện. Nếu sửa thế này đã thực sự là tận gốc vấn đề hay chưa?".
Về đề xuất lập quy hoạch mang tính tích hợp, đa ngành, tổng thể, liên thông và liên kết, ĐB Hạ cho rằng, đội ngũ làm quy hoạch chưa quen với mô hình mới, cách làm mới.
Khi làm quy hoạch tích hợp, đa ngành, liên thông phải có “nhạc trưởng” nhiều kinh nghiệm, có tầm nhìn để xâu chuỗi lại, do chúng ta chưa có nên khi triển khai rất vướng.
ĐB Hạ đề nghị tìm đúng nguyên nhân mà "sửa hoài vẫn vướng”, cần bình tĩnh nhận diện, xem xét lại căn bản các vấn đề để giải quyết vấn đề quy hoạch, tránh chồng lấn, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu giữa các quy hoạch với nhau.

ĐB Tạ Văn Hạ nêu ý kiến tại phiên họp
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phải lập đồng thời.
Bởi lẽ, quy hoạch cấp trên thì phải có định hướng để cho quy hoạch cấp dưới chi tiết hoá. Nếu quy định cấp trên chưa có định hướng thì khi làm quy hoạch cấp dưới trước rất có thể những nội dung chi tiết của quy hoạch cấp dưới sau này sẽ không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Điều này đã từng gặp phải khi chúng ta phê duyệt quy hoạch đất quốc gia trước và sau đó đến khi các tỉnh làm quy hoạch thì chỉ tiêu phân bố đất cho tỉnh không phù hợp và hiện nay hầu hết các tỉnh đều yêu cầu phải điều chỉnh chỉ tiêu đó trong quy hoạch đất quốc gia.
“Do vậy, nếu thực hiện đồng thời tất cả các quy hoạch này thì quy hoạch cấp trên sẽ là định hướng sau đó quy hoạch cấp dưới sẽ chi tiết, cụ thể hóa. Nếu thấy chỗ nào không phù hợp thì sẽ phản hồi để điều chỉnh quy hoạch cấp trên”, ĐB nhấn mạnh.

ĐB Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp
Cách làm này sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu. Khi tất cả các phương án quy hoạch được làm đồng thời sẽ có tính kết nối, khớp nối giữa các phương án, từ quy hoạch cấp trên đến quy hoạch cấp dưới.
Hơn nữa khi tiến hành các quy hoạch trong cùng một thời điểm sẽ khiến việc chia sẻ những thông tin, nguồn lực giữa các quy hoạch được thuận lợi, không mất thời gian là mỗi một lần thực hiện quy hoạch lại phải tổ chức hội thảo, những buổi chia sẻ hoặc những nguồn dữ liệu riêng.
Nếu tiến hành đồng thời, ĐB cho rằng có thể chỉ trong vòng 1 năm, tất cả các quy hoạch sẽ hoàn thành chứ không như trong thời gian vừa qua là rất nhiều năm các quy hoạch mới được hoàn thành.
Do vậy, ĐB đề nghị khoản 3 Điều 5 phải sửa lại là các quy hoạch trên phải được lập đồng thời, quy hoạch nào xong trước thì được phê duyệt trước.