Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2025): Đồng chí Hoàng Quốc Việt - một chiến sĩ Cộng sản kiên cường

Kỳ cuối: Gắn bó mật thiết với đồng bào Nam Bộ

Thứ Tư, 28/05/2025 09:45

|

(CATP) Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã gắn bó máu thịt với Đảng bộ và đồng bào Nam Bộ, với thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Đồng bằng Sông Cửu Long, chiến khu Đồng Tháp Mười trong kháng chiến chống Pháp, và vùng "vành đai đỏ” ở Thủ Thiêm, Hóc Môn - Bà Điểm trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có mặt trên đất Nam Bộ vào mùa thu năm 1929, trong thời gian hình thành các tổ chức cộng sản đầu tiên ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định. Cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương và nhiều chiến hữu chí cốt, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thâm nhập vào đội ngũ giai cấp công nhân và tôi luyện mình trong ngọn lửa của phong trào "vô sản hóa". Được quần chúng trong các khu lao động nghèo ở Xóm Chiếu, Khánh Hội, Thủ Thiêm hết lòng che chở, đùm bọc, đồng chí Hoàng Quốc Việt sống trong cảnh cơm niêu nước lọ. Ban ngày đi "vô sản hóa", làm công nhân khuân vác tại cảng Sài Gòn và làm thợ ở các xưởng Ba Đê, Pha-xi nhằm tuyên truyền cách mạng trong giới thợ thuyền. Ban đêm về nhà dân cùng với các đồng chí Lê Văn Lương cặm cụi viết tài liệu bí mật, in truyền đơn cách mạng.

Tháng 11/1929, lần đầu tiên các chiến sĩ cộng sản tổ chức kỷ niệm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga tại thành phố Sài Gòn. Rất nhiều truyền đơn, áp-phích, cờ đuôi nheo, băng-rôn vẽ hình búa liềm đã xuất hiện ở nhiều nơi, vùng nội và ngoại thành. Đây là kết quả của công tác tổ chức thực hiện đầy mưu trí và quả cảm của đồng chí Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương...

Cuối năm 1929, đóng vai làm công trên tàu viễn dương Săng-ti-y, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được biệt phái mang mật thư từ Sài Gòn sang Pa-ri để trao cho Đảng Cộng sản Pháp.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 2, Hà Nội tháng 02/1961

Sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo; năm 1937 đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Hạ tuần tháng 8/1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Trung ương cử vào Nam Kỳ dự cuộc Hội nghị Trung ương mở rộng tại vùng "vành đai đỏ” của thành phố Sài Gòn thuộc Tân Thới Nhất, để quyết định sự chuyển hướng chiến lược cách mạng rất quan trọng của Đảng.

Đây là chuyến đi thứ hai của đồng chí Hoàng Quốc Việt vào Nam. Hồi nhớ lại cuộc hội nghị lịch sử này, trong thiên hồi ký "Nhân dân ta rất anh hùng", đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: "Dự họp có anh Lê Hồng Phong, anh Hà Huy Tập hai mắt bị đau, anh Nguyễn Văn Cừ, chị Nguyễn Thị Minh Khai, anh Võ Văn Tần tức Già Tần rất dễ thương, người sau này lãnh đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ, giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên trên đất nước ta, anh Nguyễn Chí Diểu là đại biểu Trung Kỳ, hai lá phổi bị ruổng mà phải vươn lên, sôi sục hoạt động, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng".

Trung tuần tháng 8/1945, sau Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào, Bác Hồ đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương và Tổng bộ Việt Minh lên đường vào Nam Kỳ lần thứ ba để chỉ đạo và kiểm tra việc tiến hành Tổng khởi nghĩa.

Chuyến đi độc nhất vô nhị này của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đã để lại cho đời những trang hồi ký rực lửa chiến trường và ngập tràn cảm xúc. Nhớ lại những giây phút đầu tiên được đặt chân đến thành phố Sài Gòn vừa mới được giải phóng trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: "Vừa đúng một tuần sau khi rời Hà Nội, chúng tôi vào đến Sài Gòn. Đêm ấy cả Sài Gòn không ngủ. Chúng tôi thức với Sài Gòn trò chuyện thâu đêm. Tôi điện ra Bắc: "Hai mươi mốt tỉnh tôi đi qua đều đã giành được chính quyền, khắp lục tỉnh Nam Bộ cũng đã xong". Hà Nội trả lời: "Ngày 02/9 làm lễ tuyên bố độc lập". Tôi dự lễ mừng ngày độc lập 02/9 ở Nam Bộ, phủ trong một niềm xúc động thiêng liêng. Mấy ngày trước cờ đỏ sao vàng bay múa trong tay nhân dân. Hôm nay, cờ được trịnh trọng kéo lên cao, bay phấp phới trên đỉnh cột, dưới bầu trời xanh lồng lộng".

Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) - năm 1985

Trong những tháng cuối năm 1945 - đầu năm 1946, giữa lúc thành phố Sài Gòn đang rền vang tiếng súng kháng chiến chống Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường có mặt quanh vùng Sài Gòn. Theo hồi ký của đồng chí Phạm Văn Bạch - nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Nam Bộ, một ngày đầu tháng 10/1945, chiếc xe hơi chở các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Bạch và Phạm Ngọc Thạch trên đường từ Mỹ Tho lên Sài Gòn để thương nghị với tướng Anh Gracey và hai tên đại tá Pháp theo sự thỏa thuận giữa đôi bên. Trong lúc xe đang lao nhanh về phía trước bỗng nhiên nổ bánh, bất thình lình nhào lăn xuống ruộng, cả hai đồng chí Hoàng Quốc Việt và Phạm Văn Bạch suýt chết giữa đường.

Được tận mắt chứng kiến cảnh tượng "nóp với giáo mang ngang vai" của thành phố Sài Gòn trong những ngày đầu nổ súng kháng chiến, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xúc động kể lại như sau: "Chiến sự diễn ra ác liệt ở khu vực cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y. Chiến sĩ tự vệ công nhân lăn xã vào quân địch mà đánh. Và khi họ cắt ngón tay lấy máu viết lên dòng chữ "Quyết xã thân bảo vệ Sài Gòn" cũng là lúc nói lên thiên anh hùng ca chói lọi. Chỉ trong vài ngày, giai cấp công nhân Sài Gòn lập xong 350 đội xung phong công đoàn và đội tự vệ, gần 140 xí nghiệp và công sở, hơn 20 kho tàng, gần 20 đầu máy xe lửa, hơn 50 tàu và 200 xe ôtô của Pháp bị phá hỏng".(1)

Nhờ thiên hồi ký quý giá của đồng chí Hoàng Quốc Việt, chúng ta hôm nay và hậu thế mai sau có thể hình dung người anh hùng "ngọn đuốc sống" Lê Văn Tám được tái hiện trong trận đánh kho xăng Thị Nghè kỳ bí vào trung tuần tháng 10/1945. Đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: "Thanh niên và thiếu niên Sài Gòn chiến đấu với tinh thần "bóp nát quả cam" noi gương Trần Quốc Toản năm xưa. Hình ảnh em thiếu niên Lê Văn Tám dũng cảm đốt cháy kho xăng địch tại Thị Nghè để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Nhìn kho xăng bốc cháy, tiếng đạn nổ, khói lửa mịt mùng ai cũng tự hào về sức sống mãnh liệt của một em thiếu niên nghèo khổ Sài Gòn".(2)

Nhân dịp Tết nguyên đán Đinh Mùi (1967), đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân dân khu Vĩnh Linh

Trải qua 150 ngày kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi với đồng chí và đồng bào Nam Bộ trong khói lửa chiến trường, được lệnh của Bác Hồ, ngày 27/01/1946 đồng chí Hoàng Quốc Việt ngồi trên lưng voi xuyên rừng miền Đông Nam Bộ để lên đường ra Thủ đô Hà Nội, kết thúc con đường thiên lý không thể nào quên của cuộc đời mình với 3 lần "Nam chinh Bắc chiến".

"Uống nước nhớ nguồn". Trong 20 năm tập kết ra miền Bắc, có thời gian tôi vinh dự được đồng chí Hoàng Quốc Việt chọn làm một trong những người cộng sự gần gũi của đồng chí. Đối với tôi, đồng chí Hoàng Quốc Việt mãi mãi là mạch nước đầu nguồn, là một công thần "khai quốc", là người thầy cách mạng, là bậc ân nhân.

----------------------------------------------

(1), (2) Hoàng Quốc Việt: "Con đường theo Bác" (hồi ký), Nxb. Thanh niên, HN, 2003.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - một chiến sĩ Cộng sản kiên cường
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang