(CATP) Trong dòng chảy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Phật giáo không chỉ là ánh sáng soi đường tâm linh, mà còn là những mất mát, hy sinh trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do. Từ thời nhà Lý dựng nghiệp đến những năm tháng oanh liệt của thế kỷ XX, lớp lớp tăng ni đã cởi áo cà sa, khoác lên mình chiếc áo nghĩa binh, hòa vào dòng thác Cách mạng. Trong số ấy, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt là một hình tượng tiêu biểu, kết tinh giữa tinh thần nhập thế của đạo Phật và lòng yêu nước cháy bỏng của người con đất Việt.
Gieo hạt giống Bồ Đề trên đất Tân An
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, thế danh Lý Duy Kim, sinh ngày 19 tháng 12 năm 1907 tại xã Tân An, tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Sinh trưởng trong gia đình trung nông có truyền thống yêu nước và kính tín Tam bảo, ngay từ thuở thiếu thời, ngài đã sớm bộc lộ chí hướng tìm đạo, khát vọng vượt thoát những ràng buộc thế tục.
Năm 1919, mới 13 tuổi ngài đã đến chùa Thiên Thai (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) xin xuất gia và được thọ giáo với Tổ Huệ Đăng - bậc cao tăng vừa uyên bác kinh điển vừa là nhà Nho yêu nước. Gần gũi bên Tổ sư, ngài có cơ duyên chứng kiến những buổi đàm đạo giữa thầy Huệ Đăng và cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hạt mầm yêu nước và lý tưởng Cách mạng cũng bắt đầu được gieo vào tâm hồn của vị tăng trẻ.
Năm 1938, với tâm nguyện "tu không lìa đời, đạo không bỏ dân", ngài xin phép Bổn sư để vân du khắp Nam Kỳ lục tỉnh và đặt chân đến nhiều ngôi chùa nổi tiếng như Phật Bổn (Cần Thơ), Bửu Long (Mỹ Tho), Long An (Sài Gòn), Vĩnh Tràng (Tiền Giang)... Không chỉ giảng pháp, ngài còn sống cùng dân để chia sẻ nỗi đau mất nước, đói nghèo và khổ lụy.
Khi Phong trào chấn hưng Phật giáo bùng nổ vào đầu thế kỷ XX, ngài là một trong những ngọn cờ tiên phong mang đạo vào đời, đưa tinh thần từ bi và giải thoát hòa quyện cùng tinh thần tự lực, khai sáng dân trí. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra năm 1940 trở thành hồi chuông thức tỉnh quyết liệt. Cái chết, sự tù đày của các tăng sĩ yêu nước như Hòa thượng Trí Thiên đã thôi thúc Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chuyển lòng yêu nước từ nhận thức sang hành động.
Từ bí danh "Tam Không" đến lãnh đạo Phong trào Phật giáo cứu quốc
Năm 1945, sau thành công của Cách mạng tháng Tám, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt bắt đầu hoạt động công khai trong phong trào kháng chiến với bí danh "Tam Không". Là một trong những người sáng lập và dẫn dắt Hội Phật giáo Cứu quốc ở các tỉnh Nam Bộ, hòa thượng không chỉ giảng giải chính sách của Việt minh mà còn vận động các chùa chiền trở thành cơ sở bí mật che giấu cán bộ, cất giấu tài liệu, cứu chữa thương binh.
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt lần lượt đảm nhiệm các vai trò: Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Mỹ Tho, Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Sài Gòn - Gia Định, Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Ủy viên Mặt trận Việt minh tỉnh Mỹ Tho, Sài Gòn - Gia Định và Kỳ bộ Nam Bộ.
Chùa không còn là nơi chỉ tụng kinh gõ mõ, mà trở thành pháo đài của lòng dân. Cũng từ đây, hình ảnh "vị sư kháng chiến" đã khắc sâu trong lòng Nhân dân miền Nam.
Kiên trung trong ngục tù
Thời kỳ hậu 1954, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa các tổ chức công khai như Hội Cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn, Phong trào bảo vệ hòa bình... nhưng đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt. Năm 1960, bị phát hiện là lãnh đạo nòng cốt của Phong trào Phật giáo yêu nước, hòa thượng bị địch bắt và đày ra Côn Đảo với mức án 20 năm khổ sai. Suốt 17 năm bị giam cầm, ngài vẫn giữ vững khí tiết, không một lần khuất phục, trở thành biểu tượng bất khuất trong giới tu sĩ.
Sau Hiệp định Paris 1973, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được trả tự do và nhanh chóng bắt nhịp lại với phong trào kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ngài tích cực vận động các giới đồng bào, tăng ni ở vùng tạm chiếm phản đối sự vi phạm hiệp định của Mỹ - Diệm, chuẩn bị lực lượng cho ngày tổng khởi nghĩa.

Chùa Thiên Thai (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi Hòa thượng Thích Minh Nguyệt xin xuất gia tu học cùng Tổ Huệ Đăng
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt trở lại Sài Gòn, tiếp tục công tác vận động Phật giáo yêu nước. Với uy tín sâu rộng, ngài được tín nhiệm giữ các trọng trách: Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Ngài còn là người sáng lập và làm Chủ nhiệm Báo Giác ngộ, tiếng nói chính thức của Phật giáo phía Nam sau ngày giải phóng, tạo nhịp cầu nối giữa đạo và đời trong công cuộc xây dựng đất nước.
Hội nhập quốc tế và công cuộc thống nhất Phật giáo
Là người có tầm nhìn quốc tế, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã nhiều lần dẫn đầu các đoàn đại biểu Phật giáo tham dự các hội nghị tôn giáo thế giới tại Moscow (Nga), Ulan Bator (Mông Cổ)... Tư tưởng cởi mở, yêu hòa bình và khát vọng thống nhất Phật giáo ba miền sau chiến tranh đã thôi thúc ngài nhận trọng trách Phó ban Vận động thống nhất, Trưởng ban Thông tin chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 1981.
Tại đại hội, ngài được suy tôn làm Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam - vị trí cao nhất của hệ thống Giáo hội Phật giáo, khẳng định niềm tin trọn vẹn của tăng ni cả nước dành cho vị trưởng lão khả kính.
Di sản để lại cho mai sau
Ngày 18 tháng 01 năm 1985, sau một đời phụng sự đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt viên tịch tại Tổ đình Cổ Lễ, thọ 77 tuổi, để lại 56 mùa an cư trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Lễ tang được tổ chức theo nghi thức cấp Nhà nước, Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận ban tháp hiệu là An Lạc Tháp, thụy hiệu là Tế Mỹ, như một cách công nhận cuộc đời của Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chính là hiện thân của sự hòa giải, an lạc và nhân nghĩa.
Không chỉ là một nhà sư yêu nước, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt còn là nhà tổ chức, nhà tư tưởng, ngọn đèn tuệ soi sáng cho Phật giáo Việt Nam giai đoạn hiện đại. Cuộc đời của ngài là minh chứng sống động cho câu nói của Hòa thượng Thích Trí Thủ: "Trong trái tim của người phật tử Việt Nam chân chính sùng kính đạo Phật đều chan chứa tình cảm yêu nước nồng nàn".
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt là kết tinh của ba giá trị: trí tuệ của nhà tu hành, khí phách của người chiến sĩ và tâm nguyện của bậc đại thừa phụng sự dân tộc. Ngài đã vượt qua mọi giới hạn của giáo môn, hòa mình vào máu thịt dân tộc, biến ngôi chùa thành pháo đài kháng chiến, biến lời kinh tiếng kệ thành khí phách bất khuất giữa ngục tù, biến ý chí giải thoát thành hành động giải phóng con người khỏi áp bức và nô lệ.
Dù ngài không còn tại thế nhưng ánh Minh Nguyệt vẫn còn chiếu sáng mãi giữa lòng dân. Và trong những trang sử vàng Phật giáo Việt Nam, tên của ngài sẽ được khắc ghi như một bậc cao tăng liệt sĩ - người con vĩ đại của đạo pháp và dân tộc.
(CATP) Đầu thế kỷ XX, giữa lúc đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, khi đạo pháp bị lung lay bởi cơn sóng thực dân, có một bậc cao tăng đã không ngần ngại dấn thân, lấy chí nguyện xuất trần để cứu đời, lấy đạo để hộ quốc an dân. Người ấy chính là Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh - Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, một biểu tượng sinh động cho tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Đại đức Thích Minh Hải - Trần Ngọc Thoan