Người tu sĩ trong khói lửa chiến tranh
Tuổi thơ của ngài là những ngày rong chơi giữa bãi mía vườn ngô, nhưng trong tâm khảm đã sớm nhen lên ngọn lửa từ bi khi thường theo cha mẹ lên chùa lễ Phật. Năm 13 tuổi, với túc duyên sâu dày, cậu bé Hoàng Đăng Sam chính thức xuất gia tại chùa Đông Bình, thọ giáo Sư tổ Thích Thanh Hán - bậc cao tăng có công lớn trong việc gìn giữ Dòng thiền Lâm Tế tại đất Kinh Bắc. Tuổi thiếu niên của ngài là những năm tháng miệt mài tụng kinh, học đạo, nếm trải hạnh đầu đà, chấp lao phục dịch, lấy tinh tấn làm kim chỉ nam.
Chẳng bao lâu sau, với đạo hạnh sớm nở, ngài được thầy cho thụ giới Sa di tại chùa Phúc Long (Quế Võ), sau đó cầu giới Cụ túc tại Tổ đình Nhị Châu (Hải Dương), chính thức bước vào hàng Tỳ kheo với giới thể trọn vẹn. Từ đó, đạo nghiệp của ngài không ngừng phát triển.

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam (1929 - 2018)
Người đời thường tôn kính các bậc chân tu như bóng cây che mát trần gian, nhưng ít ai biết Hòa thượng Thích Thanh Sam trước khi trở thành bậc cao tăng đã từng là một chiến sĩ Cách mạng. Từ thuở niên thiếu, ngài đã hòa mình vào dòng chảy Cách mạng cuồn cuộn của dân tộc.
Năm 1945, cùng với Thầy tổ và tăng chúng địa phương, ngài rời chùa Đông Bình, tìm đến chùa Mỹ Lộc (Cao Đức) để vừa tu học vừa hoạt động Cách mạng. Ngài tham gia Ban Thuế nông nghiệp xã, trở thành liên lạc viên cho Hội Phật giáo Cứu quốc Gia Bình. Dưới bóng chùa, ngài nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, vận động quần chúng, biến cửa thiền thành chiến lũy âm thầm nhưng kiên cường của kháng chiến.
Năm 1952, ngài bị giặc Pháp bắt giam 3 tháng. Trong lao tù, Hòa thượng Thích Thanh Sam chỉ nhất tâm niệm Phật, giữ vững lập trường, kẻ thù không thể khuất phục. Sau khi được trả tự do, ngài tiếp tục tham gia Phong trào Bình dân học vụ, xóa mù chữ cho bà con nông dân, làm Tổ trưởng Tổ đổi công, nằm trong Ban quản trị Hợp tác xã và đặc biệt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1962 - minh chứng cho sự hòa quyện giữa đạo và đời trong lý tưởng phụng sự.
Gánh vác Phật sự, dựng xây giáo hội
Không chỉ là người con ưu tú của dân tộc, ngài còn là trụ cột bền vững của Phật giáo Bắc Ninh và toàn quốc. Khi Hội Phật giáo Thống nhất miền Bắc ra đời (1958), ngài được bầu làm Ủy viên Trị sự kiêm Phó Thư ký Chi hội Phật giáo Bắc Ninh, lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong Phật giáo tỉnh Hà Bắc suốt nhiều thập niên.
Sau ngày đất nước thống nhất, Hòa thượng Thích Thanh Sam tiếp tục tu học Phật pháp tại các chùa Quảng Bá, Quán Sứ dưới sự chỉ dạy của các bậc tôn túc như Hòa thượng Thích Trí Độ, Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Với nền tảng tu học vững chắc, năm 1975 ngài về trụ trì Tổ đình Đại Thành - nơi mà từ đó, ngài cống hiến gần nửa thế kỷ dựng xây, phát triển và giữ gìn ngôi già lam uy nghiêm, là trụ sở chính của Phật giáo Bắc Ninh.
Khi tỉnh Hà Bắc chia tách, ngài được suy cử làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh, tấn phong giáo phẩm hòa thượng và liên tục giữ nhiều trọng trách tại Hội đồng Trị sự, Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Từ nhiệm kỳ V đến VIII, ngài lần lượt giữ các vị trí: Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh và cuối cùng là Phó Pháp chủ GHPGVN - bậc tôn túc cao niên, là tấm gương về đức độ, khiêm cung và phụng hiến.
Cây đại thụ của Tăng đoàn Kinh Bắc
Với cương vị Trưởng ban Trị sự tỉnh Bắc Ninh, ngài chủ trương đào tạo thế hệ tăng ni trẻ vững vàng về Phật học và thế học. Ngài khởi xướng việc mở Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bắc Ninh, sát sao trong công tác giới đàn, hành lễ, trùng tu chùa chiền và xây dựng Tổ đình Đại Thành trở thành trung tâm Phật giáo tiêu biểu của miền Bắc.
Suốt từ năm 1980 đến khi viên tịch, ngài được thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Tôn chứng sư cho hàng trăm giới đàn tại Hà Bắc, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh... Nhiều đệ tử của ngài đã trưởng thành, giữ những vị trí quan trọng trong Giáo hội, tiếp nối mạng mạch Phật pháp nơi vùng đất Kinh Bắc linh thiêng.
Ngài còn là biểu tượng của tinh thần "hòa quang đồng trần", sống khiêm nhường, nghiêm trì giới luật, tự lao động sản xuất nuôi thân và kiến tạo cảnh chùa. Một bậc cao tăng nhưng vẫn hàng ngày làm vườn, làm ruộng như cư sĩ mộc mạc - chính phong cách ấy đã chạm đến trái tim bao lớp phật tử.
Trọn đời phụng sự đạo pháp nhưng Hòa thượng Thích Thanh Sam không bao giờ xa rời dân tộc. Ngài từng là Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh liên tiếp 5 khóa, là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Trung ương. Tấm gương "sống tốt đời, đẹp đạo" của ngài được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều Bằng khen của Giáo hội và chính quyền.
Ngoài ra, ngài còn đại diện GHPGVN tham dự các sự kiện quốc tế, như Hội nghị Phật giáo Châu Á vì hòa bình tại Liên Xô (cũ) và Mông Cổ, qua đó góp phần khẳng định vị thế Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổ đình Đại Thành (Bắc Ninh), nơi cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam trụ trì
Ánh sáng bất diệt nơi miền Kinh Bắc
Những năm cuối đời, sức khỏe suy yếu nhưng Hòa thượng Thích Thanh Sam vẫn miệt mài lo Phật sự, động viên tăng ni tu học, sắp xếp công việc tại Tổ đình Đại Thành chu toàn. Ngài thường căn dặn đệ tử: "Tu là để phụng sự, không phải thọ hưởng", "Làm việc đời hay việc đạo phải giữ lòng thanh tịnh". Lời dạy ấy trong sáng như mặt nước mùa thu, tỏa khắp cả vùng châu thổ sông Cầu.
Ngày 12 tháng 3 năm 2018, Hòa thượng Thích Thanh Sam an nhiên thị tịch, thâu thần viên tịch sau 90 năm trụ thế, 69 hạ lạp, gần 80 năm sống trọn vẹn trong cửa thiền, một kiếp tu hành viên mãn để lại niềm tiếc thương vô hạn cho môn đồ pháp quyến và hàng triệu phật tử Việt Nam.
Từ đất mẹ Đông Bình, ngài bước ra với đôi chân trần cùng tâm nguyện duy nhất: Phụng sự đạo pháp và quê hương. Trải qua hai cuộc kháng chiến, bao đổi thay lịch sử, ngài vẫn giữ vững chí nguyện, dẫu nghèo khó vẫn tự tại, dẫu gian lao vẫn an nhẫn. Từ một chú tiểu trong chùa, ngài vươn lên trở thành biểu tượng đạo hạnh, là "ngọn đuốc soi đường" của Phật giáo đương đại.
Người dân Bắc Ninh vẫn kể nhau nghe về ngài như một vị thánh sống, tăng ni hậu thế nhắc đến ngài với lòng tôn kính vô biên. Và chúng ta, những người cầm bút hôm nay, chỉ có thể cúi đầu ngưỡng vọng trước một cuộc đời đã hiến dâng tất cả cho Đạo, cho Đời, cho Dân tộc.
(CATP) Lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca của những con người bất khuất, mang trong mình khát vọng tự do, độc lập. Trong đó, những vị cao tăng Phật giáo đã âm thầm góp ngọn lửa của tâm linh hòa vào dòng thác Cách mạng và Hòa thượng Thích Bửu Đăng chính là một trong số đó. Là vị thiền sư hiền hòa, nghiêm mật giới luật, nhưng khi đất nước lâm nguy đã trở thành người chiến sĩ giữa đời thường, đem cả cuộc đời phụng sự đạo pháp và dân tộc, để lại dấu ấn bất diệt trong lòng Nhân dân và lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Đại đức Thích Minh Hải - Trần Ngọc Thoan