Ngài sinh ra để phụng sự đạo pháp. Ngài sống như một đóa sen giữa bùn nhơ mà không nhiễm mùi trần. Và Ngài ra đi trong sự tôn kính ngưỡng vọng của muôn ngàn tăng ni, phật tử, để lại một di sản tinh thần bất diệt.
Chí nguyện xuất trần
Thế danh Võ Minh Thông, sau đổi thành Võ Bửu Đạt, Hòa thượng Thích Đạt Thanh sinh năm 1877 tại làng Tân Thới Thượng, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Hóc Môn, TPHCM) trong một gia đình Nho học kính tin Tam bảo. Cụ ông Võ Tự Kiểng và cụ bà Hà Thị Tông đều là những phật tử thuần thành; sau này, thân mẫu của ngài còn xuất gia, pháp danh Như Tông, pháp tự Diệu Nho.
Được nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống đạo học và tín ngưỡng sâu sắc, cậu bé Minh Thông từ nhỏ đã có tâm hướng thiện, siêng lễ chùa, học hạnh từ bi. 12 tuổi, trong một lần theo cha mẹ đến chùa Linh Nguyên (tỉnh Long An) lễ Phật và dự trai đàn kỳ siêu bạt độ, hình ảnh trang nghiêm thanh tịnh của pháp hội đã khơi dậy nơi cậu khát vọng lớn: cống hiến đời mình cho đạo pháp.
Rèn đức lập thân và hành đạo
Năm 1888, được cha mẹ cho phép, ngài xuất gia tại chùa Linh Nguyên, thờ Tổ Minh Phương - Chơn Hương làm bổn sư. Tổ sư đặt pháp danh cho ngài là Như Thông, pháp tự Bửu Đạt.

Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh (1877-1973)
Suốt 6 năm, ngài tinh cần tu học, nắm vững nghi lễ thiền môn, thông suốt kinh luật, luôn được bạn đạo kính nể bởi hạnh nghiêm trì và lòng từ mẫn. Nhận thấy ngài có túc căn và tư chất xuất chúng, Tổ Minh Phương đưa về Tổ đình Giác Lâm - một trung tâm giáo dục Phật giáo nổi tiếng tại Sài Gòn bấy giờ. Tại đây, ngài theo học Trường Gia giáo và liên tục đạt hạng ưu nhiều năm liền. Năm 1896, ngài thọ Cụ túc giới với sự truyền trao của Tổ Minh Vi - Mật Hạnh.
Sau khi thân phụ viên tịch vào năm 1908, ngài trở về cư tang tại am Long Quang; sau đó quay lại Giác Lâm tiếp tục con đường tu học. Lúc này, các nghi lễ đạo tràng ứng phú rất phát triển, ngài xin đến chùa Giác Viên học thêm nghi tiết và sớm trở thành một danh tăng nổi bật của Phật giáo miền Nam.
Năm 1919, Tổ Minh Phương viên tịch, Hòa thượng Thích Đạt Thanh được tông môn cung cử kế vị trụ trì Tổ đình Linh Nguyên. Tuy nhiên, đến năm 1920 ngài nhường lại chức vụ này cho sư đệ Như Đạt - Thiên Cang, lui về trùng tu Thảo am Long Quang thành ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh.
Từ đây, chùa Long Quang trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Năm 1922, Hòa thượng Thích Đạt Thanh cùng huynh đệ trong tông môn tổ chức Trường Hương tại chùa Phước Tường. Năm 1933, ngài khai đàn truyền giới ở chùa Giác Viên, sáng lập Trường Hương Ni đầu tiên tại miền Nam, góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của hệ thống Ni bộ sau này.
Nhập thế, phụng sự đạo pháp và dân tộc
Không chỉ là bậc chân tu, Hòa thượng Thích Đạt Thanh còn là người yêu nước. Khi về lại Hóc Môn, ngài tham gia Tổ chức Thiên Địa Hội - hội kín chống thực dân Pháp. Cùng các ông Huỳnh Văn Sắc, Huỳnh Văn Năng và các tăng sĩ tại Hóc Môn, Đức Hòa (Long An), Chợ Lớn, ngài xây dựng mạng lưới hoạt động bí mật, biến chùa chiền thành nơi truyền bá tinh thần yêu nước.
Cuối năm 1941, Hòa thượng Thích Đạt Thanh bị mật thám Pháp bắt, đày ra Côn Đảo. Gần 4 năm sống trong cảnh lao tù khổ sai, ngài vẫn giữ phong thái thiền môn: ăn cơm với muối, mặc áo nâu sồng. Không khuất phục trước bạo lực, ngài bí mật cùng các bạn tù tổ chức vượt ngục bằng bè gỗ. Trên biển cả, ngài được ngư dân Lê Trung Cận cứu giúp và đưa về Rạch Giá. Từ đó, ngài sống ẩn danh, vân du các tỉnh miền Tây, hoằng pháp và truyền dạy tinh thần yêu nước.

Chùa Chưởng Thánh (Nhà Bè - TPHCM), nơi Hòa thượng Thích Đạt Thanh trụ trì khi còn tại thế
Dẫn dắt phong trào thống nhất Phật giáo
Năm 1949, ông Trần Phú Hữu mến mộ đức hạnh đã thỉnh Hòa thượng Thích Đạt Thanh về trụ trì chùa Giác Ngộ. Tại đây, ngài tổ chức kỳ giới đàn lớn vào năm 1950, trở thành Đàn đầu Hòa thượng. Năm 1951, tại Huế, ngài cùng Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Mật Ứng ký vào Tờ hiệu triệu thống nhất Phật giáo ba miền.
Tháng 6/1951, Hòa thượng Thích Đạt Thanh được suy tôn làm Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt tại đại hội tổ chức ở chùa Hưng Long, Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên Phật giáo miền Nam có tổ chức lãnh đạo thống nhất, trụ sở Giáo hội đặt tại chùa Ấn Quang. Ngài đã cùng Hòa thượng Minh Trực sang Campuchia thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh.
Ba năm sau, ngài xin thoái vị vì tuổi cao, giao chức vụ lại cho Hòa thượng Huệ Quang và lui về chùa Long Quang tịnh dưỡng, đảm nhận vai trò Chứng minh Đạo sư.
Dưỡng đạo - Trùng hưng Tam bảo
Sau Hiệp định Genève, Pháp rút khỏi Nam Bộ, chùa Long Quang được trùng tu dưới sự điều hành của Hòa thượng Thích Đạt Thanh, đến năm 1956 thì hoàn tất. Năm 1957, ngài khai đại giới đàn tại Tổ đình Linh Nguyên. Từ đó đến năm 1971, ngài liên tục được cung thỉnh chứng minh hoặc làm Đàn đầu Hòa thượng tại các giới đàn lớn: Giác Lâm, Giác Viên, Long Thiền...
Năm 1968, do chiến tranh ác liệt, ngài buộc phải rời Long Quang tự đi lánh nạn. Cũng năm này, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời, ngài được thỉnh làm Chứng minh tối cao.
Sinh thời, Hòa thượng Thích Đạt Thanh dịch thuật và sáng tác nhiều kinh sách, đáng tiếc phần lớn bị thất lạc. Tại chùa Long Quang còn lưu bản thảo Kim Vân Kiều tân truyện do ngài cải biên theo tinh thần Phật giáo. Hòa thượng có nhiều đệ tử và pháp tôn danh tiếng như Hòa thượng Thích Huệ Thành, Thích Trí Đức, Thích Thiện Hào, Hồng Từ Minh Thành, Sư trưởng Như Thanh, Ni trưởng Diệu Tịnh... Các vị này là rường cột của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này.
Một đời viên mãn - Ánh đạo còn soi
Mùng 1 Tết Quý Sửu (1973), sau khi lễ Phật và căn dặn thị giả, Hòa thượng Thích Đạt Thanh nhập thất tịnh dưỡng. Đến ngày 12 tháng Giêng, các đệ tử tụ hội đầy đủ, ngài ngồi tựa lưng vào bàn thờ Tổ, giảng về vô thường và căn dặn không bi ai thống khổ. Ngài yêu cầu mọi người lên chánh điện nhập Từ bi quán. Đúng 16 giờ, tiếng trống Bát nhã vang lên, ngài an nhiên thị tịch, thọ 97 tuổi, 77 hạ lạp.
Kim quan được quàn tại chùa Long Quang 5 ngày, sau đó di quan về Trường Thạnh, nhập tháp tại chùa Long Quang; hàng nghìn phật tử, tăng ni các nơi quy tụ về hộ niệm. Một đời đại sĩ đã viên thành hạnh nguyện.
Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh không chỉ là bậc chân tu, mà là bậc cao tăng thạc đức, người đã kết nối quá khứ với hiện tại, đưa Phật giáo Việt Nam vững vàng qua những biến thiên thời cuộc. Ngài sống trong lòng người, sống trong giáo lý và trong từng tiếng chuông mõ vang lên giữa lòng Tổ quốc. Từ Long Quang tự - nơi ngài nhập tháp, ánh sáng của ngài vẫn soi chiếu đạo pháp và dân tộc.
(CATP) Trong khung cảnh đồng quê trầm mặc của thôn Đông Bình, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - nơi đất phúc sinh hiền, vào năm 1929 cậu bé Hoàng Đăng Sam (tên thường gọi là Soang) đã cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nông dân nghèo. Ít ai ngờ cậu bé ấy sau này đã trở thành một trong những bậc long tượng Phật giáo Việt Nam hiện đại - Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam, bậc Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), biểu tượng của lòng kiên trung, đức hạnh và phụng sự.
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Đại đức Thích Minh Hải - Trần Ngọc Thoan