(CAO) Sáng 24-12-2016, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang ra văn bản chính thức số cá thể bị chết và tình hình hoạt động tại vườn thú Safari gây hoang dư luận trong thời gian vừa qua.
Tính đến thời điểm này, vườn thú Safari chỉ có 108 cá thể bị chết và 135 cá thể khỉ đuôi dài nhỏ sổng chuồng. Đây là kết quả của Chi cục kiểm lâm tỉnh Kiên Giang phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – công an tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tại vườn thú Safari vào ngày 23-2-2016.
Theo đó, hiện có 104 loài động vật (bao gồm thú, chim, bò sát) đang được 232 cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong đó, có 56 loài nhập khẩu (25 loài được cơ quan quản lý CITES cấp phép) và 48 loài có nguồn gốc trong nước (15 loài thuộc diện quản lý theo Nghị định 32/NĐ-CP và Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ) tại vườn thú.
Hồng hạc sinh sống tại vườn nhân tạo
Sư tử trắng nuôi trong chuồng nhốt
Trong vườn thú hiện có 14 cá thể tê giác có nguồn gốc hợp tác với Vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) để trưng bày và hiện công ty đang làm thủ tục xin nhập tê giác ở nước ngoài theo quy định pháp luật. Tính đến hết ngày 19-2, vườn thú còn 2.004 cá thể, trong đó có 12 cá thể tăng do sinh sản.
Hiện tại, vườn thú có 135 cá thể khỉ đuôi dài nhỏ sổng chuồng (do thiết kế chuồng là khỉ lớn nên khỉ nhỏ chạy vào rừng) và 108 cá thể nhập ngoại bị chết (do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển, một số cá thể bị giảm sút sức khỏe, chưa thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu). Trong số cá thể nhập ngoại tử vong không có loài động vật quý hiếm như: sư tử, hổ, báo, tê giác.
Hổ Bengal, báo Hoa Mai quý hiếm
Ngoài ra, thông tin về các nhân viên tháo chạy khỏi vườn thú do hoảng sợ khi thấy quá nhiều thú chết như một số báo mạng trong nước và ngoài nước là chưa đúng. Trao đổi với ông Thirurugan Rajarathanam – Trưởng Bệnh viện thú y Safari, chúng tôi được biết chỉ có hai nhân viên nước ngoài (Anh và Úc) kết thúc hợp đồng vào tháng 1-2016 nên đã về nước.
Đồng thời, qua kiểm tra vườn thú, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định Ban giám đốc vườn thú đã thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng động vật đúng quy định pháp luật, cũng như các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật, chuồng trại được thiết kế đảm bảo an toàn, phù hợp cho đặc tính sinh học từng loài động vật, quy trình chăm sóc sức khỏe động vật được giám sát bởi đội ngũ chuyên gia là các bác sĩ thú y có nhiều kinh nghiệm.
Tê giác, ngựa vằn, hươu cao cổ trong khu bán hoang dã
Hiện tại, vườn thú vẫn là điểm tham quan lý tưởng của du khách mỗi khi đến Hòn ngọc Viễn Đông này. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù không phải là “mùa du lịch”, thế nhưng vườn thú vẫn thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày.