Sinh viên ngỡ ngàng vì 'học một đằng, trường cấp bằng một nẻo'

Thứ Ba, 23/02/2016 16:57

|

(CAO) Nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản trị bệnh viện vào cuối năm 2015 tại Đại học Hùng Vương TP.HCM đã hết sức ngạc nhiên khi trên văn bằng được cấp lại ghi là “bằng cử nhân quản trị kinh doanh”.

Học quản trị bệnh viện, cấp bằng quản trị kinh doanh

Chị P.T.K.Y. (30 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) cho biết, sau khi tốt nghiệp thư ký y khoa Trường Đại học Hoa Sen cách đây 8 năm, chị vào làm việc tại một bệnh viện chuyên khoa lớn tại thành phố.

Với mục đích nâng cao trình độ để công tác tốt hơn tại bệnh viện, năm 2010, chị đăng ký thi vào chuyên ngành quản trị bệnh viện thuộc khối D1 (Toán, Văn, Anh), hình thức đào tạo vừa học vừa làm của Đại học Hùng Vương TP.HCM và trúng tuyển.

Sau 5 năm học tập, ngày 14-11-2015, chị Y. tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, khi nhận bằng, chị và bạn bè đồng khóa vô cùng hoang mang khi văn bằng do Trường Đại học Hùng Vương cấp lại ghi tốt nghiệp “cử nhân quản trị kinh doanh”.

Bằng cử nhân quản trị kinh doanh được cấp cho chị Y. là người học chuyên ngành quản trị bệnh viện. Ảnh: Quốc Ngọc

“Tôi đã đến phòng đào tạo liên hệ, thì được hướng dẫn gặp cô hiệu trưởng để được giải đáp khiếu nại. Nhưng đến hẹn, tôi chỉ gặp được cô thư ký tên Thảo và lại được hẹn. Khoảng 3 tuần sau đó, trường yêu cầu mang 1 tấm hình 3x4 đến phòng đào tạo để xin cấp thêm một giấy chứng nhận tốt nghiệp chuyên ngành quản trị bệnh viện”, chị Y. bức xúc.

Chị Y. đặt ra nhiều thắc mắc, chị đăng ký học chuyên ngành quản trị bệnh viện chứ không phải quản trị kinh doanh. Khi có thắc mắc khiếu nại, nhà trường mới hướng dẫn làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp chuyên ngành quản trị bệnh viện, tại sao trường không chủ động cấp cho sinh viên? Giấy chứng nhận này sẽ có giá trị như thế nào?

Ngoài ra, hiện chị Y. đang là công chức tại bệnh viện của thành phố. Theo chị, khi nộp bằng tốt nghiệp về bệnh viện, phòng tổ chức cán bộ bệnh viện đã không chấp nhận nâng bậc lương vì cho rằng không đúng chuyên ngành học tập nâng cao. Tức nếu từ thư ký y khoa lên quản trị bệnh viện thì bệnh viện chấp nhận, chứ không chấp nhận bằng quản trị kinh doanh. “Ai là người chịu trách nhiệm cho những việc này, cho thời gian, công sức, thành quả học tập của tôi?”, chị Y. nói.

Văn phòng Bộ: “mới nghe lần đầu”!

Trao đổi với báo chí, ông Hà Hữu Phúc, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM, đề nghị chị Y. cũng như những người khác nếu có thắc mắc, khiếu nại tương tự nên gửi đơn đến cơ quan đại diện bộ.

“Tôi sẽ mời đại diện nhà trường, người khiếu nại và cả báo chí đến làm việc một lần để giải quyết các vấn đề vướng mắc”, ông Phúc nói.

Giấy chứng nhận do Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM để “chữa cháy” quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Quốc Ngọc

Khi chúng tôi hỏi việc “học một đằng, cấp bằng một nẻo” như trường hợp chị Y. có đúng quy định hay không, ông Phúc lắc đầu quả quyết: “Tôi chưa bao giờ nghe trường hợp nào mà học quản trị bệnh viện lại được cấp bằng quản trị kinh doanh cả”.

Trong khi đó, trả lời báo chí, đại diện Đại học Hùng Vương TP.HCM giải thích rằng, trường đã tuyển sinh chuyên ngành quản trị bệnh viện từ năm 1996. Lúc bấy giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cấp mã ngành cho quản trị bệnh viện, nên nhà trường phải đặt chuyên ngành này trực thuộc ngành quản trị kinh doanh.

Đồng thời, theo quy định của bộ, trên văn bằng chỉ được ghi tốt nghiệp theo ngành, tức trường hợp chị Y. phải ghi “cử nhân quản trị kinh doanh”, chứ không được ghi theo chuyên ngành là quản trị bệnh viện. Do đó, tất cả bằng tốt nghiệp chuyên ngành quản trị bệnh viện các khóa từ năm 2010 trở về trước đều phải theo quy định này.

Chỉ đến năm 2011 trở đi, áp dụng Thông tư 14, chuyên ngành quản trị bệnh viện mới có mã ngành và mang tên mới là ngành quản lý bệnh viện. Các sinh viên trúng tuyển từ khóa này mới được ghi trên bằng là cử nhân quản lý bệnh viện.

Giải thích vì sao khi có khiếu nại, nhà trường mới hướng dẫn làm thủ tục cấp thêm giấy chứng nhận, đại diện trường cho rằng nhiều người được cấp bằng cử nhân quản trị kinh doanh tương tự như chị Y. đều được các bệnh viện chấp nhận.

“Đơn vị nơi làm việc của anh chị nào có yêu cầu, chúng tôi sẽ xác nhận ngay”, người đại diện nói.

Chúng tôi đặt vấn đề khi tuyển sinh đầu vào các khóa 2010 trở về trước, nhà trường có nói rõ cho sinh viên biết “khúc mắc” này khi tốt nghiệp không? Đại diện trường cười cho biết có ai thắc mắc thì mới cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang