Tiến hành kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011- 2017 tại 63 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện nhiều nơi đất sau cổ phần hoá không được đưa vào sử dụng, để hoang hoá, tranh chấp, lấn chiếm.
Chuyển nhượng đất dự án sai quy định
Khẳng định cơ bản các doanh nghiệp (DN) đã chấp hành phương án sử dụng đất (PASDĐ) sau khi CPH song KTNN chỉ ra việc quản lý đất đai nhiều nơi chưa chặt chẽ, không đúng so với PASDĐ được duyệt khi CPH.
DN sử dụng đất không đúng mục đích theo quyết định giao đất, cho thuê đất, hợp đồng thuê đất; quản lý sử dụng đất không có trong PASDĐ được phê duyệt; cho thuê, sử dụng đất công cộng được giao quản lý không đúng, chưa phù hợp với quy định của Luật đất đai… Tình trạng bàn giao đất cho DN khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép không đúng quy định cũng xảy ra.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy tại nhiều địa phương có tình trạng đất sau CPH không hoặc chậm đưa vào sử dụng; thiếu quản lý dẫn đến hoang hóa, tranh chấp, lấn chiếm. Việc không quản lý được do vướng mắc trước CPH chưa được xử lý; không bàn giao đất bị thu hồi khi hết thời hạn sử dụng đất; chưa lập PASDĐ hoặc bàn giao về địa phương quản lý diễn ra ở nhiều nơi.
Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây ra nhiều lùm xùm, trong đó có khu đất "vàng" số 4 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, một số DN không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc không phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh nhưng chưa rà soát để đề nghị trả lại đất. Có trường hợp đã đề nghị trả lại đất nhưng chưa được thu hồi; thu hồi không kịp thời, chưa thu hồi đất của DN song đã giao đất cho dân.
Việc bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với trường hợp nhà đất thuộc tài sản nhà nước không qua đấu giá trong khi không đủ điều kiện, thủ tục bán chỉ định cũng là tồn tại được KTNN đề cập đến. Thực trạng này, theo KTNN, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao thất thoát NSNN.
Cơ quan này cũng chỉ ra tình trạng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án sau khi được giao đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án không theo quy định;chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện và đơn giá chuyển nhượng thấp hơn đơn giá của UBND tỉnh tại thời điểm chuyển nhượng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá trị tiền sử dụng đất khi định giá xác định giá trị DN…
Tương tự, việc giao đất, cho thuê đất sau cổ phần hoá không qua đấu giá; giao đất với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất không phù hợp quy định xảy ra khá phổ biến. “Đất thuộc diện phải thuê đất nhưng thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất; chậm chuyển từ giao đất sang thuê đất theo quy định; giao đất không qua đấu thầu dự án gắn với quyền sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; cho thuê đất chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt; cho thuê đất rừng phòng hộ không đúng quy định” – KTNN liệt kê các sai phạm.
Điều chỉnh quy hoạch theo dự án chuyển đổi
Quy trình ngược này được KTNN chỉ ra khi kiểm toán tại đô thị lớn. Theo cơ quan này, đa số dự án chuyển đổi không xuất phát từ quy hoạch xây dựng hay quy hoạch sử dụng đất đã duyệt mà ngược lại, làm căn cứ để điều chỉnh quy hoạch và cập nhật vào quy hoạch, đặc biệt là ở các giai đoạn trước khi quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và các quy hoạch phân khu đô thị được duyệt.
“Trong quá trình thực hiện, đa số dự án đều có sự điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc xây dựng (theo đề nghị của các Chủ đầu tư và được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định) theo hướng tăng chiều cao tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng so với quy hoạch ban đầu, việc điều chỉnh này lại càng làm gia tăng dân số của dự án, gia tăng áp lực đến hạ tầng đô thị” – báo cáo nêu rõ.
Với thực trạng quỹ đất công cộng của đô thị hạn chế, đa số các dự án làm nhà ở và thương mại, sử dụng chung hạ tầng đô thị có sẵn xung quanh…, KTNN cảnh báo sẽ dẫn tới hiện nay giao thông đô thị càng trở lên khó khăn, ách tắc. Các vấn đề về thiếu hụt trường học, bãi đỗ xe, điện nước, sân chơi và ô nhiễm không khí, rác thải, nước thải càng nghiêm trọng và khó giải quyết.
Từ các sai phạm được phát hiện, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương được kiểm toán và các bộ, ngành có liên quan xử lý kiến nghị của KTNN về tài chính 1.368,8 tỷ đồng. Con số này bao gồm các khoản tăng thu 577,6 tỷ đồng (tiền thuê đất 345,3 tỷ đồng; tiền sử dụng đất 224,2 tỷ đồng; các khoản thuế và thu khác 8,1 tỷ đồng). Xử lý tài chính khác là 791,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN cũng kiến nghị xem xét thu hồi đất nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật 7.591.427 m2 và 3 thửa đất (chưa xác định diện tích) trong các Báo cáo kiểm toán của KTNN tại từng địa phương. Cùng với đó là tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong các Báo cáo kiểm toán của KTNN tại từng địa phương.
Riêng với UBND thành phố Đà Nẵng, KTNN đề nghị thanh tra làm rõ để xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định của pháp luật đối với việc giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất ở đô thị có thời hạn sử dụng lâu dài cho 2 doanhh nghiệp không đúng các quy định tại Điều 34, Điều 67 và Điều 84 của Luật đất đai 200.
Theo KTNN, việc này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển tài sản nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của công ty cổ phần, sau đó tiếp tục chuyển nhượng lại cho tư nhân hoặc góp vốn kinh doanh để thu lợi. Cụ thể, Công ty CP Lương thực Đà Nẵng có 7/8 thửa đất chuyển nhượng lại cho tư nhân, gồm thửa đất 294 Cách mạng tháng 8 (884,9m2), thửa đất 60 Hùng Vương (558,5m2), thửa đất 16 Lý Thường Kiệt (diên tích 4.105,2m2), thửa đất 52 Nguyễn Chí Thanh (239,3m2), thửa đất 751 Ngô Quyền (118,6m2), thửa đất 49 Lý Thường Kiệt (976,6m2), thửa đất 62 Tôn Đức Thắng (591m2); 1/8 thửa đất (số 95 Lê Lợi, 466,2m2) góp vốn kinh doanh để hình thành pháp nhân mới.