Công an TPHCM: Lá chắn thép phòng chống dịch Covid-19

Thứ Bảy, 21/08/2021 10:38

|

(CATP) Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại TPHCM, mỗi CBCS của CATP vẫn đang là pháo đài, lá chắn vững chắc ở các chốt trạm kiểm soát, khu cách ly, trên mọi ngả đường, khu phố phục vụ, chăm lo cho nhân dân... 

Hình ảnh các anh đội mưa nắng vác từng bao gạo, mớ rau... tới tận khu trọ của người dân bị phong tỏa để san sẻ hay những nghĩa cử cao quý trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 đã làm sáng thêm giá trị truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an nhân dân.

Luôn là "pháo đài" vững chắc

Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất chính trị cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, nhạy bén, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; lập nên nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc, tô thắm lá cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng; xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, là "thanh bảo kiếm" bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại quận 10 và tặng quà là trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch của quận
Công an phường Bến Thành, quận 1 nhận suất ăn từ cơ sở Bánh mì Như Lan phát cho người dân và lực lượng tuyến đầu
Từ trụ sở Tòa soạn Báo CATP, các chiến sĩ đưa gạo về địa phương phát cho dân

Trong đó, Công an TPHCM tham mưu cho Bộ Công an, Thành ủy TPHCM, UBND thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Là đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tổ chức xây dựng lực lượng Công an thành phố ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại...

Trong giai đoạn dịch Covid-19 đang hoành hành thì hình ảnh người cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM vẫn là "pháo đài" ở từng ngõ ngách các tuyến đường, con hẻm trên khắp các quận huyện, TP.Thủ Đức. Hình ảnh các anh đi vào những khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện... lo cho người dân từng bữa ăn khiến nhiều người dân không khỏi cảm động.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam cùng lãnh đạo chỉ huy các đơn vị CATP trong một lần kiểm tra đêm về công tác phòng chống dịch bệnh tại TP.Thủ Đức

Từ khi TPHCM thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy thì lực lượng Công an TPHCM chính là đơn vị chủ công trong phòng chống dịch. Lực lượng công an luôn có mặt tại những chốt kiểm soát để kiểm tra các phương tiện ra vào TP nhằm ngăn chặn dịch và đảm bảo thông thương hàng hóa, cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, Công an TPHCM là lực lượng trực tiếp điều tra truy xét đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người ở khu vực để truy vết dịch. Ngoài ra, phối hợp với lực lượng y tế tìm những ca tiếp xúc gần, những ca F1, F2 để từ đó có kế hoạch cách ly, phong tỏa nhằm cô lập các ổ dịch.

Không cho dịch bệnh có cơ hội lây lan trong và ngoài khu vực. Hầu hết CBCS Công an TPHCM bỏ lại sau lưng hạnh phúc của gia đình bất kể ngày đêm, nắng mưa có mặt 24/24 trong mặt trận chống giặc Covid-19.

Trong đợt dịch thứ tư bùng phát ở TPHCM với đa biến chủng vô cùng phức tạp, công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn thì lực lượng Công an TPHCM lại phải nỗ lực nhiều hơn.

Từ những ngày đầu bùng dịch, Công an TPHCM đã duy trì hàng chục chốt trạm cấp TP, hàng trăm chốt trạm cấp quận huyện và hàng ngàn tổ tuần tra kiểm soát cơ động để phòng chống dịch. Đồng thời, tiếp tục đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn trật tự giao thông cũng được thực hiện một cách quyết liệt. Từ đó tình hình an ninh trật tự của TP ổn định, phạm pháp hình sự được kéo giảm.

Nội dung của Chỉ thị 16 chỉ cho phép hoạt động một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, vật tư y tế nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ, trước tình hình đó một số doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng quy định trên nên đã cho công nhân nghỉ việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, dẫn đến không có tiền trang trải cuộc sống của họ và gia đình.

Nắm bắt được tình hình đó, Công an TPHCM cùng 21 quận huyện, TP.Thủ Đức đã phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức vận động các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm đóng góp lương thực, thực phẩm như: rau, gạo, mì gói, nước tương, dầu ăn, đường... để hỗ trợ cho các hộ dân trong các khu nhà trọ, hộ có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không ngại nguy hiểm truy xét tội phạm

Bên cạnh "lá chắn thép" phòng chống dịch Covid-19, Công an TPHCM cũng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã không ngại nguy hiểm để truy xét các đối tượng phạm tội trong mùa dịch Covid-19. Nhiều cán bộ, chiến sĩ mắc Covid-19 trong quá trình truy bắt tội phạm; thậm chí nhiều người đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ TP.

Công an TP phối hợp Quân sự TP phối hợp tuần tra, quyết tâm giữ vững an ninh trật tự trong thời gian giãn cách xã hội

Trước tình hình dịch Covid-19 đang hết sức phức tạp, Công an TPHCM là đơn vị chủ công trong công tác kiểm soát xử lý các tình huống vi phạm ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ hôm sau không có lý do chính đáng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, hầu hết người dân ở TP đều chấp hành nghiêm nhưng vẫn có một số tình huống ngoại lệ và được linh động xử lý để giúp đỡ người dân trong trường hợp cần thiết.

Luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân, đặc biệt là người già cao tuổi, bệnh nhân, phụ nữ, trẻ em... trong hoàn cảnh khó khăn không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của người chiến sĩ công an với nhân dân, mà còn thể hiện được nghĩa cử cao đẹp của tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn của dân tộc ta. Việc làm có ý nghĩa động viên tinh thần cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ công an vì nhân dân phục vụ.

Công an TPHCM đã tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Thành phố về bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng 7-2021, về trật tự an toàn xã hội thì cả TPHCM ghi nhận xảy ra 288 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 87 vụ so với liền kề, giảm 77 vụ so với cùng kỳ); đã điều tra, khám phá 191 vụ, bắt 233 tên; triệt phá 14 băng nhóm tội phạm, bắt 63 đối tượng. Riêng trong thời gian giãn cách xã hội từ ngày 9 đến 26-7, cả TPHCM xảy ra 103 vụ tội phạm về trật tự xã hội giảm 63 vụ so với liền kề, giảm 122 vụ so với cùng kỳ. Công an TPHCM đã điều tra khám phá 73 vụ, bắt 99 đối tượng.

Cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM truy bắt tội phạm trong mùa dịch Covid-19

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM phối hợp cùng Công an quận Tân Bình, Tân Phú, 12 bắt giữ đối tượng Nguyễn Phú Thịnh (SN 1989, ngụ tỉnh Bạc Liêu) dùng dao khống chế nhân viên cửa hàng cướp tài sản vào ngày 5-8

Về trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, kéo giảm trên cả 3 mặt. Lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM đã chủ động phát hiện giải tán 6 vụ tụ tập đua xe gây rối trật tự công cộng trên các tuyến đường vùng ven TP; tăng cường, huy động các lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các khu cách ly, phong tỏa, khu điều trị bệnh Covid-19; quyết liệt triển khai công tác tuần tra, chốt chặn kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về giãn cách xã hội, quy định về phòng chống dịch Covid-19; phối hợp Bộ Tư lệnh thành phố triển khai Kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội...

Trong số các đơn vị lực lượng Công an TPHCM, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) là đơn vị chủ công. Bất kỳ những vụ án có tính chất nguy hiểm thì đơn vị này luôn được giao nhiệm vụ và luôn hoàn thành tốt. Điển hình là vụ tử tù Nguyễn Kim An (SN 1995, ngụ Bình Thuận, tạm trú Q.Tân Bình) mắc Covid-19 trốn khỏi trại giam Chí Hòa vào ngày 13-7.

Lập tức Công an TPHCM đã lên kế hoạch để truy xét bắt giữ từ tù này. Xác định An mắc Covid-19 nên việc tập trung lần theo dấu vết, tiếp cận, vây bắt được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho lực lượng cũng như người dân xung quanh.

Về quá trình thực hiện bắt giữ tử tù, đơn vị chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng và đảm bảo được an toàn. Sau khi nhận sự chỉ đạo từ Ban Giám đốc Công an TPHCM, Thượng tá Trần Văn Hiếu - Trưởng Phòng PC02, Công an TPHCM - cùng anh em chiến sĩ đã không ngại khó khăn gian khổ lần theo dấu vết tử tù. Đơn vị lên mọi tình huống có thể xảy ra để truy xét bắt giữ và đảm bảo an toàn, nhất là người dân trên địa bàn. Từng con hẻm, khu phố được rà soát kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ thông tin từ các cơ quan báo chí, truyền hình nhằm đưa thông tin về tử tù cũng đặc điểm nhận dạng như vóc dáng, khuôn mặt... Nhiều tổ trinh sát của Phòng PC02 được chỉ đạo vào tận khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện... Lực lượng đã tính tới phương án An có thể trà trộn giả làm bệnh nhân ẩn nấp trong khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện. Các chốt trạm ở các tuyến đường ra vào các quận huyện trên địa bàn, hay ở khu vực giáp ranh các tỉnh thành đều được lực lượng kiểm soát kỹ lưỡng.

Sau khi xác định được tử tù đang lẩn trốn ở P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) thì lãnh đạo Phòng PC02 cùng những trinh sát đầy bản lĩnh kinh nghiệm lập tức có mặt tại khu vực này. Quá trình thực hiện bắt giữ tử tù, lực lượng Cảnh sát hình sự làm hết sức bài bản, nhanh chóng và đảm bảo được an toàn.

Sẵn sàng chịu mọi gian khổ, hy sinh

Tối 2-8, Tổ công tác Công an quận 6 trên đường tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19, phát hiện Hứa Hán Võ (SN 1994, ngụ phường 11, quận 6) đang lưu thông trên đường sau 18 giờ nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Nhận thấy đối tượng có nghi vấn sử dụng ma túy trái phép nên tổ công tác yêu cầu về trụ sở Công an phường 11 để test. Tuy nhiên, Võ không chấp hành mà phóng xe bỏ chạy.

Tổ công tác lập tức truy đuổi đến đường Lò Gốm thì bất ngờ Võ ép xe khiến xe thượng úy Phan Tấn Tài lao lên vỉa hè, va đập vào tường nhà dân. Mặc dù được đồng đội đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do chấn thương quá nặng, thượng úy Tài đã hy sinh lúc 21 giờ 30 cùng ngày.

Biết không thể trốn thoát, Võ đã đến Công an phường 11 tự thú. Qua test nhanh, đối tượng dương tính với ma túy. Tại cơ quan điều tra, Võ khai do mới sử dụng ma túy, nếu test sẽ bị lực lượng Công an phát hiện ra nên đã bỏ chạy. Chiều 3-8, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hứa Hán Võ về tội "chống người thi hành công vụ”.

Vào sáng 4-8, Công an TPHCM cùng Công an quận 6 đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí Phan Tấn Tài đã hy sinh khi đi làm nhiệm vụ tuần tra phòng chống dịch Covid-19 tại nhà riêng (phường 11, quận 6).

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP đến viếng, chia buồn, động viên gia đình đồng chí Phan Tấn Tài

Trước lễ truy điệu, thượng tá Huỳnh Tấn Lê, Phó trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Công an TPHCM đã công bố các quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì của Chủ tịch nước và quyết định thăng hàm từ thượng úy lên đại úy của Giám đốc Công an TPHCM với đồng chí Phan Tấn Tài.

Bên cạnh đó còn nhiều cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM âm thầm hy sinh thầm lặng cho sự bình yên của người dân. Nhiều người cho rằng những cán bộ chiến sĩ Công an trong thời bình sẽ bình yên, thế nhưng nhiều cán bộ chiến sĩ Công an đã phải đánh đổi tính mạng, anh dũng hy sinh để bảo vệ cho người dân, cho Tổ quốc trên các mặt trận khác nhau.

"Cảm ơn chiến sĩ công an và mạnh thường quân đã hỗ trợ tôi..."

Ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1956, ngụ TP.Thủ Đức) bị bệnh nặng nằm một chỗ hơn 1 năm nay và toàn bộ thu nhập của gia đình là từ vợ ông mỗi ngày. Vợ ông thường được người dân ở khu vực ai thuê gì làm đó. Từ khi dịch thì vợ ông cũng thất nghiệp nên 2 vợ chồng hết gạo, thức ăn... Hai vợ chồng lại không có người thân nên không biết nương tựa vào ai.

Cũng may là Công an TP.Thủ Đức hỗ trợ nhu yếu phẩm kịp thời để vợ chồng ông Hưng vượt qua khó khăn. Khi nhận được những bao gạo, rau... được các chiến sĩ công an đội mưa bê vào tận nhà, hai vợ chồng ông Hưng không khỏi xúc động và biết ơn.

Chị Nguyễn Thị Dịu Sương (SN 1994, ngụ quận 3) cho biết, chị vốn là nhân viên 1 công ty nhưng do dịch Covid-19 nên công ty tạm ngưng hoạt động. Trong vài tháng nay, chị ở không rời khỏi nhà để chống dịch nên thiếu thốn về lương thực thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Dịu Sương

"Từ khi có dịch ở khu vực thì ngày nào kể cả trời mưa năng, ban ngày và ban đêm thì cán bộ chiến sĩ Công an quận 3 vẫn đi vào tận các con hẻm, tuyến đường... phát loa tuyên truyền cho người dân. Thậm chí khi người dân ở con hẻm nơi tôi sinh sống hết gạo thì lập tức cán bộ chiến sĩ Công an tại đây có mặt bê từng bao gạo bó rau... trao tận tay người dân. Trong số đó có cả tôi. Hình ảnh người chiến sĩ Công an thời bình giữa mùa dịch làm cho người dân ở khu vực không khỏi xúc động. Tôi cám ơn cán bộ chiến sĩ công an, các mạnh thường quân đã hỗ trợ tôi cùng người dân tại đây vượt qua giai đoạn khó khăn trên..." chị Nguyễn Thị Dịu Sương chia sẻ.

Xúc động những dòng thư tay người dân gửi CBCS Công an tuyến đầu chống dịch
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang