Kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 – 3-3-2018):

'Lá chắn thép' nơi biên cương

Thứ Bảy, 03/03/2018 10:38

|

(CAO) Bên cạnh việc giữ gìn, bảo vệ bình yên trên tuyến biên giới biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP.HCM còn phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải quyết hiệu quả nhiều vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm xuyên quốc gia, bắt các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép...

Lực lượng biên phòng còn là điểm tựa vững chắc, luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân an để bà con tâm đánh bắt thủy hải sản trên biển.

"Hải đăng" giữa biển khơi

“Khoảng 2 giờ 30 ngày 12-2-2018, trong lúc tôi đang trực thì nghe có tiếng động lớn. Tôi tưởng kẻ trộm nên lấy đèn pin dò tìm thì thấy một người đang cố bơi giữa biển. Tôi liền hét lớn: “Bơi lên bờ ngay!”, nhưng người này chới với rồi trôi dần theo dòng nước. Tôi lập tức kêu đồng nghiệp thức dậy, lấy ca nô chạy theo để vớt nạn nhân lên. Dòng nước chảy xiết, nếu chậm trễ thì rất nguy hiểm. Tôi chụp được tay nạn nhân và kéo lên ca nô”, trung úy Hồ Ngọc Quang (cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Hiệp Phước) kể lại.

Khi vừa kéo được nạn nhân lên khỏi mặt nước thì các anh mới biết đó là một phụ nữ. “Tôi là vợ anh Bằng lái đò gần đây”, người phụ nữ vừa run vì lạnh vừa nói. Sau khi được đưa vào bờ, làm ấm cơ thể và bình tĩnh lại, bà cho biết, do trời tối nên trượt chân té rơi xuống biển.

“Vợ tôi làm nghề cắt tóc ở Q.Phú Nhuận, khi rảnh rỗi mới về đây thăm tôi, không sống gần sông nước nên không biết bơi. Nếu không nhờ các anh phát hiện kịp thời, tôi cũng không biết phải làm sao nữa…”, anh Hồ Công Bằng (SN 1967, quê Tiền Giang) xúc động nói.

Anh Bằng cảm ơn trung úy Quang đã cứu vợ mình giữa đêm khuya

Trước đó, chiều tối 8-1-2018, đang trên đường tuần tra về, trung úy Quang và trung úy Lê Bá Tân phát hiện một tàu kéo vỏ gỗ SG-3762 kéo theo bonton SG-3179 có nguy cơ bị chìm dần xuống biển, trong boong tàu có 2 thuyền viên đang tìm cách thoát nạn tại ngã ba Tắc Sông Chà (xã Phú Xuân, H.Nhà Bè). Hai anh lính biên phòng lập tức bật còi hú báo động, lái ca nô chạy đến cứu nạn. Khi các anh vừa kéo được nạn nhân thứ 2 lên ca nô thì toàn bộ chiếc tàu kéo chìm xuống biển.

“Do lực hút của tàu kéo rất mạnh nên khi tàu bị chìm, tôi không thể tự bơi ra được và bị kéo ngược vào trong. Rất may là các anh biên phòng nhìn thấy, kịp kéo lên ca nô. Đến giờ tôi vẫn chưa tin là mình có thể thoát khỏi dòng nước tử thần đó”, anh Nguyễn Văn Sang (SN 1982, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu; một trong hai thuyền viên gặp nạn) nhớ lại. Nạn nhân còn lại là anh Trần Minh Đằng (SN 1993, ngụ Sóc Trăng).

Trung úy Quang cho biết: “Khi vớt lên bờ, hai nạn nhân vẫn còn hoảng loạn nên chúng tôi đưa về Trạm kiểm soát biên phòng Soài Rạp gần đó. Khi đến nơi, chúng tôi tìm quần áo khô cho hai nạn nhân mặc và hỏi thăm tình hình rồi gọi điện về công ty của hai thuyền viên để thông báo về tai nạn. Vụ việc sau đó được bàn giao lại Đội CSGT đường thủy Phú Xuân tiếp tục giải quyết”.

Cán bộ chiến sỹ Hải đội 2 thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển Cần Giờ

Thời gian qua, các đơn vị đóng quân tại khu vực biên giới biển còn tổ chức nhiều lượt cho cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền vùng biển, tổ chức nắm tình hình biến động để kịp thời có phương án ứng phó phù hợp. Ngoài công tác chuyên môn, lực lượng biên phòng đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ tai nạn bất ngờ, thường xuyên hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá an toàn trên vùng sông, vùng biển thuộc địa phận mình quản lý.

“Thường trước khi bão kéo vào thì tôm cá xuất hiện nhiều hơn, do đó một số ngư dân “liều” ở lại đánh bắt. Những trường hợp như vậy, chúng tôi phải ra thông báo, yêu cầu vào bờ ngay lập tức, nếu cần thì tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân”, thượng tá Nguyễn Hữu Lợi (Chính trị viên Hải đội 2 BĐBP TP.HCM) cho biết.

Thượng tá Lợi kể, có lần bão đổ bộ vào địa bàn H.Cần Giờ, nhưng một số ngư dân vào cố bám trụ ở chòi đáy để đánh bắt thủy hải sản. Khi bão vào đến thì không thể điều khiển phương tiện vào bờ được, mà ở lại cũng rất nguy hiểm. Lúc đó, đơn vị của ông phải tổ chức phương tiện chuyên dụng ra ứng cứu. Những năm gần đây, tình hình ngư dân thờ ơ với thông tin cảnh báo bão đã giảm hẳn. Nhờ vậy, tai nạn về người và thiệt hại tài sản do bão gây ra cũng giảm đáng kể.

Phối hợp chặt chẽ, giảm nhẹ thiên tai

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Đoàn Quang Minh, Phó Tham mưu trưởng BĐBP TP.HCM cho biết, lực lượng BP tiếp nhận quản lý 1.755 km2 từ mũi Cần Giờ ra biên giới quốc gia trên biển. Do đặc thù vùng biển rộng, sông ngòi chằng chịt, lượng tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào tại cảng ở Sài Gòn khá đông trong khi lực lượng biên phòng còn mỏng, phương tiện còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo tình hình an ninh và cứu nạn cứu hộ.

Từ khi Nghị định 77/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của chính phủ về việc tổ chức phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác quốc phòng đã tạo một mạng lưới thông tin hiệu quả, chuẩn xác.

“Trong công tác cứu nạn cứu hộ, BĐBP đã phối hợp chặc chẽ với Bộ Tư lệnh TP, Công an TP, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP trong việc trao đổi thông tin, nắm tình hình về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình cháy nổ, công tác nghiệp vụ, tìm kiếm cứu hộ cứu hộ… nhờ vậy đã phối hợp xử lý tốt trong việc xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn TP. Từ khi thực hiện các nội dung trong công tác phối hợp đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội, không để sự việc phức tạp xảy ra”, đại tá Minh cho biết.

Đại tá Đoàn Quang Minh, Phó Tham mưu trưởng BĐBP TP.HCM

Tại địa bàn cư trú tuyến biên giới, lực lượng biên phòng cùng công an đã giải quyết tốt công tác quản lý cư trú và ngư dân hoạt động nghề cá, lao động tự do trên các lồng bè nhằm hỗ trợ bà con sinh sống ổn định. Nhờ vậy, các tuyến phố, ấp trên địa bàn TP trong năm qua không để xảy ra tình trạng tội phạm ẩn náu, đảm bảo hiệu quả tình hình an ninh trật tự.

Đồng thời, mỗi năm các lực lượng đều xây dựng kế hoạch ký kết, triển khai thực hiện trong công tác phối hợp tuần tra thường xuyên và cao điểm trong các ngày lễ, tết đảm bảo an toàn trên mặt nước (mặt sông, mặt biển) và trên bộ. Tại các cửa sông, cửa rạch luôn có sẵn lực lượng biên phòng, quân sự và phòng cháy chữa cháy để kịp thời tổ chức cứu nạn cứu hộ khi có sự việc bất ngờ xảy ra.

Trong năm qua, BĐBP các vùng biển đã phối hợp cùng lực lượng địa phương tổ chức phối hợp cứu hộ cứu nạn nhiều vụ tai nạn trên biển và giải quyết tốt an ninh trật tự, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Cụ thể, khi nhận dự báo bão Tembin (cơn bão số 16 trong năm) vào cuối tháng 12-2017, lực lượng biên phòng, công an, chính quyền địa phương huyện Cần Giờ chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người dân sống tại xã đảo Thạnh An.

Ngoài việc thông tin chi tiết về tình hình diễn biến của bão, lực lượng phối hợp còn tổ chức đến từng nhà vận động, hỗ trợ bà con di chuyển về điểm lưu trú an toàn.

Tại xã đảo Thạnh An, lực lượng chức năng đã chuẩn bị 4 địa điểm để người dân tránh bão gồm: Đồn BP, Trường THCS, Trường mầm non và Ban chỉ huy quân sự là những nơi được xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn.

“Ngoài ra, biên phòng còn chuẩn bị sẵn 2 tàu lớn neo đậu tại xã Thạnh An để kịp thời ứng phó, di chuyển bà con vào đất liền nếu diễn biến bão nguy hiểm. Tuy nhiên may mắn bão đến TP suy yếu dần nên không gây thiệt hại nghiêm trọng”, thượng tá Nguyễn Hữu Lợi – Chính trị viên Hải đội 2 (BĐBP TP.HCM) cho biết.

Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Hiệp Phước kiểm tra việc xuất, nhập cảnh của tàu du lịch nước ngoài cập bến vào địa phận

Bên cạnh đó, trong năm 2017, cán bộ chiến sỹ Hải đội 2 còn phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM, Phòng Cảnh sát PCCC, Ban chỉ huy quân sự huyện và đồn BP Cần Thạnh thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ.

Qua đó, phối hợp tìm kiếm, phát hiện và cứu vớt thuyền viên Trần Văn Du (SN 1988, quê Nam Định) bị rơi xuống biển gần khu vực phao số 3 luồng Soài Rạp (TP.HCM) vào giữa đêm 21-6-2017. Sau gần 3 giờ tích cực khoanh vùng, các lực lượng phối hợp đã tìm kiếm và phát hiện nạn nhân đang trôi dạt trên biển (cách vị trí tai nạn 7,5 hải lý về phía Tây – Tây Bắc).

“Thời gian qua, khi có tình trạng người dân gặp nạn trên biển, sau khi nhận được tin sẽ báo với chỉ huy và Ủy ban phòng chống lụt bão, đồng thời liên lạc đến các đơn vị biên phòng, công an, phòng cháy chữa cháy, huyện đội để nhanh chóng ra hiện trường ứng cứu liền. Nhờ liên hệ chặt chẽ nên công tác cứu nạn cứu hộ cũng hiệu quả hơn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra”, thượng tá Lợi chia sẻ.

Biệt đội chó nghiệp vụ của Bộ đội biên phòng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang